29/11/2024 09:13 GMT+7

Ông Macron thừa nhận quân đội Pháp thực hiện vụ thảm sát binh lính Tây Phi năm 1944

Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye cho biết Tổng thống Emmanuel Macron đã viết thư thừa nhận quân đội Pháp chịu trách nhiệm vụ thảm sát binh lính Senegal vào năm 1944.

Ông Macron thừa nhận quân đội Pháp thực hiện vụ thảm sát binh lính Tây Phi năm 1944 - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: REUTERS

Senegal cân nhắc yêu cầu Pháp xin lỗi chính thức

Theo Hãng tin AFP ngày 29-11, Tổng thống Senegal Bassirou Diomaye Faye cho biết ông đã nhận được một lá thư từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó thừa nhận trách nhiệm của Pháp trong vụ thảm sát thời Thế chiến 2 tại trại Thiaroye vào ngày 1-12-1944.

Vụ thảm sát này từ lâu đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa Paris và Dakar. Theo nhà sử học người Pháp Armelle Mabon, vào tháng 11-1944, khoảng 1.600 binh lính châu Phi chiến đấu cho Pháp bị Đức bắt làm tù binh chiến tranh đã bị đưa trở lại Dakar.

Ngay sau khi đến trại Thiaroye, cách Dakar không xa, họ đã phản đối việc chậm trả lương. Một số người từ chối trở về nước nếu không được trả tiền.

Quân đội Pháp đã nổ súng vào những người biểu tình và khiến ít nhất 35 người thiệt mạng. Các nhà sử học cho biết số người chết có thể cao hơn nhiều.

"Hôm nay tôi đã nhận được một lá thư từ Tổng thống Emmanuel Macron, trong đó ông ấy thừa nhận đó là một vụ thảm sát. Lời lẽ rất rõ ràng, không mập mờ", Tổng thống Faye nói.

Ông cho rằng động thái nêu trên là "một bước tiến lớn" của nhà lãnh đạo Pháp. Ông cũng cho biết Tổng thống Macron đã gửi lời xin lỗi vì không thể tham dự lễ tưởng niệm 80 năm vụ thảm sát.

Tổng thống Faye cũng cho biết ông đang cân nhắc yêu cầu một lời xin lỗi chính thức từ Pháp: "Việc thừa nhận rằng một vụ thảm sát đã xảy ra rõ ràng phải đi kèm với hành động đền bù. Chúng tôi nghĩ rằng đây là điều hiển nhiên phải xảy ra".

Yêu cầu Pháp đóng cửa căn cứ quân sự

Ông Faye hoan nghênh sự thừa nhận này nhưng cũng nhấn mạnh Pháp nên đóng cửa các căn cứ quân sự ở Senegal, cho rằng việc đặt các căn cứ ở quốc gia Tây Phi này là không phù hợp với chủ quyền quốc gia.

"Senegal là một quốc gia độc lập, là một quốc gia có chủ quyền, và chủ quyền không chấp nhận sự hiện diện của các căn cứ quân sự tại một quốc gia có chủ quyền", ông nói.

Tổng thống Faye đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 3 với cam kết khẳng định chủ quyền của Senegal và chấm dứt sự phụ thuộc vào các cường quốc nước ngoài.

Tuy nhiên, ông khẳng định động thái này không tạo ra sự chia rẽ với Pháp như những gì đã xảy ra ở một số nơi tại Tây Phi trong những năm gần đây.

"Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của chúng tôi về đầu tư và thương mại. Trung Quốc có hiện diện quân sự ở Senegal không? Không. Điều đó có nghĩa là quan hệ của chúng tôi bị cắt đứt không? Không", ông nói.

Chính quyền quân sự tiếp quản một số quốc gia nói tiếng Pháp khác ở Tây và Trung Phi, bao gồm Mali, Burkina Faso, Niger, đã trục xuất quân đội Pháp và chuyển sang nhận hỗ trợ an ninh từ Nga.

Hai nguồn tin Chính phủ Pháp cho biết nước này đang dự kiến cắt giảm hiện diện quân sự ở châu Phi, từ 350 quân xuống còn 100 quân ở Senegal và Gabon, từ 1.000 xuống còn 300 quân ở Chad và từ 600 xuống còn 100 quân ở Côte d'Ivoire.

"Pháp vẫn là đối tác quan trọng của Senegal về đầu tư, với sự hiện diện của các công ty Pháp và thậm chí cả công dân Pháp đang ở Senegal", Tổng thống Faye nói.

Ông Macron thừa nhận quân đội Pháp thực hiện vụ thảm sát binh lính Tây Phi năm 1944 - Ảnh 2.Bước đi chiến lược của Trung Quốc tại châu Phi

Trung Quốc cam kết tăng cường hỗ trợ châu Phi hơn 50 tỉ USD, ủng hộ nhiều sáng kiến về hạ tầng và hứa hẹn tạo ra ít nhất 1 triệu việc làm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên