18/11/2018 09:54 GMT+7

Ông Tập Cận Bình: 'Xung đột không giúp ai chiến thắng cả'

D.KIM THOA - D.AN
D.KIM THOA - D.AN

TTO - Trong khuôn khổ diễn đàn APEC, chiều 17-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Úc và trưởng đoàn Đài Bắc - Trung Hoa đồng chủ trì phiên trao đổi với các doanh nghiệp.

Ông Tập Cận Bình: Xung đột không giúp ai chiến thắng cả - Ảnh 1.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC (vắng Phó tổng thống Mỹ Mike Pence) chụp “ảnh gia đình” tại APEC 2018 ở thủ đô Port Moresby - Ảnh: REUTERS

Theo tin từ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại sự kiện Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Thủ tướng nhấn mạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) khẳng định Việt Nam quyết tâm tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao.

Phát triển nền kinh tế số

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực và ABAC tích cực đóng góp về chính sách, tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam phát triển mạnh nền kinh tế số, phục vụ lợi ích thiết thực của các doanh nghiệp.

Nhiều thành viên ABAC đã chúc mừng Việt Nam vừa phê chuẩn Hiệp định CPTPP, khẳng định đây là cơ hội to lớn để các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. 

Phát biểu với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc Quốc hội Việt Nam thông qua CPTPP với tỉ lệ 100% đại biểu có mặt khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong việc tiếp tục đổi mới toàn diện, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, ủng hộ thương mại và đầu tư tự do và mở, dựa trên luật lệ và theo tiêu chuẩn cao.

Tại cuộc trao đổi với Liên minh doanh nghiệp Mỹ trong APEC cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, trong đó hợp tác thương mại và đầu tư là nền tảng và động lực quan trọng của quan hệ hai nước.

Mỹ - Trung khẩu chiến gay gắt

Tại Hội nghị thượng đỉnh CEO sáng 17-11, trưởng đoàn Mỹ và Trung Quốc đã có những lời qua tiếng lại gay gắt về chủ nghĩa bảo hộ, thuế quan và cả việc Mỹ mỉa mai về "chính sách ngoại giao hầu bao" của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án gay gắt chủ nghĩa bảo hộ thương mại "nước Mỹ trên hết" và trực diện nhắm vào Washington khi nhấn mạnh rằng các nguyên tắc thương mại toàn cầu không thể được áp dụng "với những tiêu chuẩn kép và các chương trình nghị sự ích kỷ".

Ông Tập kêu gọi thế giới hãy "nói không với chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương", cảnh báo đó là "lối hành xử thiển cận" và "chắc chắn sẽ thất bại". 

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cảnh báo không ai được lợi từ những căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Lịch sử đã chứng minh rằng sự xung đột, dù là ở dạng thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, cũng không giúp ai chiến thắng cả"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Về phần mình, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cũng dùng những lời lẽ thẳng thừng và dứt khoát, tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục duy trì chính sách áp thuế bổ sung với Trung Quốc cho tới khi nào Bắc Kinh chịu "thay đổi cung cách của họ". 

"Chúng tôi đã áp thuế với 250 tỉ USD hàng Trung Quốc và con số đó có thể tăng gấp đôi", ông Pence tuyên bố trước nhiều vị CEO của các doanh nghiệp trong khu vực.

Chưa hết, ông Pence tiếp tục dùng những ngôn từ với sắc thái mạnh mẽ nhất để chỉ trích sáng kiến Vành đai và con đường, cái mà phía Mỹ vẫn mỉa mai là chính sách "ngoại giao hầu bao" của Bắc Kinh.

Trong lúc giới quan sát đang phấp phỏng lo ngại những căng thẳng ngoại giao, thương mại có thể "lây" sang cả lĩnh vực quân sự thì ông Pence cũng thông báo luôn là Mỹ sẽ tham gia cùng với Úc trong việc giúp Papua New Guinea xây dựng một căn cứ hải quân mới trên đảo Manus của nước này, nơi vốn từng là một căn cứ của Mỹ trong Thế chiến 2. 

Dường như thế vẫn là chưa đủ để chọc giận Bắc Kinh, ông Pence còn có một cuộc gặp ngắn với người đại diện của phái đoàn Đài Bắc - Trung Hoa tham dự APEC là ông Morris Chang.

Những trao đổi gay gắt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc trong khuôn khổ APEC rõ ràng là tín hiệu báo trước một cuộc gặp sẽ nhiều "sóng gió" hơn giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến bên lề Hội nghị G20 tháng tới tại Argentina. 

Phát biểu của ông Pence tại Diễn đàn APEC cũng có nội dung đi ngược lại với những tuyên bố ông Trump đưa ra trước đó, ngày 16-11. 

Ông Trump nói có thể sẽ không áp thêm thuế bổ sung sau khi Trung Quốc đã gửi Mỹ một danh sách các biện pháp nước này sẵn sàng thực hiện để giải quyết những căng thẳng thương mại.

Nhiều nước ủng hộ tự do thương mại

Mặc dù vẫn còn một số quan điểm khác biệt giữa các thành viên APEC trong vấn đề toàn cầu hóa và tự do thương mại, song về đại thể, đại diện nhiều nền kinh tế lớn trong số 21 thành viên APEC đã lên tiếng bày tỏ quan điểm ủng hộ vấn đề này và đồng thuận lên án tình trạng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Thủ tướng Úc Scott Morrison lập luận kể từ năm 1991 tới nay, 1 tỉ người đã thoát khỏi tình trạng nghèo khổ cùng cực là nhờ có được việc làm và hàng hóa rẻ hơn mà tự do thương mại mang lại.

Ông cho rằng các cuộc thương chiến không mang lại lợi ích cho ai và cần phải được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải là những đợt áp thuế trả đũa qua lại lẫn nhau.

Trong khi đó ông Sebastián Piñera, tổng thống Chile, quốc gia sẽ đăng cai APEC năm sau, kêu gọi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hãy tìm kiếm một giải pháp.

Phát biểu tại APEC, ông Sebastián Piñera nói: "Đây là cơ hội rất tốt để yêu cầu Mỹ và Trung Quốc tìm các phương thức chấm dứt cuộc chiến thuế quan và thương mại vốn chẳng mang lại lợi ích cho ai. Cả hai nước sẽ cùng phải thay đổi cách thức của họ".

D.KIM THOA - D.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên