Nhân viên Huawei dùng bữa bên trong khuôn viên của công ty này ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc - Ảnh: GETTY
Theo đó, Mỹ vẫn cho phép Huawei mua hàng từ Mỹ giúp duy trì hệ thống mạng và cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay hiện tại. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua các linh kiện và thiết bị của Mỹ để sản xuất những sản phẩm mới nếu không có giấy phép.
Nhiều người cho rằng ông Trump sẽ "buông tha" cho Huawei, như cách ông bỏ trừng phạt với Tập đoàn ZTE của Trung Quốc vào năm ngoái, khi nhận được nhượng bộ thương mại từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hãng tin Bloomberg cho rằng suy nghĩ này thật "ngây thơ" bởi ZTE bị cấm mua các linh kiện của Mỹ vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
"Nếu Trung Quốc và Mỹ bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh công nghệ, lệnh cấm nhằm vào Huawei có thể được xem là sự khởi đầu..." - báo New York Times bình luận.
Ông Bill Bishop, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, nhận định Mỹ hiện đang tăng cường tối đa nỗ lực để cản trở Trung Quốc và giấc mơ 5G của Huawei.
Những lo ngại về việc Mỹ bị bỏ lại phía sau Trung Quốc trong cuộc đua phát triển mạng 5G, thế hệ kết nối không dây cực nhanh tiếp theo, đã xuất hiện trong lòng nước Mỹ thời gian qua.
Tháng 9 năm ngoái, Ủy ban Viễn thông liên bang Mỹ đã công bố kế hoạch 5G để "tạo điều kiện cho sự vượt trội của Mỹ trong công nghệ 5G".
Việc làm chủ thế hệ công nghệ tiếp theo và kiểm soát quá trình triển khai ra toàn cầu sẽ trao cho người chiến thắng những lợi thế lớn.
Ông Christopher Balding, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Fulbright Việt Nam, nhận định trong bối cảnh tranh giành "quyền bá chủ", chính quyền ông Trump có thể xem căng thẳng với Trung Quốc là cơ hội để tách Bắc Kinh khỏi các nền kinh tế phương Tây.
Huawei được cho là đang có 80.000 người nghiên cứu, phát triển và nắm giữ số bằng sáng chế 5G lớn nhất.
Từ ngày Huawei bị liệt vào danh sách đen thương mại, cụm từ "chiến tranh lạnh công nghệ" liên tục được các tờ báo lớn của Mỹ cảnh báo.
Cổ phiếu Samsung bật tăng
Sau động thái nới lỏng hạn chế của Mỹ nhằm vào Huawei, chứng khoán châu Á kết thúc ngày 21-5 tăng giảm trái chiều nhưng nhìn chung tích cực hơn.
Theo Đài CNBC, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong tăng giảm trái chiều.
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 1,23% (hay 35,37 điểm). Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm khoảng 0,5% trong giờ giao dịch cuối cùng. Tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi tăng 0,27% nhờ sức bật của Samsung Electronics.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận