14/04/2019 11:50 GMT+7

Ông trùm WikiLeaks bị bắt - Kỳ cuối: Tương lai nào cho Assange?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks trở nên gay cấn hơn khi việc có dẫn độ ông Julian Assange về Mỹ hay không không còn là vấn đề pháp lý, mà trở thành cuộc chiến chính trị.

Ông trùm WikiLeaks bị bắt  - Kỳ cuối: Tương lai nào cho Assange? - Ảnh 1.

Ông Kristinn Hrafnsson, tổng biên tập trang WikiLeaks và bà Jennifer Robinson, luật sư về nhân quyền, phát biểu trước báo chí bên ngoài trụ sở Tòa án Westminster, Anh ngày 11-4 - Ảnh: REUTERS

Suốt thời gian tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador, ông Assange đã nhiều lần dự báo về kết cục của mình. Ông nói mình có thể bị dẫn độ đến Mỹ nếu rời tòa nhà. Và giờ kịch bản đó có khả năng trở thành hiện thực. Vụ bắt giữ ông Assange cho thấy Mỹ vẫn chưa bỏ qua và vẫn kiên quyết tống ông vào tù.

Bây giờ là thực tế mới, có thể một năm trong nhà tù Anh và buộc lên chuyến bay đến Mỹ. Tiếng nói bé nhỏ của ông trong cuộc đời đã biến mất hoàn toàn. Việc bị giam cầm trong Đại sứ quán Ecuador có lẽ là thiên đường so với những gì chờ đợi ở phía trước.

Philip Williams của tờ ABC (Úc)

Cuộc chiến chính trị

Chính quyền Anh nhẹ nhõm khi nhổ được một cái gai ở London. Thủ tướng Theresa May ngày 11-4 tuyên bố "nó cho thấy rằng ở Anh không ai đứng trên luật pháp". Ngoại trưởng Jeremy Hunt khẳng định vụ bắt giữ là kết quả của "nhiều năm ngoại giao cẩn trọng", và việc một người tránh né công lý là "không thể chấp nhận được".

Reuters ngày 12-4 dẫn lời quan chức Mỹ cho biết Washington có khoảng 60 ngày để đưa ra toàn bộ cáo buộc nhằm thuyết phục London dẫn độ ông Assange. Trả lời trên CNN trước đó một ngày, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence quả quyết sẽ đưa ông Assange ra trước công lý. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn coi nhà sáng lập WikiLeaks là "kẻ thù của người dân".

Tuy nhiên, lãnh đạo Công Đảng Anh Jeremy Corbyn cho rằng London không nên chấp nhận dẫn độ ông Assange khi chia sẻ trên Twitter đoạn video do WikiLeaks công bố liên quan đến một vụ không kích của Mỹ tại Trung Đông làm chết dân thường và phóng viên. 

"Chính quyền Anh không nên dẫn độ Julian Assange đến Mỹ vì đã phơi bày bằng chứng của sự tàn bạo tại Iraq và Afghanistan" - ông Corbyn viết.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Diane Abbott cũng đặt câu hỏi về động cơ của Chính phủ Mỹ khi cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks. "Julian Assange không bị truy đuổi để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Ông ấy bị truy đuổi vì phơi bày việc làm sai trái của chính quyền Mỹ" - BBC dẫn lời bà Abbott.

Về phía Úc - quê hương của ông trùm WikiLeaks, nước này cho biết đã nhận được yêu cầu hỗ trợ lãnh sự sau khi ông Assange rời Đại sứ quán Ecuador. Thủ tướng Scott Morrison cho biết nhà hoạt động này sẽ không nhận được sự đối xử đặc biệt và phải tự mình đối mặt với công lý. Trong khi đó, cựu tổng thống Ecuador Rafael Correa bất bình với quyết định rút quy chế tị nạn ngoại giao và đình chỉ tư cách công dân với ông Assange, vốn được đưa ra trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông này.

Tổng biên tập Kristinn Hrafnsson của WikiLeaks lo ngại Mỹ có thể đưa ra nhiều cáo buộc nghiêm trọng hơn đối với ông Assange, khiến ông có thể ngồi tù "hàng thập kỷ". Luật sư của ông Assange, bà Jennifer Robinson, cho biết họ sẽ chống lại yêu cầu dẫn độ đến cùng để tránh tạo ra "tiền lệ nguy hiểm" khi một phóng viên sẽ bị Mỹ buộc tội vì "công bố thông tin chân thật về nước Mỹ".

Ông trùm WikiLeaks bị bắt  - Kỳ cuối: Tương lai nào cho Assange? - Ảnh 3.

Ông Julian Assange trên đường bị áp giải tới tòa án ở London, Anh ngày 11-4 sau khi bị bắt tại Đại sứ quán Ecuador - Ảnh: REUTERS

Trong phiên tòa ngày 11-4, thẩm phán Anh kết tội ông Assange vi phạm điều khoản bảo lãnh tại ngoại vào năm 2012 và ông có thể sẽ đối mặt với án tù lên tới 12 tháng về tội danh này. Ngoài ra, các chuyên gia luật nhận định nhà sáng lập WikiLeaks sẽ còn phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác trong thời gian tới.

Dài hơi và phức tạp

Rốt cục, chính ông Assange đã thua trong cuộc đấu chính trị quốc tế khi bị chính quyền Ecuador chấm dứt quy chế tị nạn ngoại giao. Thật ra, kể từ khi dọn vào căn phòng nhỏ trong Đại sứ quán Ecuador, ông đã không còn quyền kiểm soát cuộc đời mình nữa.

Những gì diễn ra sắp tới sẽ không hề đơn giản. Các cáo buộc của Chính phủ Mỹ không mới hơn so với những gì mà đội ngũ pháp lý thuộc hàng thượng thừa của ông Assange đã chuẩn bị phản bác trong nhiều năm. Chưa kể tòa án Anh dường như không ủng hộ việc dẫn độ.

Cuộc chiến của ông Assange cũng có thể kéo dài trong nhiều năm. Trong trường hợp bị buộc dẫn độ đến Mỹ, ông Assange có thể bị xét xử tại khu vực phía đông Virginia, cách Washington không xa, nơi từng có nhiều kinh nghiệm truy tố những đối tượng khủng bố, gián điệp hay các nhân vật cấp cao như Paul Manafort, cựu lãnh đạo chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Mỹ có thể dễ dàng đưa ra thêm các cáo buộc nghiêm trọng hơn.

Đạo luật gián điệp của Mỹ có thể buộc những người trao hoặc bán thông tin quốc phòng vào án tử. Sự đảm bảo mong manh cho ông Assange đến nay là tuyên bố của Tổng thống Ecuador Lenin Moreno rằng Anh đã cam kết sẽ không dẫn độ ông đến quốc gia có áp dụng án tử hình.

Mất dần sự ủng hộ

Khi đấu tranh chống việc bị dẫn độ sang Thụy Điển liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục mà ông Assange cho là cái cớ để dẫn độ ông về Mỹ, có hàng trăm người ủng hộ gồm những người nổi tiếng và giàu có đi cùng ông đến tòa án ở Anh. Nhưng sau nhiều tháng và rồi nhiều năm lánh nạn trong Đại sứ quán Ecuador, sự ủng hộ dành cho người hùng giảm dần.

Kẻ trộm hay phóng viên?

Vụ bắt giữ ông Assange cũng vấp phải chỉ trích của những người ủng hộ tự do ngôn luận, dù Mỹ đã tìm cách tránh đụng chạm đến vấn đề này khi đưa ra cáo buộc tấn công tin tặc đối với nhà sáng lập WikiLeaks.

Cáo buộc của Washington không liên quan đến việc WikiLeaks tung ra hàng ngàn tài liệu mật về các cuộc chiến của Mỹ vào năm 2010 và 2011, và càng không nhắc đến việc trang này rò rỉ email của ứng viên tổng thống 2016 của Đảng Dân chủ Hillary Clinton mà giới tình báo Mỹ cho là bị phía Nga đánh cắp.

"Dù cáo buộc đối với ông Julian Assange là âm mưu thực hiện tội phạm máy tính, cáo buộc thực sự đối với ông Assange là nhắm vào việc khuyến khích nguồn tin cung cấp thông tin cho ông và nỗ lực bảo vệ danh tính của nguồn tin đó" - luật sư Barry Pollack của ông Assange nói. 

Ông Assange từ lâu cho rằng WikiLeaks được bảo vệ bởi Luật tự do báo chí. Năm 2017, một tòa án ở Anh cũng công nhận WikiLeaks là một "tổ chức truyền thông".

Các nhà hoạt động tự do ngôn luận quan ngại việc ông Assange sẽ bị truy tố vì công bố thông tin mật được khai thác do vi phạm luật gián điệp của Mỹ. Đối với phóng viên, việc công bố thông tin mật từ nguồn tin là điều bình thường và việc truy tố ông Assange sẽ làm tăng lo ngại rằng phóng viên có nguy cơ bị buộc tội tương tự - Steve Vladeck, giáo sư an ninh quốc phòng tại Đại học Texas, nhận định trên Reuters.

Theo giới chuyên gia, các công tố viên Mỹ sẽ tập trung vào việc ông Assange cố tìm cách đánh cắp mật khẩu máy tính chính phủ như một kẻ trộm, chứ không phải phóng viên.

Ông trùm WikiLeaks bị bắt, vì sao? Ông trùm WikiLeaks bị bắt, vì sao?

TTO - Việc ông Julian Assange bị bắt khỏi Đại sứ quán Ecuador tại Anh và nhanh chóng bị đưa ra tòa vài giờ sau đó để nghe các cáo buộc, thực ra không bất ngờ vì đã được bàn tán từ nhiều tuần trước đó.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên