01/03/2020 11:14 GMT+7

Oscar phim tài liệu American Factory: Người cổ xanh thương kẻ cổ xanh

MAI THỤY
MAI THỤY

TTO - Đoạt Oscar năm nay cho hạng mục phim tài liệu xuất sắc nhất, American Factory một lần nữa chạm vào những cái gai đã găm sâu vào người Mỹ mang tên "nạn thất nghiệp", dù đôi khi chúng vẫn tự tấy lên nhức nhối.

Oscar phim tài liệu American Factory: Người cổ xanh thương kẻ cổ xanh - Ảnh 1.

Hơn 1.000 công nhân trong nhà máy, họ vẫn là những kẻ đơn độc - Ảnh: NETFLIX

Năm 2014, Công ty Fuyao của tỉ phú người Trung Quốc Cao Dewang đến mở nhà máy sản xuất kính ôtô tại Mỹ. Công xưởng sử dụng lại nhà máy cũ đã giải thể của Hãng General Motors, một biểu tượng cho cuộc đại suy thoái năm 2008.

Bị thu hút từ cuộc hồi sinh lịch sử, hai đạo diễn Steven Bognar và Julia Reichert đã ròng rã suốt mấy năm trời quay bộ phim tài liệu American Factory (tạm dịch: Công xưởng Hoa Kỳ) để cận cảnh những sóng gió bên trong nhà máy.

American Factory | Official Trailer | Netflix

Cây đũa phép mang việc làm trở lại?

Bộ phim mở đầu bằng hình ảnh một ngày đáng quên của những người dân thành phố Dayton khi xưởng sản xuất xe hơi General Motors đóng cửa và hơn 2.000 người phải thất nghiệp.

Sáu năm sau, Fuyao đặt chân đến đây như một chương mới mở ra với họ. Nếu "giấc mơ Mỹ" có thật, ở thời điểm đó, niềm hi vọng đã được trao cho cả ban lãnh đạo công ty lẫn những công nhân Trung Quốc - Mỹ làm việc chung trong nhà máy.

Trong ánh sáng rực rỡ của căn phòng được trang hoàng cho đêm Giáng sinh, nữ công nhân Jill nói về niềm hạnh phúc khi tìm được nơi ở mới, thay vì phải sống trong tầng hầm ẩm thấp nhà chị gái. Cô treo những chiếc vớ đỏ lên vách tường và nguyện cầu một cuộc sống bình yên.

Nhưng những giây phút hân hoan ban đầu cũng chỉ có thế, hai đạo diễn nhanh chóng nhận ra chiếc bánh lái của công ty dần chuyển sang một hướng khác, đối mặt với khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, tư duy công việc.

Oscar phim tài liệu American Factory: Người cổ xanh thương kẻ cổ xanh - Ảnh 3.

Ông bà Obama và Steven Bognar, Julia Reichert

Công nhân Trung Quốc có thể làm 12 giờ một ngày, ở lại nhà máy, không kêu ca điều kiện làm việc và nhận mức lương thấp hơn, trong khi công nhân Mỹ hoàn toàn ngược lại. Họ đã không gặp được nhau trong định nghĩa về sự tự do.

Chỉ sau vài cảnh chóng vánh, người xem chợt nhận ra mình đang đứng trong cuộc chiến nổ ra giữa ban lãnh đạo nhà máy và những công nhân Mỹ muốn thành lập công đoàn.

Người Mỹ cần công đoàn để có tiếng nói, còn những ông chủ lại không muốn mất đi tiếng nói của mình. Chẳng hề khoan nhượng, dùng đến cả thủ đoạn, có lúc còn cấm cả nhà làm phim ghi hình, trận chiến đã đổ ra sông biển những giao tình thuở đầu.

Nếu chỉ là chuyện "công ty anh, đất nước tôi", phim có lẽ đã không khiêu khích người xem đến vậy. Mỗi công ty đa quốc gia luôn phải vượt qua rào cản luật lệ khi tìm đường vào một thị trường mới và công nhân luôn sẵn sàng đối mặt với những ông chủ không thấu hiểu nỗi vất vả của họ.

Thế nhưng vì được gầy dựng trên niềm hi vọng quá lớn, khi cả thế giới xem nhà máy như dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế, chuyện tình Fuyao đã sớm đổ vỡ, vỡ toang như những tấm kính họ đang sản xuất.

Thiếu vắng lời dẫn chuyện, chắp nối với nhau bằng những đoạn độc thoại cụt ngủn, American Factory tựa như một bộ phim tài liệu chồng lấp lên một bộ phim tài liệu. Giữa những điều đang xảy ra, người xem phải phán đoán rất nhanh những cái chốt bất ngờ của phim.

Chuyện gì xảy ra với cuộc sống của Jill, người từng có căn nhà ấm cúng ở một góc phố Dayton?

Chẳng ai rõ điều ấy, người ta chỉ thấy cô đứng trên đường, giơ một tấm biển phản đối nhà máy trong mái tóc rối bời. Và khác với vẻ thân thiện ban đầu, chủ tịch Cao Dewang trở lại làm một ông chủ tư bản lạnh lùng, sa thải bất kỳ ai cứng đầu.

Oscar phim tài liệu American Factory: Người cổ xanh thương kẻ cổ xanh - Ảnh 4.

Steven Bognar và Julia Reichert với giải Oscar phim tài liệu xuất sắc nhất - Ảnh: AP

Ước mơ đơn giản của người lao động tay chân

Giữa mớ bòng bong của Fuyao, hai đạo diễn đã tìm ra một điểm sáng cho bộ phim với tình bạn của Vương và Rob. Vượt qua khoảng cách ngôn ngữ và văn hóa, kể cả khi đứng về hai phía khác nhau trong cuộc chiến đòi thành lập công đoàn, họ luôn giữ tình bạn dành cho nhau.

Rob bị sa thải vì tuổi tác, Vương tiếp tục làm trong nhà máy và đưa vợ con sang đoàn tụ, nhưng họ vẫn gặp mặt mỗi cuối tuần.

Ở Mỹ, những công nhân làm việc chân tay trong công xưởng thường được gọi là người cổ xanh (Blue-collar) để phân việc với giới nhân viên văn phòng cổ trắng. Vương và Rob nhìn nhau bằng những chiếc cổ xanh, không phải bằng đất nước. Và họ gặp ở người kia sự đồng cảm.

Oscar phim tài liệu American Factory: Người cổ xanh thương kẻ cổ xanh - Ảnh 5.

Cảnh trong American Factory

American Factory đã mở ra những điều thật to lớn, để rồi đọng lại ở những thứ thật nhỏ bé. Bộ phim lướt qua vài phân đoạn Fuyao đang chuyển mình bằng những cỗ máy tự động hóa, họ sa thải nhiều hơn và sản xuất mạnh hơn.

Trong một tương lai bấp bênh như vậy, Vương, Rob hay tất cả những công nhân khác đều có rất ít lựa chọn, dù đứng sau lưng họ là một đất nước to lớn nào chăng nữa. Đó cũng chính là lý do ông Obama từng nói sẽ chẳng có cây đũa phép nào có thể mang việc làm trở lại.

American Factory là một thực trạng buồn về nạn thất nghiệp và những ước mơ đơn giản của người lao động tay chân.

Vậy nên Tổng thống Trump có thể chỉ trích Oscar đã trao giải cho Parasite thay vì cho phim Mỹ, chứ chẳng hé nửa lời về bộ phim do đối thủ chính trị sản xuất, mặc cho ông vẫn luôn kiêu hãnh với những cải cách của mình.

Trong phim, có một hình ảnh về đống kính vụn chìm trong cơn mưa tuyết, những tấm kính đã trở thành biểu tượng của American Factory. Sáng choang, tràn ngập thứ long lanh nhưng cũng dễ vỡ vụn và bị thay thế, chẳng ai biết điều này là để nói về tấm kính hay cuộc sống của những kẻ cổ (bị) xanh.

Không gồng mình gánh sự tự tôn dân tộc

americanfactory

American Factory là tác phẩm đầu tay của hãng phim do vợ chồng cựu tổng thống Barack Obama sản xuất.

Hãy thử tưởng tượng nếu American Factory được đạo diễn bởi Michael Moore - nhà làm phim tài liệu cánh tả nổi tiếng với sự gay gắt dành cho giới chính trị gia, đoan chắc rằng bộ phim sẽ dẫn người xem đến những chất vấn hừng hực đối với chính phủ trước làn sóng Trung Quốc. Còn hai đạo diễn Steven Bognar và Julia Reichert lại chọn vị trí làm người quan sát.

American Factory không gồng mình gánh sự tự tôn dân tộc của hai phía.

Gạt phăng lời lẽ sáo rỗng ngoại giao để trở về thực tế, nhà máy là nơi công nhân oằn vai kiếm vài đồng đôla để trả hóa đơn và những ông chủ phải tính bài toán lợi nhuận. Chẳng điều gì liên quan đến dân tộc Mỹ hay Trung Quốc vĩ đại.

American Factory - Phim đầu tay của vợ chồng ông Obama được khen ngợi American Factory - Phim đầu tay của vợ chồng ông Obama được khen ngợi

TTO - Vợ chồng cựu tổng thống đã dành bộ phim đầu tiên do họ sản xuất để khắc họa rõ nét và nêu bật tình cảnh của những người công nhân Mỹ khi nhà máy của họ bị Trung Quốc mua lại.

MAI THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên