Một số phim được đề cử Oscar năm nay: Emma, Ma Rainey's Black Bottom, Mank - Ảnh: VOGUE
"Khi Hollywood đang chuẩn bị cho buổi phát sóng lễ trao giải Oscar năm nay, họ đối mặt với viễn cảnh ngày tận thế: công chúng sẵn sàng ném những buổi trình diễn hàng đầu vào thùng rác giải trí, xuống cạnh các chương trình tạp kỹ. Oscar nằm cạnh show của Lawrence Welk" - tờ New York Times viết trong một bài dự báo ảm đạm.
Rating rơi tự do
Sau 14 tháng chờ đợi vì đại dịch, giải Oscar lần thứ 93 sẽ diễn ra tối 25-4 tại Los Angeles, Mỹ (tức sáng 26-4 theo giờ Việt Nam). Các nhà sản xuất Jesse Collins, Stacy Sher và Steven Soderbergh nhận lấy sứ mệnh "Mang đến tình yêu điện ảnh" như trong thông điệp then chốt hướng đến khán giả của Oscar năm nay.
Nhưng Oscar cũng gặp khó khi lượng người theo dõi các lễ trao giải đã diễn ra (Grammy, Quả cầu vàng) đều sụt giảm nghiêm trọng. Không chỉ các nhà sản xuất Oscar mà toàn bộ giới điện ảnh đều đang đứng trước thử thách phải mang tình yêu điện ảnh trở lại trong trái tim khán giả.
Mank được đề cử 10 giải Oscar nhưng chỉ có 18% khán giả thường xuyên xem phim biết đến bộ phim - Ảnh: CNN
Mới đây, giải Grammy giảm 53% rating, giải Quả cầu vàng sụt mạnh đến 60%. Rõ ràng, năm 2021 không phải là một năm tốt lành với các lễ trao giải danh giá. Còn Oscar thì sao? Tình hình không quá khả quan.
Theo số liệu của Guts + Data, chỉ 18% người xem phim thường xuyên (ở rạp hoặc tại nhà) từng nghe nói đến phim Mank - tác phẩm dẫn đầu đề cử Oscar năm nay với 10 hạng mục. Độ nhận diện cao nhất Oscar năm nay là Judas and the Black Messiah, 46%. Ứng viên hàng đầu Nomadland chỉ có 35%.
Một số phim Oscar phát hành trực tuyến nhưng khá mờ nhạt về lượt xem. Các phim chiếu rạp cũng có lượng khán giả lại rất ít ỏi. Trong số 8 phim được đề cử phim hay nhất, doanh thu cao nhất là Promising Young Woman với 12 triệu USD. Mọi năm, phim Oscar thường kén khán giả, doanh thu không cao nhưng độ nhận diện "mờ mịt" như năm nay thực sự đáng lo ngại.
Promising Young Woman được đề cử 5 giải Oscar - Ảnh: FOCUS
Nguyên nhân Oscar năm nay xa lạ với khán giả không hẳn là đại dịch COVID-19. Số liệu của Nielsen cho thấy giải Oscar đã "rơi tự do" trong 6 năm trước đó. Nếu năm nay, rating Oscar sụt giảm nhiều như Quả cầu vàng (60%), đó sẽ tiếp tục là một cú rơi tự do thê thảm đối với giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới.
Hơn một năm qua, hình thức giải trí tại nhà ngày càng phổ biến, rạp phim đóng cửa trên diện rộng. Điều này đe dọa vị trí chủ đạo trong văn hóa giải trí Mỹ của ngành điện ảnh, phim chiếu rạp. Nếu giải Oscar 2021 không gây tiếng vang, điều này sẽ đẩy Hollywood lún sâu hơn vào "cuộc khủng hoảng bản sắc", theo New York Times.
Thành bại Oscar
Nguy cơ Oscar đi xuống không chỉ đáng buồn về khía cạnh tình yêu điện ảnh mà còn kéo theo thiệt hại về tiền bạc.
Bản thân Oscar là cỗ máy kiếm tiền của Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật điện ảnh, khi Disney (chủ sở hữu Đài ABC) chi 900 triệu USD cho bản quyền phát sóng lễ trao giải đến năm 2028. Các hãng có nhiều phim dự giải như Netflix cũng sẵn sàng chi 30 triệu USD để quảng bá, vận động hành lang cho mỗi phim. Sau mỗi mùa Oscar, viện hàn lâm thu lời 90 triệu USD.
Đạo diễn, nhà sản xuất Steven Soderbergh mong giải Oscar trở nên thân mật hơn với khán giả - Ảnh: WIKIWAND
Do đó, viện không thể ngồi yên nhìn lễ trao giải đi xuống. Họ thuê đội ngũ sản xuất gồm Steven Soderbergh, một trong những đạo diễn nổi tiếng nhất Hollywood; Stacey Sher - nhà sản xuất thân thiết của đạo diễn Quentin Tarantino và Jesse Collins - nhà sản xuất của giải Super Bowl và Grammy.
Nhiệm vụ của họ đầy thử thách: vừa tạo nên một đêm trao giải dài 3 tiếng hấp dẫn, trao đủ 24 hạng mục lại đảm bảo an toàn thời COVID-19. Riêng chi phí để thực hiện các biện pháp phòng dịch đã chiếm 1/3 kinh phí sự kiện.
Để Oscar năm nay mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, đạo diễn Steven Soderbergh nhấn mạnh yếu tố tiên quyết là "sự thân mật". Soderbergh cho biết dù ngồi trong khán phòng với tư cách người được đề cử hay xem tại nhà, ông thấy Oscar chưa mang lại cảm giác thân mật. Soderbergh cũng cấm tiệt ứng dụng Zoom vì nó gây cảm giác xa cách, thiếu đầu tư.
Sự xuất hiện của các ngôi sao màn bạc hàng đầu cũng làm nên sức hút của Oscar - Ảnh: GETTY IMAGES
Khi nói về tình yêu với điện ảnh, nhiều người lớn tuổi viện dẫn ký ức của chính mình về trải nghiệm đắm chìm trong rạp phim, tách biệt với thực tại trong vòng 2 hoặc 3 tiếng đồng hồ. Nhưng với thế hệ mới, đặc biệt là thế hệ Z, trải nghiệm phim ảnh của họ gắn với các ứng dụng trực tuyến, ở mọi nơi, mọi lúc. Không lâu nữa, Oscar sẽ đứng trước thách thức thay đổi hoặc trở nên lỗi thời.
Chẳng hạn, một lễ trao giải hoành tráng kéo dài 3 tiếng rưỡi như mọi năm có thời lượng bằng 864 video trên TikTok. Việc phát sóng qua kênh truyền thống như ABC cũng không dành cho khán giả trẻ - thế hệ xem mọi thứ qua mạng, khi Oscar chưa kịp chuyển mình để có những hình thức quảng bá phù hợp với mạng xã hội.
Titanic, một phim Oscar rất phổ biến với khán giả - Ảnh: FOX
Titanic: một trong những phim Oscar đông khán giả nhất
Từ năm 2014 đến 2020, lượng người xem Oscar giảm 44%. Năm ngoái chỉ có 23,6 triệu lượt người xem lễ trao giải, trong khi năm 2014 có đến 43,74 triệu lượt người xem.
Thời đỉnh cao rating của Oscar là năm 1998, với 57,2 triệu lượt người xem. Đó chính là năm Titanic đoạt giải Phim hay nhất. Titanic là một trong những phim Oscar đông khán giả nhất với doanh thu 2,2 tỉ USD, cùng với The Lord of the Rings: The Return of the King (2004).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận