31/10/2018 17:55 GMT+7

Ông Trump có bỏ được 'quyền công dân mặc nhiên' khi sinh ở Mỹ?

TRẦN NGỌC LONG
TRẦN NGỌC LONG

TTO - Tổng thống không thể ban hành một sắc lệnh hành pháp trái với Hiến pháp. Tuy nhiên, ông Trump lại muốn làm điều này để cản trở trẻ em sinh ra tại Mỹ được nhập tịch. Tranh cãi sẽ còn tiếp diễn.

Ông Trump có bỏ được quyền công dân mặc nhiên khi sinh ở Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump trả lời phỏng vấn trang tin Axios ngày 30-10-2018 - Ảnh: Ảnh chụp màn hình

Trả lời phỏng vấn độc quyền trên trang tin Axios của Mỹ hôm 30-10 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành sắc lệnh quy định trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ không được nhập quốc tịch Mỹ nếu cha mẹ chưa đủ điều kiện nhập tịch.

Trang Axios nhận định đây là quyết định gây ấn tượng nhất từ trước đến nay về chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump.  

"Nếu quyền có quốc tịch căn cứ nơi sinh được tu chính án thứ 14 bảo đảm bị hủy bỏ chỉ bằng một nét bút của ông Trump, vậy thì hiến pháp Mỹ cũng sẽ bị xé toạc theo cách thức như thế"

Giáo sư luật hiến pháp Laurence Tribe ở Đại học Harvard viết trên Twitter

Hiến pháp quy định sinh tại Mỹ là công dân Mỹ

Ngay sau đó, thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham đã lên tiếng tán thành tuyên bố của ông Trump. Ông Graham thông báo sẽ trình một dự luật hủy bỏ chế độ cấp quốc tịch Mỹ căn cứ nơi sinh của trẻ đã được áp dụng từ trước đến nay.

Giáo sư John Eastman - giám đốc Trung tâm luật hiến pháp thuộc Đại học luật Chapman - cũng đồng quan điểm với ông Trump. Ông giải thích trước nay tu chính án thứ 14 đã được giải thích sai chứ thật ra điều luật sửa đổi này chỉ nhắm đến đối tượng là trẻ em có cha mẹ là người có thẻ xanh. 

Ông Trump có bỏ được quyền công dân mặc nhiên khi sinh ở Mỹ? - Ảnh 3.

Cảnh sát chống bạo động Mỹ tham gia diễn tập ở biên giới Mỹ - Mexico ngày 29-10-2018 chuẩn bị đối phó với dòng người di cư tiến về Mỹ - Ảnh: AFP

Xem ra chỉ có vài nhà chính trị và chuyên gia luật ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, còn hầu hết đều phản đối bởi tuyên bố ấy trái với hiến pháp Mỹ.

Khoản 1 tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ về quyền công dân được thông qua vào ngày 9-7-1868 quy định như sau: "Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Mỹ hoặc được nhập quốc tịch ở Mỹ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó đều là công dân của Mỹ và của bang mà họ sinh sống...".

Như vậy bất kỳ ai được sinh ra tại Mỹ cũng đều là công dân Mỹ bất kể cha mẹ là người Việt hay người Mexico, trừ trường hợp ngoại lệ như cha mẹ là đại diện ngoại giao của nước khác hoặc là kẻ thù trong thời kỳ chiếm đóng trong chiến tranh.

Bởi Hiến pháp Mỹ quy định như thế nên Phó tổng thống Mike Pence phát biểu rất tỉnh táo: "Chúng ta đã biết tu chính án thứ 14 nói gì. Tòa án Tối cao sẽ không bao giờ phán quyết dựa trên sự kiện tu chính án này có được thực thi hay không đối với những người đang cư trú ở Mỹ trong tình trạng bất hợp pháp".

Tu chính án thứ 14 của hiến pháp Mỹ được áp dụng theo nguyên tắc nơi sinh (jus soli) chứ không theo nguyên tắc huyết thống (jus sanguinis).

Theo nguyên tắc nơi sinh, quốc tịch của trẻ em được xác định theo nơi sinh của trẻ. Còn nguyên tắc huyết thống quy định quốc tịch của trẻ em được xác định theo quốc tịch của cha mẹ và không tính đến nơi sinh của trẻ.

Ban hành sắc lệnh hành pháp để sửa đổi hiến pháp?

Tu chính án thứ 14 có áp dụng cho trẻ có cha mẹ nhập cảnh vào Mỹ trái phép không? Thẩm phán Jim Ho khẳng định rằng có. Ông giải thích: "Tất cả người nước ngoài, trừ nhà ngoại giao, đều thuộc phạm vi điều chỉnh của luật pháp Mỹ".

Ngay cả luật liên bang cũng xác định công dân Mỹ bao gồm trẻ sinh ra tại Mỹ và thuộc quyền tài phán của Mỹ.

Ông Trump có bỏ được quyền công dân mặc nhiên khi sinh ở Mỹ? - Ảnh 5.

Người di cư Honduras vượt sông Suchiate giữa Guatemala và Mexico tiến về biên giới Mỹ - Ảnh: AFP

Về nội dung, tuyên bố ban hành sắc lệnh không cấp quốc tịch cho trẻ sinh ra ở Mỹ của ông Trump trái với tu chính án thứ 14.

Về hình thức, muốn sửa đổi hiến pháp phải thực hiện một quy trình đặc biệt được Quốc hội phê chuẩn chứ không phải ban hành sắc lệnh hành pháp là sửa đổi được, chưa kể cơ hội để Quốc hội sửa đổi hiến pháp xem như bằng không.

Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan thừa nhận tổng thống không thể ban hành sắc lệnh để sửa đổi hiến pháp (theo kiểu như ông Trump đã nói). Dù vậy, ông khẳng định Đảng Cộng hòa sẵn sàng kiên trì kiến nghị đến Tòa án Tối cao để tòa phán quyết không áp dụng tu chính án thứ 14 đối với các đối tượng cư trú trái phép tại Mỹ.

Tuy nhiên, Tòa án Tối cao Mỹ không bao giờ phán quyết về một vấn đề cụ thể. Các thẩm phán nếu có viện dẫn tu chính án thứ 14 cũng chỉ để nói đến tính chất phổ quát của điều luật sửa đổi này mà thôi.

Vả lại nếu ông Trump ban hành sắc lệnh như thế, sắc lệnh cũng chỉ có giá trị tạm thời vì tổng thống kế tiếp có thể hủy bỏ sắc lệnh của ông.

Cho đến nay, không ít nghị sĩ Đảng Cộng hòa cố tìm cách không cấp quốc tịch cho trẻ sinh ra có cha mẹ cư trú trái phép ở Mỹ nhưng đều thất bại.  

Chính vì thế, các nhà bình luận cho rằng ông Trump tuyên bố mạnh miệng bởi đây chỉ là chiêu pháp sử dụng chính sách nhập cư để lôi kéo cử tri trước bầu cử giữa nhiệm kỳ và "lên dây cót" tinh thần cho hơn 5.000 binh sĩ sẽ được điều động đến biên giới Mexico để ngăn chặn hàng ngàn người di cư đang tiến về Mỹ.

Ông Trump dọa xóa quyền công dân mặc nhiên khi sinh ở Mỹ Ông Trump dọa xóa quyền công dân mặc nhiên khi sinh ở Mỹ

TTO - Khi ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ chỉ còn một tuần, ông Trump nói đang xem xét hủy bỏ việc cấp quyền công dân mặc định cho những người sinh ra trên đất Mỹ bằng sắc lệnh hành pháp.

TRẦN NGỌC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên