18/03/2005 00:04 GMT+7

Oshin tìm việc - việc tìm oshin

Bài, ảnh: YẾN TRINH
Bài, ảnh: YẾN TRINH

TT - 8g sáng, tôi đến đường Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM, nơi dân thành phố quen gọi là “chợ oshin”), một phụ nữ chừng 50 tuổi kéo tôi vào quán phở: “Chị là Q. Cưng tìm người giúp việc hả? Mấy người? Tìm người Nam, Trung hay Bắc? Lương bao nhiêu?”.

XMyQpfER.jpgPhóng to
Một gia chủ đang thỏa thuận lương với những người chờ việc
TT - 8g sáng, tôi đến đường Ba Tháng Hai (Q.10, TP.HCM, nơi dân thành phố quen gọi là “chợ oshin”), một phụ nữ chừng 50 tuổi kéo tôi vào quán phở: “Chị là Q. Cưng tìm người giúp việc hả? Mấy người? Tìm người Nam, Trung hay Bắc? Lương bao nhiêu?”.

Chị đon đả: “Chỗ chị chủ yếu người Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, thật thà, siêng năng. Mỗi ngày khoảng chục người mới tìm việc. Sáng nay còn ba người nhưng đi làm việc nhà theo giờ hết rồi. Chiều cưng quay lại coi mặt nghe... Không ưng bụng thì đợi mai mấy đứa khác lên”.

Oshin: từ lề đường đến nhà trọ

Khi tôi vừa ra khỏi quán thì một anh dáng xe ôm chờ sẵn chạy theo: “Không được hả? Theo tui. Làm gì phải chờ tới mai mới có người!”. Chưa kịp phản ứng, anh đã vụt lên trước dẫn đường. Chạy dọc theo đường Ba Tháng Hai chưa đầy 100m, anh dừng lại chỉ vào bốn người phụ nữ đang ngồi bó gối bên vỉa hè. Thấy khách, họ ngồi nhổm dậy, mau mắn hỏi: “Nhà cô có mấy người? Mấy lầu? Cô cần mấy người?”.

Một chị chừng 40 tuổi nói giọng Phú Yên cho biết mình có kinh nghiệm giữ trẻ nhiều năm và ra giá “trên 1 triệu đồng mới làm nổi”. Trong khi đó, chị Thắm quê Đồng Tháp kéo tay tôi lại một nhóm năm người khác ngồi núp sau một tủ thuốc lá: “Em chọn người đi. 700.000 đồng/tháng là tụi chị làm hết. Nói thiệt chứ chỉ cần có chỗ làm. Hôm nay chị không còn một xu dính túi mua cơm...”.Anh xe ôm tiếp tục dẫn tôi vào một ngôi nhà trên đường Nguyễn Tri Phương. Đây là nơi tạm trú của gần 20 chị người Hà Tĩnh. Cô chủ nhà giới thiệu cho tôi Lan và Nhiên. Cả hai là chị em, chị 17 tuổi và cô em mới 16. Lan cho biết “quê em chỉ làm ruộng, nghèo lắm!”.

14 tuổi, Lan đã vào Sài Gòn giúp việc nhà. Đợt rồi hai em về quê ăn tết lâu quá nên chủ cũ cho nghỉ... Vừa ra khỏi cổng thì một cô bé khác níu tôi lại: “Hai đứa nó được không chị? Nếu không được thì chị nhận em không? Em từng giữ con sinh đôi cho người ta rồi”.Chúng tôi quay lại đường Ba Tháng Hai, vào Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm HM. Văn phòng trung tâm quá chật chội nhưng gần 40 con người đang chen chúc. Kẻ đứng người ngồi chờ xin việc trong khi người tìm oshin rảo lòng vòng hỏi han, xem mặt từng người. Chưa đầy một buổi sáng tìm người giúp việc, tôi đã được dẫn đến năm địa điểm từ nhà trọ “đồng hương” người Bắc, Trung, Nam đến lề đường, và có hàng trăm người để chọn...Việc vẫn chờ oshinDù mỗi ngày, riêng chợ lao động trên đường Ba Tháng Hai thêm hàng trăm lao động sẵn sàng làm oshin nhưng việc “chọn mặt gửi nhà” của các gia chủ thật không đơn giản.Chị Thùy Mai - giáo viên mầm non ở Q.Gò Vấp, phải xin nghỉ làm cả tuần để tìm. Sau nghỉ tết, người giúp việc cũ đã “một đi không trở lại”. Người giúp việc cũ do một trung tâm giới thiệu, làm chưa được một tuần thì đòi tăng lương vì em bé hay quấy khóc đêm. Chị đồng ý tăng lên 700.000 đồng nhưng mới được vài ngày cô ấy lại đòi tăng lương nữa. Lần này chị ra thẳng “chợ người” với “hi vọng trực tiếp có nhiều sự lựa chọn”.

Tại Trung tâm HM, chị chọn bé Hiếu, 16 tuổi, quê Phan Thiết. “Mặt cô bé trắng trẻo, sáng sủa và trông có vẻ thật thà. Cứ theo cảm tính mà chọn chứ biết đâu được” - chị Mai giải thích. Tuy nhiên, bé Hiếu lại ra điều kiện: “Con chỉ đi làm khi chủ nhận luôn bé Lớn. Bé Lớn là bạn con. Ở riêng một mình con không dám”.Chọn mặt đã khó, để người giúp việc quen với nếp nhà càng khó. Với bác Hồng Ngọc Liên, 57 tuổi, thì càng vất vả hơn: “Ngộ là người Hoa, ông nhà ít ăn được món người Việt. Mỗi lần tuyển người về ngộ phải chỉ họ nấu ăn. Nhưng oshin người Nam thì nấu bỏ đường, oshin người Trung thì bỏ muối nhiều quá! Mỗi lần dọn cơm lên là ông cứ lắc lắc cái đầu. Ăn không ngon! Ngộ tìm năm người rồi nhưng họ chê nhà ngộ khó nên bỏ đi hết. Tìm oshin thật đau cái đầu!”.Việc gia chủ bị người giúp việc ôm tiền bạc, đồ đạc rồi trốn mất cũng không phải lạ. Tháng hai vừa qua, bà Thanh, 60 tuổi, Việt kiều Canada, hiện ngụ tại đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận), phải nhờ một công ty tư vấn luật giải thích về việc thuê người giúp việc ở VN. Do mới về nước và ở một mình, bà có thông qua một công ty giới thiệu người giúp việc nhà.

Sau đó vài ngày có một người phụ nữ tìm đến nói do công ty giới thiệu. Không ngần ngại bà Thanh nhận vào làm. Nhưng chỉ được ba ngày, người giúp việc kia đã lấy cắp của bà 1.500 USD rồi trốn mất. Bây giờ dù tuổi cao sức yếu và không rành đường sá, thừa tiền nhưng bà vẫn không dám nhận oshin mới.

n7VE1B5y.jpgPhóng to
Oshin tìm việc tại Trung tâm dịch vụ việc làm Khang Phú Hưng, Q.11
Công ty "oshin"?

Tìm người giúp việc ở đâu? Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm nào tại TP.HCM cũng có! Nhưng có trung tâm nào chuyên nghiệp trong lĩnh vực này? Chưa! Cái vướng lớn nhất là niềm tin của gia chủ đối với người lao động. Chưa một ông “cò”, bà “cò” hay trung tâm nào dám đứng ra chịu trách nhiệm về tư cách đạo đức cũng như khả năng làm việc của oshin.

Thường gia chủ đóng cho trung tâm khoảng 100.000 đồng. Trung tâm có trách nhiệm giao người tận tay gia chủ theo yêu cầu về tuổi tác, lương. Chủ có quyền đổi người trong vòng 2-5 ngày khi không thích hợp. Nếu oshin tự ý bỏ đi thì trung tâm sẽ trả phí dịch vụ lại cho gia chủ. Còn những khoản khác đều do oshin và chủ thỏa thuận bằng miệng.Chị Đặng Thị Tố Uyên - nhân viên Trung tâm giới thiệu việc làm Khang Phú Hưng (Ba Tháng Hai, Q.11) - cho biết lúc nào trung tâm cũng trong tình trạng “cung” không đủ “cầu” dù mỗi ngày có thể cung cấp 50-60 người. Một số gia chủ đánh giá đây là một trong ít nơi tại TP.HCM cung cấp dịch vụ oshin tương đối tốt. Trung tâm hiện có chi nhánh tại tám tỉnh miền Tây. Các chi nhánh chịu trách nhiệm tuyển người dưới quê.

Dĩ nhiên, trung tâm không chịu trách nhiệm đền bù các sự cố mất cắp cho gia chủ nhưng người lao động ở đây có giấy tờ rõ ràng. Nhiều trường hợp nhân viên công ty kiêm luôn tư vấn tâm lý oshin khi họ gặp phải những trường hợp khó xử. Trước tết, trung tâm phải nhờ UBND P.Cầu Kho, Q.1 can thiệp cho ba người lao động được chủ trả lương.

Chị Uyên cho biết: “Sắp tới chúng tôi sẽ thảo hợp đồng lao động cho gia chủ và người lao động ký. Chúng tôi còn muốn đào tạo oshin những kỹ năng thông thường như nấu món ngon các miền, cắm hoa, chăm sóc trẻ em... Trung tâm đảm bảo quyền lợi cho người lao động lẫn người sử dụng lao động. Song tất cả mới là ý tưởng vì chúng tôi chưa đủ sức!”.

Bài, ảnh: YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên