06/12/2015 08:09 GMT+7

OPEC làm leo thang cuộc chiến giá dầu

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Thời kỳ giá dầu thấp sẽ còn tiếp tục kéo dài sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ sản lượng khai thác cao hơn nhu cầu thị trường.

Các tập đoàn xăng dầu lớn như Shell cũng đang giảm quy mô - Ảnh: Reuters
Các tập đoàn xăng dầu lớn như Shell cũng đang giảm quy mô - Ảnh: Reuters

Giá dầu thô thế giới đã rơi xuống dưới ngưỡng 40 USD/thùng sau cuộc họp kéo dài bảy giờ đồng hồ hôm 4-12 của các lãnh đạo khối OPEC tại thủ đô Vienna của Áo.

Chủ tịch OPEC, Bộ trưởng Dầu mỏ Nigeria Emmanuel Ibe Kachikwu, thông báo các lãnh đạo tổ chức này quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác ở mức 31,5 triệu thùng/ngày.

Tờ Wall Street Journal trích dẫn một văn bản nội bộ của OPEC cho thấy với sản lượng này, thị trường thế giới sẽ dư ra 700.000 thùng dầu/ngày trong năm 2016, mặc dù con số này còn thấp hơn nhiều so với 1,8 triệu thùng của năm nay.

“Thông điệp của OPEC ám chỉ rằng họ hoàn toàn thoải mái với sản lượng hiện tại. Điều này sẽ còn kìm hãm giá dầu trong một thời gian kha khá” - chiến lược gia về đầu tư Rob Haworth của U.S. Bank Wealth Management nhận định.

Mức dư thừa hiện nay (3 tỉ thùng dầu) là chưa từng có, tăng đến 9% so với năm trước

Chuyên gia BENJAMIN LOUVET

Thử thách cùng giá dầu

Chính các thành viên OPEC cũng bị thiệt hại nặng về nguồn thu trong điều kiện giá dầu thấp. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính giá dầu lao dốc đã làm giảm nguồn thu của khối OPEC từ 1.000 tỉ USD mỗi năm xuống còn 550 tỉ.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới tháng trước cảnh báo hầu hết các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông, trong đó có Saudi Arabia, Oman, Bahrain, sẽ cạn tiền trong vòng 5 năm nếu giá dầu không ở trên mức 50 USD/thùng.

Vì nhiều động cơ khác nhau, cuộc chiến giá dầu đang trở thành một cuộc “thi gan” xem ai chịu đựng lâu hơn.

Một số nước như Saudi Arabia hiện còn đến 644 tỉ USD dự trữ nên có thể trụ được khoảng 2-3 năm, theo đánh giá của chuyên gia Dorian Abadie thuộc XTB France.

Trong khi đó Venezuela đang ở bên bờ vực phá sản, đến mức Tổng thống Nicolas Maduro phải kêu gọi các lãnh đạo OPEC “nghiên cứu khả năng giảm 5% sản lượng dầu” và lời kêu gọi này cũng đã tan thành mây khói.

Đỉnh điểm của cuộc chiến này có thể sẽ xảy ra vào năm sau nếu Iran quay lại thị trường dầu mỏ khi lệnh cấm vận quốc tế được dỡ bỏ.

Các nhà phân tích nói Tehran có khả năng nhanh chóng đẩy mức sản xuất lên 500.000 thùng/ngày.

Theo IEA, năng lực sản xuất dữ dội của OPEC đang tạo ra lượng dư thừa 3 tỉ thùng dầu trên khắp thế giới.

Thậm chí giữa lúc kinh tế còn ảm đạm khiến nhu cầu tiêu thụ không cao, các quốc gia dầu mỏ khác như Nga (sản lượng trong tháng 11 vừa qua đạt mức kỷ lục 10,78 triệu thùng/ngày) và Mỹ cũng không chịu cắt sản lượng.

Nhà phân tích Alanna Petroff nhận định trên CNN rằng tuy các nước xuất khẩu đều bị thiệt hại, nhưng một số nước lại “đau khổ” hơn những nước khác do giá thành sản xuất chênh lệch quá lớn.

Để so sánh, giá thành sản xuất mỗi thùng dầu ở Anh là 52,50 USD, ở Brazil là gần 49 USD, ở Canada là 41 USD, ở Mỹ là 36 USD...

Nhưng ở vùng Vịnh, Saudi Arabia và Kuwait bơm mỗi thùng dầu với giá dưới 10 USD, còn ở Iraq vào khoảng 10,70 USD/thùng.

Thị trường nhìn nhận chiến lược “biển dầu” của OPEC, hiện chiếm đến 30% tổng sản lượng của thế giới, chủ yếu là đánh bật các đối thủ có giá thành sản xuất cao để chiếm thị phần.

Xung chấn lan khắp thế giới

Xung chấn của cuộc chiến giá dầu, cá biệt là cuộc họp định kỳ sáu tháng một lần của OPEC, đang lan khắp thế giới. Bị ảnh hưởng đầu tiên lại chính là... OPEC.

Giới quan sát cho rằng tổ chức này đang bị rạn nứt từ bên trong do sự độc tôn của các nước như Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất...

Nhóm “nhà giàu” trên cho đến nay liên tục phớt lờ lời khẩn cầu của các thành viên khác như Venezuela, Ecuador, Algeria... về việc đồng loạt cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá dầu lên mức 75 USD/thùng.

“Nghiệp đoàn này đã vỡ vụn về cơ bản” - Matthew Smith, giám đốc Hãng nghiên cứu thị trường ClipperData có trụ sở tại New York (Mỹ), nhận xét.

“Bị hại” tiếp theo là Iran, một đích nhắm có chủ định của Saudi Arabia. Cấm vận kinh tế đối với Tehran có thể được Mỹ dỡ bỏ sớm nhất vào tháng 1-2016. Iran sẽ buộc phải bằng lòng với giá dầu thấp khi vừa có cơ hội quay lại thị trường. Saudi Arabia không đời nào muốn trao thêm quyền lực cho Tehran nếu để giá dầu tăng.

Ngành năng lượng và ngân sách các nước không thuộc OPEC như Mỹ, Nga... là nạn nhân kế tiếp. Khoảng 123.000 việc làm đã biến mất khỏi ngành này kể từ cuối năm 2014 tại Mỹ, đặc biệt là các bang như Texas, North Dakota.

Riêng trong năm nay, hàng chục công ty dầu mỏ khu vực Bắc Mỹ đã phải nộp đơn xin phá sản, trong khi cổ phiếu của các đại gia như ExxonMobil, Chevron, ConocoPhillips liên tục rớt.

Cuối cùng, có lẽ ảnh hưởng duy nhất được chào đón của cuộc chiến dầu mỏ là... giá xăng giảm. Giá trung bình mỗi gallon xăng (tương đương 3,78 lít) tại Mỹ đã giảm xuống 2,05 USD từ mức 2,75 USD cách đây một năm. Với động thái mới nhất của OPEC thì khuynh hướng này sẽ còn tiếp tục.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên