Ông Nguyễn Hữu Tín tại phiên tòa - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhận trách nhiệm và xin giảm nhẹ cho đồng nghiệp
Là người tranh luận đầu tiên, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận việc ký văn bản cho công ty bình phong của Bộ Công an thuê đất theo đề nghị của Bộ Công an để làm văn phòng là sai quy định.
"Bị cáo thừa nhận hành vi sai phạm của mình, bị cáo không đổ lỗi cho bất kỳ ai dù là cấp trên, các bộ ngành trung ương, cơ quan tham mưu. Với tư cách là người lãnh đạo thành phố thời kỳ đó, bị cáo xin nhận trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước pháp luật" - ông Tín nói.
Về nội dung tranh luận, ông Tín thống nhất với nội dung bào chữa của luật sư Trần Minh Hải và luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang. Ông Tín chỉ trình bày thêm nguyên nhân, động cơ, bối cảnh pháp lý khi ký các văn bản này.
Theo đó, khi tiếp nhận các đề nghị của Bộ Công an, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, cơ quan ban ngành, bị cáo đã chấp thuận cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất 15 Thi Sách vì nhận thấy đề nghị của các bộ phù hợp với pháp lệnh tình báo, Chỉ thị 936 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó nêu rõ chính quyền các cấp phải tạo điều kiện, đáp ứng yêu cầu các cơ quan tình báo, tổ chức bình phong. Ngoài ra, bị cáo cho rằng việc cho thuê đất như trên không có sự chuyển dịch về sở hữu, vẫn là của cơ quan nhà nước.
"Vì nhận thức như vậy nên bị cáo đã chấp thuận chủ trương. Bị cáo không có mục đích riêng tư gì. Về sau này nhận thấy sai quy định, bị cáo rất thấm thía, cho dù thực hiện cho an ninh quốc phòng cũng không thể làm trái quy định của pháp luật đất đai. Bị cáo rất hối hận.
Trong suốt thời gian nằm trong trại giam bị cáo rất trăn trở, tâm tư rằng mình vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia, nhưng cũng vì vậy mà bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước, bị cáo không bao giờ ngờ đến việc làm của mình bị kẻ khác trục lợi" - ông Tín nói.
Ông Tín xin HĐXX xem đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đồng thời cựu phó chủ tịch UBND TP.HCM kiến nghị quá trình xử lý hệ thống các văn bản này đều có độ chênh, khoảng trống, có chỗ, có nơi tạo ra khoảng trống, tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng khoảng trống đó thâu tóm tài sản nhà nước.
Ông Tín đề nghị HĐXX có ý kiến chính thức để Chính phủ, các bộ ngành trung ương sớm ban hành các quy chế, quy trình, văn bản hướng dẫn chi tiết để những người sau này có thực hành công vụ thì không bị như bị cáo hiện nay.
Đồng thời, ông Tín xin giảm án cho các đồng nghiệp của mình, các cán bộ tham mưu, không có tư lợi gì cả nhưng phải chịu trách nhiệm như bị cáo.
Bị cáo Đào Anh Kiệt - Ảnh: TỰ TRUNG
Thành khẩn không có nghĩa là nhận tội
Tranh luận bổ sung, bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, cho rằng Sở Tài nguyên - môi trường là cơ quan chấp hành của UBND TP. Nhận thức ban đầu mà ông Kiệt được truyền đạt là hỗ trợ cho lực lượng vũ trang có đất đai để phục vụ nhiệm vụ của mình.
"Tôi không phủ nhận những gì mình đã làm. Cáo trạng bỏ qua tình tiết chứng minh tôi vô tội, bỏ qua một số tình tiết chuyển đổi từ mục đích an ninh sang thương mại, dịch vụ, dẫn đến quy tội tôi quá nặng" - ông Kiệt nêu.
Theo bị cáo Kiệt, Sở Tài nguyên - môi trường không có thẩm quyền quản lý tài sản công, mà đó là thẩm quyền của công ty quản lý nhà và Sở Tài chính. Sở chỉ quản lý trên bản đồ và sổ bộ. Vì không có thẩm quyền nên phải dựa vào ý kiến của Ban chỉ đạo 09 để trình lên UBND TP.
Sau khi Sở Tài chính đã tham mưu cho ủy ban thì Sở Tài nguyên - môi trường ra quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất 15 Thi Sách làm nghiệp vụ an ninh.
"Sau khi tham mưu, tôi không còn liên quan gì nữa mà về hưu. Khi tôi về hưu, trong hồ sơ của Sở Tài nguyên - môi trường không có 1 hồ sơ nào liên quan đến mục đích thương mại, dịch vụ nên tôi không thể tiếp tay giúp sức để thực hiện một việc mà tôi không thể biết được.
Vì mục đích an ninh nên Công ty Bắc Nam 79 mới được thuê đất 15 Thi Sách mà không thông qua đấu giá. Văn bản 2781 không thể giúp chuyển đổi đất thành mục đích thương mại dịch vụ được, nên công ty mới đi một bước nữa là sử dụng những văn bản của Bộ Công an, công ty được các cơ quan hữu quan cung cấp hồ sơ quy hoạch và được UBND TP công nhận chủ đầu tư khu trung tâm phức hợp thương mại dịch vụ tại 15 Thi Sách.
Như vậy chẳng khác nào ủy ban đã công nhận cho công ty sử dụng cùng một lúc 2 mục đích khác nhau trên cùng 1 mảnh đất vẫn còn là công sản" - ông Kiệt nói.
Về số tiền 6,7 tỉ đồng thiệt hại do cấn trừ vào tiền thuê đất, ông Kiệt cho rằng do Công ty Bắc Nam 79 đã sử dụng vào mục đích thương mại dịch vụ nên 6,7 tỉ đồng thực chất là đền bù phần xác nhà mà Công ty Bắc Nam 79 đập bỏ đi để sử dụng mục đích quốc phòng an ninh. Do đó, đây không phải là thiệt hại.
Cựu giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho biết mục đích nghiệp vụ an ninh là mục đích cuối cùng. Và đây là nhận thức của bị cáo.
Ngoài ra, ông Kiệt cũng cho rằng trong quá trình làm việc 40 năm, công lao không phải là lớn nhưng cũng không phải nhỏ, ông và gia đình nhận được nhiều huân chương, huy chương nên đề nghị HĐXX xem xét.
Ông Kiệt cũng nhấn mạnh rằng thành khẩn không có nghĩa là nhận tội và không phủ nhận những gì mình đã làm.
Về ý kiến này, viện kiểm sát cho rằng trước đây TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử các bị cáo có hành vi liên quan đến nhà 15 Thi Sách. Đến nay, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử các bị cáo liên quan đến 15 Thi Sách.
Trong vụ án 4/5 bị cáo đều thành khẩn, ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt. Chỉ bị cáo Kiệt có nội dung khai báo chưa thành khẩn. Tuy nhiên, sau phần xét hỏi và luận tội của viện kiểm sát, bị cáo Kiệt đã thay đổi thái độ khai báo.
Trước đây, bị cáo không thừa nhận tham mưu nhưng hôm nay bị cáo cho rằng lúc đó bị cáo nhận thức chỉ vì mục đích an ninh quốc phòng. Đây là thay đổi tích cực nên đề nghị HĐXX xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận