Chiều 17-4, phiên tòa xét xử vụ nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội bắt đầu phần thẩm vấn. Cựu giám đốc bệnh viện Nguyễn Quang Tuấn là người trả lời xét hỏi cuối cùng trong nhóm lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn từng là giám đốc của hai bệnh viện lớn, là một giáo sư tiến sĩ đầu ngành được biết đến với biệt danh "bàn tay vàng" trong làng phẫu thuật tim mạch.
Sau một năm rưỡi bị khởi tố, hôm nay bác sĩ Tuấn ra tòa trong trạng thái tiều tụy, già hơn rất nhiều, mái tóc cũng bạc trắng. Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội mặc bộ quần áo màu xanh của phạm nhân, chân đi dép tổ ong.
Ông Nguyễn Quang Tuấn nói "không hưởng lợi", chỉ được biếu quà Tết
Trong hơn 10 phút trình bày trước bục khai báo, ông Tuấn thể hiện sự ăn năn khi thừa nhận những sai phạm như cáo trạng truy tố. Ông Tuấn trả lời các câu hỏi của tòa với giọng nhỏ nhẹ, luôn cúi đầu mỗi lần nói "bị cáo xin nhận trách nhiệm".
Ông Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận đã chỉ đạo cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát ký gửi vật tư y tế để Bệnh viện Tim Hà Nội sử dụng trước. Sau đó hợp thức, hoàn thiện các thủ tục đấu thầu rộng rãi, chỉ định thầu rút gọn.
Theo lời ông Tuấn, chủ trương "gửi vật tư" đã có trước khi ông về làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Tuấn cũng khai chỉ đạo phó giám đốc Hoàng Thị Ngọc Hưởng làm các thủ tục để thanh toán đấu thầu với các công ty. Giá vật tư y tế trong các gói thầu ông Tuấn phê duyệt tương đương với báo giá của các đơn vị gửi.
"Các mặt hàng này hầu hết là mặt hàng truyền thống của bệnh viện nhiều năm nên bị cáo chỉ đạo làm sao mua được hàng bằng hoặc thấp hơn giá trước mình đã mua. Bị cáo không chỉ đạo Hưởng liên hệ Công ty Thẩm định giá AIC để thẩm định. Bị cáo chỉ chỉ đạo chung làm sao để thanh toán được cho các nhà thầu", cựu giám đốc Nguyễn Quang Tuấn phân trần.
"Bị cáo có được hưởng lợi không?" - tòa hỏi.
"Không" - ông Tuấn trả lời dứt khoát, sau đó cúi mặt.
Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận vào các dịp Tết Nguyên đán 2016-2017 có được các doanh nghiệp "biếu quà Tết" là 10.000 USD, chai rượu và hộp xì gà.
Ông Tuấn cũng thừa nhận các doanh nghiệp này có "hỗ trợ thêm" cho bệnh viện nhưng không nhớ là bao nhiêu.
Theo cáo buộc từ cơ quan truy tố, ông Tuấn chỉ đạo Hoàng Thị Ngọc Hưởng thương thảo, đàm phán với các nhà thầu, đề nghị các nhà thầu chi hỗ trợ cho Bệnh viện Tim Hà Nội từ 2-5% giá trị gói thầu.
Trong đó có Công ty Hoàng Nga hằng năm hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Kim Hòa Phát hằng năm hỗ trợ 60 triệu đồng. Các khoản tiền này không được phòng kế toán hạch toán vào sổ sách.
"Chỉ định thầu là sai nhưng không còn cách nào khác"
Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cũng thừa nhận không có báo giá các mặt hàng, thiết bị và mua sắm chỉ dựa trên việc "đối chiếu giá năm sau với năm trước và đối chiếu các bệnh viện khác, thấp hơn thì mua".
Ông Tuấn thừa nhận việc "chỉ định thầu là sai nhưng bị cáo không còn cách nào khác". Ông Tuấn nói đến đây thì chủ tọa ngắt lời yêu cầu bị cáo chỉ trả lời "đúng, sai" theo câu hỏi, phần trình bày sẽ dành ở phiên tranh luận sau.
Khi được hỏi có ý kiến gì với kết quả thẩm định giá, bác sĩ Tuấn ngập ngừng một lúc rồi trả lời "rất khó nói". Cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội trần tình rằng nếu coi kết quả thẩm định giá là giá thị trường "thì không hợp lý", vì rất thấp so với giá mua thời điểm đó.
Tuy nhiên ông Tuấn cũng thừa nhận, khi thực hiện các gói thầu, nếu bệnh viện so sánh giá vật tư với bảng giá thị trường thì "sẽ không phát sinh sai phạm". Bởi thế ông Tuấn nói mình "có trách nhiệm chính cao nhất trong vụ án này".
Ông Tuấn cho biết thêm đã nộp lại toàn bộ số tiền được doanh nghiệp biếu, tổng cộng là 250 triệu đồng. Vợ cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cũng đã nộp hơn 6 tỉ khắc phục hậu quả.
Trước đó, cấp dưới của ông Nguyễn Quang Tuấn là phó giám đốc Hoàng Thị Ngọc Hưởng cũng thừa nhận sai phạm của mình trong quá trình chỉ đạo đấu thầu, từ thẩm định giá, lập hồ sơ…. Bà Hưởng thừa nhận sai phạm như cáo trạng truy tố.
Bà Hưởng cho hay được ông Tuấn chỉ đạo trong các cuộc họp, yêu cầu việc mua sắm phải: "Đảm bảo tiến độ, tạo điều kiện cho các nhà cung cấp, hoàn thiện hồ sơ sau này".
Bà Hưởng cũng thừa nhận chỉ đạo nhân viên liên hệ với Công ty Thẩm định giá AIC, mặc dù bệnh viện không có cuộc họp bàn thống nhất nào nhưng bà vẫn chỉ đạo hợp thức hóa chỉ đinh công ty này.
Cựu phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khai, kết quả thẩm định khớp với giá và danh mục vật tư từ bệnh viện gửi sang. Tuy nhiên bà không biết giá vật tư đã bị doanh nghiệp nâng khống chênh lệch bao nhiêu vì "không trực tiếp làm, mà chỉ kiểm soát kết quả sau cùng".
"Quá trình đấu thầu có sai, nhưng xuất phát từ việc ứng trước vật tư, nên khi trả thì không thể cứ thế trả, mà phải thông qua hoạt động đấu thầu, lẽ ra nên thanh toán dứt điểm rồi mới triển khai thầu theo giá thị trường, thì sẽ không xảy ra sai phạm như ngày hôm nay", cựu phó giám đốc bệnh viện Hoàng Thị Ngọc Hưởng phân trần.
Cáo trạng công bố tại tòa, thể hiện từ năm 2015, cựu giám đốc Nguyễn Quang Tuấn có chủ trương cho một số doanh nghiệp ký gửi vật tư vào bệnh viện sử dụng trước.
Lãnh đạo Công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát có mối quan hệ quen biết từ trước với ông Tuấn nên được bán vật tư vào bệnh viện. Tuy nhiên giá vật tư được ấn định theo đơn giá thỏa thuận giữa ông Tuấn và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Tuấn bị cáo buộc đã lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Sai phạm được xác định từ khâu lập hồ sơ thầu, đơn giá, chủng loại đến việc ban hành chứng thư thẩm định giá.
Điều đáng nói, giá nhiều loại vật tư bị nâng khống 2-20 triệu đồng, trong đó cao nhất là stent do Hoàng Nga cung cấp, bị "thổi giá" hơn hai lần, từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc, viện kiểm sát quy kết.
Tổng thiệt hại của vụ án được xác định là gần 54 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận