07/10/2018 15:02 GMT+7

Ông Năm “dạy” tình người, tình đời

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Đó là ông Nguyễn Hoàng Nam (ông Năm), 81 tuổi, ấp 2, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang...

Ông Năm “dạy”  tình người, tình đời - Ảnh 1.

Hơn 20 năm nay, nhờ có ông Năm mà tương lai những đứa trẻ đồng đất thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn - Ảnh: M.T.

Ông Năm là một người lính già. Về hưu mà không nghỉ ngơi, dành hết thời gian lo cho sự học của những đứa trẻ đồng đất.

Nhờ vậy cuộc đời bọn trẻ được xoay về hướng tốt đẹp hơn, gieo thêm vào lòng những đứa trẻ quê hạt mầm của sự tử tế, khi cùng chung tay với trẻ trong việc bảo vệ môi trường. 

Nuôi giấc mơ cho những đứa trẻ đồng đất

Sáng thứ bảy, có trên 20 trẻ đủ lứa tuổi từ 6-12, háo hức, rộn rã đến nhà ông Năm. Các em ngồi kín 3 bàn tròn trước sân nhà. Do trình độ các em chênh lệch nhau nên ông Năm phải xoay liên tục, vừa chỉ bé này làm toán lớp 5, lại xoay sang dạy bé khác tiếng Việt lớp 2...

Ông nhớ lại chuyện thấy bọn trẻ quê đa phần con nhà nghèo, tuổi thơ sớm bươn chải theo gia đình mò cua, bắt ốc, hoặc có đứa ham chơi, tối dạ, mất căn bản nên học lực yếu dần, từ đó dễ sinh ra chán nản, bỏ học, rồi số phận trẻ sẽ theo vòng luẩn quẩn nghèo - thất học như đời cha mẹ, nên ông đứng ra mở lớp dạy miễn phí để khắc phục những lỗ hổng kiến thức cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 7. 

Ông nghĩ một khi kiến thức của 7 năm đầu cứng rồi, lên lớp trên có đà không sợ gì nữa. Trẻ yếu môn nào, ông ôn môn ấy, đến chừng thành thạo mới thôi.

Cứ mỗi lần có trò nào trong nhóm nghỉ học ở trường là giáo viên chủ nhiệm điện cho ông. Lập tức, ông đến nhà tìm hiểu. 

Khi có em nào nói dối, ông chạy xe đi tìm bắt quay về lớp. Sau đó, ông cho trẻ nói lên cảm xúc cũng như những lo lắng một cách thoải mái, ông sẽ nương theo khuyên nhủ, phân tích thiệt hơn. Sự kiên nhẫn, bền bỉ và quyết liệt của ông đã khiến trẻ chú tâm vào việc học.

Ông Năm chia sẻ: "Chuyện học giống đánh trận, phải có chiến thuật và kỹ thuật hẳn hoi. Con nít mà, phải có vui chơi, giải trí, ăn uống nữa, chứ bảo học không chưa chắc chúng chịu". 

Cứ mỗi cuối tuần, vợ ông chịu khó thức dậy từ 3h làm điểm tâm sáng cho bọn trẻ, khi thì đổ bánh xèo, khi làm xôi gấc, rồi bánh, kẹo... đầy bàn. 

Ngày quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết âm lịch... ông đều tổ chức vui chơi cho bọn trẻ hoặc tổ chức những chuyến dã ngoại về nguồn để tăng sự hiểu biết cũng như khiến tình yêu quê hương đất nước lớn dần lên.

Chẳng hạn, ngày 19-5 ông xuất tiền túi dẫn lũ trẻ đi tham quan đền thờ Bác Hồ. Ngày 27-7, ông dẫn trẻ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, đốt nén hương tưởng nhớ những người đã hi sinh. 

Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 7, thổ lộ: "Tụi con rất thích học với ông Năm bởi vừa được học vừa được vui chơi. Nhờ những chuyến đi dã ngoại mà tụi con biết nhiều chuyện hơn, hiểu nhiều hơn về sự hi sinh to lớn của cha ông".

Hơn 6 năm CLB Thiếu nhi bảo vệ môi trường

Sáng chủ nhật, sân nhà ông Năm rộn ràng tiếng cười nói của bọn trẻ. Tất cả mặc áo thun phía trước có in hình bản đồ Việt Nam với dòng chữ "Tôi yêu Việt Nam", hoặc "Hướng về Biển Đông", phía sau là dòng chữ Hoàng Sa và Trường Sa.

6h30, ông cho bọn trẻ xếp thành hai hàng ngang. Rồi ông đứng nghiêm bắt nhịp bài Quốc ca cho bọn trẻ, giống như người chỉ huy già đứng trước tiểu đội lính nhí của mình: "Tiểu đội chú ý. Nghỉ. Nghiêm. Chào cờ... Chào. Quốc ca...", tất cả đồng thanh hát, bài Quốc ca được vút lên trong veo trong không khí trang nghiêm của ban mai tinh khiết gió đồng. 

Kế tiếp, ông dõng dạc hô khẩu hiệu: "Trường Sa. Hoàng Sa". Bọn trẻ đáp lời vang trời: "Việt Nam. Việt Nam. Việt Nam". 

Sau đó, ông "lệnh" bọn trẻ: "Hôm nay, chúng ta phải dọn sạch bọn "giặc rác". Tất cả đội lấy vũ khí. Xung phong". "Dạ" - bọn trẻ đáp lại cũng rất khí thế.

Rồi với "vũ khí" chĩa, kẹp, chổi trên tay, cả nhóm tỏa ra khắp đường quê ấp 2. Đứa thì dùng chĩa xuyên những xác ếch nằm trên vệ cỏ sát mé sông, đứa thì cầm kẹp gắp miếng vải vụn nằm bên vệ đường, đứa thì cầm chổi quét sạch con lộ bêtông. H

ốt được bao nhiêu rác, các bạn bỏ vào bao để trên xe đẩy hai bánh. Thỉnh thoảng có tiếng đùa vui vang lên: "Kẻ thù của tụi mình đây" khi bọn trẻ gặp... rác. 

Tiếng cười vui râm ran cả một góc vùng quê. Làm đến khoảng 8h, ba bao tải đựng rác trên xe đầy vun. Đường quê cũng sạch sẽ. Ông Năm ra lệnh ngưng, đẩy xe rác về. Đến nhà, ông bỏ rác vô lò đốt ở phía sau vườn...

Ông tâm sự, diệt "giặc rác" giống như đánh trận trường kỳ, phải kiên nhẫn mới thay đổi được thói quen xấu vứt rác bừa bãi của nhiều người. 

Và phải có chiến thuật, chẳng hạn khi đến hàng quán hoặc nhà nào thường hay xả rác, ông khéo léo sắp xếp cho con em họ đến vệ sinh. Điều này khiến họ xấu hổ, không còn bỏ rác bừa bãi nữa. 

Cạnh đó, các bạn nhỏ trong CLB trở thành tuyên truyền viên khi về nhà hoặc vào lớp tuyên truyền cho bạn bè, người thân về chuyện ô nhiễm môi trường.

Ông Trần Văn Lơ - trưởng ấp 2 - chia sẻ: "Hơn 6 năm nay, nhờ CLB Thiếu nhi bảo vệ môi trường mà làng xóm sạch sẽ hơn...". 

Ông Năm nở nụ cười hiền: "Trước đây tôi từng bị kết án chung thân, tưởng đâu sẽ chết ở nhà tù Côn Đảo, nhưng nhờ đồng đội nên mới sống đến giờ. Vì những nghĩa tình đó nên tôi nghĩ mình có nhiệm vụ dốc hết sức đóng góp cho quê hương, trước mắt là thông qua việc đồng hành cùng tụi nhỏ trong việc học chữ, học cách ăn ở vệ sinh...".

Tuổi nhỏ học sống có trách nhiệm

chuyện ông năm

Ông Năm cùng các bạn nhỏ trong CLB Thiếu nhi bảo vệ môi trường - Ảnh: M.T.

Ông Năm chia sẻ nguyên nhân thành lập CLB Thiếu nhi bảo vệ môi trường: "Trước đây, phần do người dân thiếu ý thức, phần do không có thùng rác công cộng nên mọi người cứ vứt rác bừa bãi, trên bờ bọc nilông, vỏ thuốc bảo vệ thực vật, dưới sông xác động vật chết bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để giảm bớt tình hình. Tôi xây lò đốt rác phía sau vườn. Kế đó, miễn nghe bất kỳ trong ấp ở đâu có xác động vật trôi sông là tôi đích thân đi vớt lên rồi bỏ vào lò đốt".

Hình ảnh ông lão lớn tuổi lo giữ vệ sinh môi trường cho cả ấp khiến nhiều người nhảy vào chung tay, không còn vứt rác bừa bãi nữa. Đồng thời, để trẻ trưởng thành trong việc sống có trách nhiệm, ông thành lập CLB Thiếu nhi bảo vệ môi trường khoảng 30 trẻ, với quyết tâm gieo vào lòng trẻ ý thức giữ vệ sinh môi trường. Buổi đầu, ông giáo dục bọn trẻ rằng phải giữ cho xóm ấp xanh sạch đẹp, bởi nếu không dễ phát sinh dịch bệnh, rồi cứ luẩn quẩn trong bệnh tật, nghèo khó.

Cho những giấc mơ học hành

Ông Năm tận dụng những gì mình có để nuôi giấc mơ cho những đứa trẻ đồng đất. Số là, ông có một ngôi nhà ở TP Cần Thơ, ngày xưa khi còn làm việc ông ở đó, giờ giao lại cho con.

Ông thông báo cho toàn ấp 2 biết là cứ đậu đại học, ông sẽ cho ở miễn phí suốt khóa học.

Cứ vậy, mười mấy năm qua, năm nào cũng có con em trong ấp trọ miễn phí. Chẳng hạn như gia đình bà Trần Kim Phượng có ba con ăn học, ông chẳng những cho ở trọ suốt 4 năm đại học mà còn cho mượn tiền để các cháu nuôi ước mơ. Giờ con bà đã có chỗ làm ổn định với bằng cấp thạc sĩ.

Bà Phượng xúc động: "Không có ông Năm thì con trai tôi nghỉ học từ lâu rồi, chứ làm gì được học cao học, có vị trí như bây giờ…".

Hoặc như trường hợp của ba anh em Nguyễn Văn Đẹp. Mẹ mất sớm, cha làm thuê. Nghèo dốt, không đất đai, không nhà cửa nên cha quên không làm giấy khai sinh cho con, khiến ba đứa trẻ không được đến trường.

Thấy vậy, ông cho họ 100m2 đất nền để ban ngành đoàn thể cất nhà tình thương, từ đó mới làm được sổ hộ khẩu. Rồi ông đi làm giấy khai sinh, đến trường thuyết phục cho ba đứa trẻ cùng được vô lớp 1.

Giờ cả ba anh em đều lên lớp 4. Cứ vậy, 25 năm qua, ông đã kiên nhẫn dìu những đứa trẻ có nguy cơ bỏ học dần theo kịp bạn bè, rồi trụ vững lên đại học, ra trường có việc làm ổn định...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên