25/12/2022 09:33 GMT+7

Thông thầu thổi giá thiết bị y tế: Toàn những 'ông lớn' quen mặt

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện hàng loạt nhà thầu có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bất thường khi đấu thầu thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Thông thầu thổi giá thiết bị y tế: Toàn những ông lớn quen mặt - Ảnh 1.

Đồ họa: N.KH.

Có nhiều doanh nghiệp không hề xa lạ vì từng dính đến nhiều vụ án thổi giá thiết bị y tế gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc xin và thuốc phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM vừa được Phó tổng thanh tra Đặng Công Huẩn ký ban hành. Tổng số tiền chênh lệch của thiết bị và gói thầu có dấu hiệu nâng giá do Sở Y tế TP.HCM và nhiều bệnh viện làm chủ đầu tư lên đến gần 80 tỉ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp chuyên kinh doanh thiết bị y tế liên quan đến các gói thầu có dấu hiệu thổi giá cũng bị cơ quan thanh tra điểm tên. Đây hầu hết đều là những "ông lớn" trong lĩnh vực thiết bị y tế khi tham gia hàng loạt gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh thành với giá trị từ vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng. Điều đáng nói là có nhiều công ty liên tiếp dính vào những vụ án lớn nâng khống giá thiết bị đã bị phát hiện thời gian qua.

Mối quan hệ TNT và AIC

Trong các doanh nghiệp trên, cái tên Công ty TNHH thương mại và công nghệ kỹ thuật TNT đã khá quen thuộc vì dính đến đại án Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC. Giám đốc của TNT là Lê Thị Bích Thủy - người đang bị đưa ra xét xử vì làm "quân xanh" cho AIC trong dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Bà Thủy đã đồng ý với đề nghị của bà Nhàn làm "quân xanh" cho Công ty AIC tham gia đấu thầu với mục đích để bán thiết bị vào dự án. Bà Thủy đã chỉ đạo nhân viên phối hợp với nhân viên AIC làm hồ sơ dự thầu của Công ty TNT để tham dự 11 gói thầu. TNT làm "quân xanh" của 10 gói thầu và làm "quân đỏ" trúng một gói thầu hộ Công ty AIC. Bà Thủy bị cáo buộc cùng với bà Nhàn gây thiệt hại hơn 112 tỉ đồng. Sau khi AIC trúng thầu, TNT được AIC giao thi công xây lắp một gói thầu và bán 22 thiết bị y tế cung cấp vào dự án. Trong vụ này, giám đốc TNT thu lợi nhuận 3,5 tỉ đồng.

Cũng trong vụ AIC, một "ông lớn" quen mặt khác được nhắc tên vì làm "quân xanh" là Công ty TNHH trang thiết bị y tế BMS. Vào thời điểm tham gia đấu thầu tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, người đại diện pháp luật của BMS là bà Phạm Thị Thanh Thủy. Bà Thủy đã ký 10 hồ sơ dự thầu do nhân viên Công ty AIC lập và tham gia đấu thầu 10 gói thầu, trong đó làm "quân xanh" cho AIC chín gói thầu. Sau khi AIC trúng thầu, BMS đã bán 14 thiết bị y tế trị giá hơn 24 tỉ cho Công ty TCI để cung cấp vào dự án, hưởng lợi hơn 807 triệu đồng.

BMS trong BMS

Đáng chú ý, Công ty BMS nằm trong hệ sinh thái cùng Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS. Giám đốc của Công ty CP công nghệ y tế BMS là Phạm Đức Tuấn (em trai bà Thủy) - từng bị bắt trong vụ "thổi giá" thiết bị tại Bệnh viện Bạch Mai. Tòa đã tuyên sơ thẩm ông Tuấn 3 năm tù, cho hưởng án treo. BMS được coi là "ông lớn" trong lĩnh vực này vì chỉ tính riêng năm 2020 đã liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh thành với giá trị từ vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng.

Một nhà thầu "quen mặt" nữa là Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông. Theo kết luận thanh tra, doanh nghiệp này cũng bị "điểm tên" trong phần "có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh để nâng giá bán cao bất thường". Công ty này cung cấp gói thầu "mua sắm kit hóa chất dùng trong xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR" do Bệnh viện Nhi đồng 1 làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, hai sản phẩm do công ty này cung cấp bị thanh tra cho thấy có giá bán chênh lệch lên đến 7,5 tỉ đồng.

Phương Đông cũng bị nhắc đến trong đại án AIC với vai trò "quân xanh" khi tham gia đấu dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Nhân viên của công ty này cũng từng bị tuyên án 5 năm tù vì móc ngoặc "thổi giá" máy xét nghiệm tại CDC Hà Nội.

Trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Trong kết luận thanh tra, trách nhiệm của giám đốc Sở Y tế TP.HCM bị nhắc đến nhiều lần trong hàng loạt gói thầu mua sắm thiết bị, sinh phẩm phòng chống dịch. Kết quả thanh tra xác định chủ đầu tư của tất cả các gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn bị kiểm tra đều "chưa làm đúng quy trình". Việc này dẫn đến kéo dài thời gian mua sắm, không đáp ứng tính cấp bách trong chống dịch.

"Trách nhiệm thuộc về giám đốc Sở Y tế, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và người đứng đầu 14 đơn vị bị thanh tra", kết luận nêu.

Thanh tra Chính phủ còn cho rằng Sở Y tế khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc đã không ưu tiên loại thuốc có trong danh mục thuốc sản xuất trong nước do Bộ Y tế ban hành mà vẫn đáp ứng yêu cầu điều trị. Sở đã chọn các mặt hàng thuốc nhập khẩu là không phù hợp quy định pháp luật. Trách nhiệm này cũng thuộc giám đốc sở và giám đốc 14 đơn vị có mua sắm thuốc chữa bệnh COVID-19.

Sở Y tế còn phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM thực hiện mua sắm thuốc bị kết luận là "chưa thực hiện đúng quy định". Trách nhiệm cũng thuộc về giám đốc sở và giám đốc bệnh viện.

Ngoài ra, giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và giám đốc hàng loạt bệnh viện như Từ Dũ, Nhi đồng TP, Nhi đồng 2, Trưng Vương, TP Thủ Đức... cũng phải chịu trách nhiệm vì sai phạm, thiếu sót trong các gói thầu mua sắm thiết bị chống dịch bị thanh tra chỉ ra.

Cài thầu quen, chèn thầu lạ

Có thể thấy những chiêu trò móc ngoặc thông thầu, thiết lập "quân xanh, quân đỏ" của nhiều nhà thầu trong lĩnh vực thiết bị y tế để thao túng đấu thầu các dự án, tài sản lớn của Nhà nước diễn ra phổ biến và liên tiếp bị phát hiện trong thời gian qua.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - đã chỉ ra kịch bản với sự tiếp tay của bên mời thầu, chủ đầu tư đã biến cuộc đấu thầu thành một "vở kịch" với sự tham gia của các "quân xanh, quân đỏ" để rồi "quân đỏ" đường đường chính chính trúng thầu.

Qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, bà Thủy thấy rằng có nhiều chiêu trò phổ biến để lách luật thông thầu. Trong đó có chiêu cài cắm các điều khoản mớm thầu để "cài thầu quen, chèn thầu lạ". "Thực tế thời gian qua, không ít chủ đầu tư đã cố ý cài cắm các điều khoản mớm thầu để hướng tới các nhà thầu thân hữu và loại bỏ các nhà thầu khác, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế", bà Thủy dẫn chứng.

Theo bà Thủy, còn có nhà thầu chuyên đi dự thầu để trượt nhằm lót đường cho nhà thầu định sẵn trúng thầu. Thêm nữa là hành vi móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu. Bà cũng đánh giá tình trạng vi phạm hoặc lách các quy định pháp luật đều có thể tiềm ẩn, là "mảnh đất màu mỡ" cho tham nhũng, trục lợi.

Nhiều gói thầu thiết bị y tế chống dịch COVID-19 ở TP.HCM có dấu hiệu nâng giá cao bất thường Nhiều gói thầu thiết bị y tế chống dịch COVID-19 ở TP.HCM có dấu hiệu nâng giá cao bất thường

Thanh tra Chính phủ chuyển tài liệu sang cơ quan điều tra hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 tại TP.HCM. Tổng số tiền chênh lệch của các gói thầu có dấu hiệu nâng giá lên đến gần 80 tỉ.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên