Một lớp học đầy vết máu ở trường quân đội tại Peshawar - Ảnh: Reuters |
“Pakistan phải thống nhất, đoàn kết để đảm bảo rằng cái chết của các học sinh không phải là vô nghĩa. Chúng ta quyết tâm tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cho đến khi những tên khủng bố cuối cùng bị tiêu diệt” - AFP dẫn lời Thủ tướng Sharif tuyên bố.
Ông Sharif cũng cho biết chính quyền Pakistan sẽ áp dụng trở lại án tử hình đối với những kẻ bị kết án khủng bố. Hiện hàng loạt quan chức tình báo và quân sự Pakistan đang có mặt ở Afghniastan để nhờ nước này hỗ trợ truy lùng các thủ lĩnh Taliban.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gặp các quan chức an ninh Pakistan và cho biết hai nước sẽ hợp tác để chống Taliban. Các nguồn tin tình báo cho biết thủ lĩnh tổ chức Taliban ở Pakistan (TTP) Mullah Fazlullah hiện đang lẩn trốn ở Afghanistan. Nhà chức trách Pakistan cho rằng vụ tấn công trường học quân đội ở Peshawar được lên kế hoạch từ Afghanistan.
Trước đó TTP cũng đã tuyên bố tổ chức này thực hiện vụ tấn công khiến 141 người thiệt mạng và 125 người bị thương, phần lớn là trẻ em, để trả đũa việc quân đội Pakistan mở chiến dịch tấn công Taliban ở các vùng Khyber và Bắc Waziristan.
Một người phát ngôn TTP còn giải thích rằng các tay súng được phái đến Peshawar “chỉ có ý định giết các học sinh lớn chứ không nhắm vào các học sinh nhỏ”. Một số nhà quan sát cho rằng TTP đang cố hạn chế thiệt hại do vụ tàn sát bị cả thế giới lên án. Thậm chí cả lực lượng Taliban ở Afghanistan cũng mô tả vụ tàn sát là “phản đạo Hồi”.
Báo Wall Street Journal dẫn lời một số chuyên gia nhận định TTP thảm sát trẻ em vì mục đích cạnh tranh giành ảnh hưởng với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm cực đoan khác. Trong thời gian qua, IS đã dùng các đoạn video chặt đầu và hành quyết hàng loạt làm công cụ chiêu dụ những kẻ có tư tưởng cực đoan khắp toàn cầu.
“Sự tàn bạo được xem là cách giành chiến thắng - giáo sư Ahmad Moussalli thuộc ĐH Beirut nhận định - Bạo lực tàn khốc giúp các nhóm khủng bố kiếm thêm tiền bạc, sự ủng hộ và tăng cường khả năng chiêu mộ lực lượng”.
Nhà phân tích Salman Shaikh thuộc Trung tâm Brookings Doha cho biết khi IS mở rộng vai trò toàn cầu, các nhóm cực đoan khác lập tức lao vào cuộc đua gây sốc nhằm tìm kiếm ảnh hưởng của riêng mình. TTP từng bày tỏ sự lo ngại đối với các nhóm khủng bố như Daesh và Boko Haram.
TTP từng thực hiện nhiều vụ thảm sát như vụ đánh bom ở nhà thờ tại Peshawar năm ngoái làm 127 người thiệt mạng, nhưng chúng hiếm khi công khai thừa nhận trách nhiệm. Ngược lại, sau vụ thảm sát ở trường học, TTP huênh hoang khoe chiến tích đẫm máu này.
“Sự tàn bạo không chỉ mang mục đích gây ấn tượng mà còn để khủng bố tâm lý, điều mà IS đã làm rất hiệu quả ở Iraq và Syria. Đối với bọn khủng bố, mục tiêu phải là người vô tội để gây sốc, để kiến người ta nghĩ rằng một thảm kịch tương tự sẽ không xảy ra nếu đáp ứng yêu cầu của bọn chúng” - chuyên gia Shaikh nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận