13/02/2017 13:14 GMT+7

Ông Trump chưa có bài mới xử lý vấn đề Triều Tiên

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có cách tiếp cận mới đối với chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa của Triều Tiên so với chính quyền tiền nhiệm.

Người dân Hàn Quốc xem bản tin về vụ thử tên lửa đạn đạo ngày 12-2 của Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Phản ứng sau vụ bắn thử tên lửa đạn đạo ngày 12-2 của CHDCND Triều Tiên, một quan chức chính phủ Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc một loạt các lựa chọn, từ áp thêm lệnh trừng phạt đến phô diễn sức mạnh quân sự, tăng cường hệ thống phòng thủ.

Những cân nhắc này, theo Reuters, so với của chính quyền tiền nhiệm là không khác mấy.

Quá ít giải pháp

Thậm chí, việc gây sức ép lên Trung Quốc - đồng minh thân cận duy nhất của Triều Tiên - cũng đã được chính quyền Barack Obama thử qua. Đây cũng có thể là một lựa chọn không tệ cho chính quyền Trump.

Tuy nhiên, xét đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh chưa cho thấy dấu hiệu nào rằng họ sẵn sàng phối hợp với tân tổng thống Mỹ - người đã không dưới hai lần vỗ mặt họ trong lĩnh vực thương mại, tiền tệ và Biển Đông. 

Mỹ vẫn có thể lựa chọn cách hòa đàm với Triều Tiên, song giải pháp này mang tính hai mặt bởi nó có thể tạo tiền lệ xấu cho các hành động phiêu lưu quân sự mới của Bình Nhưỡng trong tương lai. Và một lựa chọn có thể sẽ không bao giờ xuất hiện trên bàn của Tổng thống Trump là một cuộc tấn công trực tiếp vào Bình Nhưỡng.

"Tổng thống Trump có rất ít lựa chọn trong vấn đề này", chuyên gia về an ninh châu Á Bonnie Glaser thuộc Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế (Mỹ) nhận định.

Trên thực tế, phản ứng duy nhất mà ông Trump đưa ra sau vụ bắn thử tên lửa của Triều Tiên là lời cam kết rằng nước Mỹ sẽ luôn "chống lưng" 100% cho Nhật Bản.

Hãng tin Reuters nhận định rằng vẫn không loại trừ khả năng ông Trump sẽ lại lên Twitter "xỉ vả", song tuyên bố thận trọng của tổng thống Mỹ cho thấy đội ngũ xung quanh ông Trump đã cố gắng kiềm chế và thuyết phục ông không đưa ra những chỉ trích nặng nề cũng như các tuyên bố trừng phạt Triều Tiên mà nước Mỹ khó có thể làm được.

Trông cả vào Trung Quốc

Chính quyền Trump đã tuyên bố sẽ chọn cách tiếp cận quyết đoán trong vấn đề Triều Tiên so với "chiến lược kiên trì" của người tiền nhiệm Obama song họ vẫn chưa cho thấy bất kỳ chỉ dấu nào về cách thức thực hiện.

Trao đổi với Reuters, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ chính quyền mới đã từng rất trông chờ vào "sự khiêu khích" của Triều Tiên để xem xét toàn bộ các phản ứng khả thi. Những phản ứng này sẽ được hiệu chỉnh mức độ để giữ căng thẳng không leo thang.

Nhiều quan chức Mỹ khi trao đổi với Reuters tin rằng Tổng thống Trump vẫn sẽ chọn cách vừa hợp tác vừa gây áp lực lên Trung Quốc với nhận thức rằng, giới hạn của việc gây áp lực nằm ở chổ nào.

Tân Tổng thống Mỹ từng chỉ trích Bắc Kinh đã làm không đủ trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên cũng như thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bình Nhưỡng.

Một lệnh trừng phạt thứ cấp lên các cá nhân và công ty dính líu tới chương trình tên lửa của Triều Tiên là điều chính quyền mới ở Washington có thể áp dụng. Phần lớn những công ty này đều nằm ở Trung Quốc, theo Reuters.

Thế nhưng, chìa khóa thực sự để giải quyết vấn đề này không nằm trong tay Mỹ mà nó thuộc về Trung Quốc.

"Bắc Kinh có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với Bình Nhưỡng nhờ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này và trên thực tế, Triều Tiên sẽ không thể tồn tại nếu không có sự hỗ trợ về kinh tế của Trung Quốc", chuyên gia Harry Kazianis nhận định.

Vẫn chưa rõ liệu cuộc điện đàm cùng lời cam kết tôn trọng chính sách "Một Trung Quốc" của Tổng thống Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thay đổi được điều gì hay không.

Theo nhận định của các chuyên gia, lợi ích của nước Mỹ trong việc duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với việc giải quyết dứt điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Do đó, có thể hai bên sẽ chọn giải pháp mang tính thỏa hiệp có lợi cho cả hai, cho uy tín và trách nhiệm của mỗi nước đối với các đồng minh trong khu vực Đông Á.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 13-2 tuyên bố tên lửa được sử dụng trong vụ bắn thử ngày hôm qua có tên Pukguksong-2, là loại tên lửa chiến lược thế hệ mới do nước này tự phát triển. Vụ bắn thử đã diễn ra thành công dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Kim Jong Un.

Việc tên lửa chỉ bay được 500km và rơi vào vùng biển Nhật Bản là sự tính toán có chủ ý của Bình Nhưỡng khi chọn góc bắn cao để đảm bảo sự an toàn cho các nước láng giềng, KCNA khẳng định. 

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên