05/09/2016 09:30 GMT+7

Ông Obama hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc

N.QUÂN
N.QUÂN

TTO - Không rõ vô tình hay cố ý mà việc tiếp đón lãnh đạo Mỹ được nước chủ nhà Trung Quốc tổ chức đầy sự cố.

Tổng thống Obama xuống sân bay ở Hàng Châu ngày 3-9. Có nhiều sự cố nhưng ông đã tìm cách gạt qua - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama xuống sân bay ở Hàng Châu ngày 3-9. Có nhiều sự cố nhưng ông đã tìm cách gạt qua - Ảnh: Reuters

Ngày 4-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã buộc phải trả lời về các sự cố xảy ra với phái đoàn tháp tùng ông (gồm cả các quan chức lẫn các nhà báo quốc tế) trong ngày đáp xuống sân bay quốc tế ở Hàng Châu.

Ông nói rõ là “không muốn làm ồn ào” về những căng thẳng ở sân bay và chuyện xảy ra với các nhà báo Mỹ cũng như quốc tế tháp tùng ông là chuyện “thường thấy” mỗi khi ông công du.

"Việc chúng tôi đang làm là phải làm sao cho cánh báo chí có thể tiếp cận làm việc và đặt câu hỏi", ông Obama phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hàng Châu ngày 4-9. 

"Phái đoàn Mỹ công du và không hề có ý định để lại những giá trị hay lý tưởng của mình đến đất nước mình thăm viếng", ông Obama nói tiếp và cũng nhấn mạnh rằng không vì thế mà ông né tránh việc đề cập những vấn đề có thể làm chủ nhà Trung Quốc phật lòng.

Khi tôi nêu các vấn đề như chuyện nhân quyền, chắc chắn xảy ra những căng thẳng vốn có thể không xuất hiện khi chủ tịch Tập gặp các lãnh đạo khác

Tổng thống Barack Obama giải thích cách làm việc với Chủ tịch Tập Cận Bình

Vụ việc xảy ra khi chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Barack Obama hạ cánh xuống sân bay Hàng Châu ngày 3-9, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20. Kiểu hành xử quát nạt bất nhã của lực lượng an ninh Trung Quốc trong buổi tiếp đón tổng thống Mỹ ở sân bay đã bị truyền thông thế giới lên tiếng mạnh mẽ nhiều giờ sau đó vì cho rằng Bắc Kinh muốn “kiểm soát truyền thông”.

Theo thông lệ, các nhà báo quốc tế được phép đứng dưới cánh chuyên cơ để tiếp cận ông Obama bước xuống bậc thang máy bay ở vị trí đẹp nhất. Vấn đề là, theo hãng tin AP, phía Trung Quốc không bố trí cầu thang đón cùng thảm đỏ nên tổng thống Mỹ đã phải xuống theo phương án phụ.

Giải thích của bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cho rằng không thống nhất được với bộ phận lễ tân của phía Mỹ về nhân sự lái xe thang có thảm đỏ nên ông Obama phải bước xuống thang máy bay mà không có thảm đỏ như qui cách vốn dành cho nguyên thủ quốc gia.

Điều đó đã gây tình huống nhốn nháo và cán bộ an ninh Trung Quốc xuất hiện, yêu cầu nhóm nhà báo quốc tế rời ngay khỏi vị trí họ đang đứng chờ tác nghiệp. Khi một quan chức Nhà Trắng đến can thiệp với lời giải thích rằng đây là cách nhà báo quốc tế tác nghiệp quen thuộc để đón tổng thống Mỹ thì vị cán bộ của Trung Quốc quát lại ngay: “Đây là đất nước chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi!”.

Chưa kể sau đó, theo AFP, vị cán bộ an ninh đó lại chặn đường, quát tháo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice khi bà nhấc dây thừng chắn lên để đi bộ đến đoàn xe chở ông Obama. Khi được hỏi lại sau đó, bà Rice khéo léo đả kích với câu trả lời rằng “họ (phía Trung Quốc) thường làm những việc mà chúng tôi không thể dự đoán được”. Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không đưa ra bình luận gì khi được Hãng tin Reuters đặt câu hỏi về vụ bà Rice.

Theo AP, vụ việc vẫn chưa dừng ở đó vì tiếp tục xảy ra sự cố tại nhà khách quốc gia Trung Quốc, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị tiếp đón ông Obama. Phía an ninh Trung Quốc gây căng thẳng cả với phái đoàn quan chức của Nhà Trắng chuẩn bị cho công tác tiếp đón.

Điều đó khiến một quan chức Trung Quốc có trách nhiệm lo cho đoàn Mỹ phải quát lại bằng tiếng Hoa với quan chức an ninh: “Anh không được xô đẩy người. Không ai cho phép anh có quyền lục soát hoặc xô đẩy người như vậy”.

Theo phóng viên Hãng tin AP, hai quan chức Trung Quốc này căng thẳng đến mức suýt đấm vào mặt nhau. May thay, một quan chức khác phải nhảy vào xen ngang giữa hai người với lời cảnh báo: “Xin ngừng tranh cãi ngay! Có các nhà báo ở đây”.

Hôm qua, trong cuộc họp báo, theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định cuộc thảo luận song phương của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tối hôm trước là “cực kỳ hiệu quả” khi bàn về những vấn đề phát triển giao thương và nguy cơ tái hiện chủ nghĩa bảo hộ kinh tế.

Trong khi đó, một thông cáo của Nhà Trắng gửi đến giới truyền thông về nội dung cuộc nói chuyện giữa hai lãnh đạo khẳng định hai bên đã có cuộc nói chuyện thẳng thắn về các vấn đề gai góc hiện nay là tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, chuyện tấn công mạng ăn cắp thông tin và vấn đề nhân quyền.

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên