Tổng thống Pháp Emmanuel Macr on (trái) và Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara - Ảnh: REUTERS
Chuyến đi của ông Emmanuel Macron tới Tây Phi diễn ra trong bối cảnh Liên hiệp Tiền tệ Tây Phi và Pháp thỏa thuận chuyển đổi đồng franc CFA thành Eco franc, đồng thời chấm dứt một số liên kết tài chính giữa hai bên.
Đồng franc CFA trước đây do kho bạc Pháp bảo lãnh, được xem đã đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tiền tệ ở châu Phi sau Thế chiến II. Nhưng đồng tiền này cũng thường bị xem như tàn dư của thời thực dân Pháp.
Ghé thăm Bờ Biển Ngà hôm 21-12, ông Macron cùng 8 lãnh đạo các quốc gia Tây Phi công bố những thay đổi trong vấn đề tiền tệ ở châu Phi, bao gồm việc đổi tên franc CFA thành Eco franc.
Tổng thống Pháp khẳng định chế độ thực dân ở châu Phi trong quá khứ là "một sai lầm nghiêm trọng", và là lỗi của nước Pháp, đồng thời kêu gọi đóng lại trang sử quá khứ này.
"Lục địa châu Phi là một lục địa trẻ trung. Ba phần tư con người ở quốc gia của các vị không hề biết tới chủ nghĩa thực dân", ông Macron nói.
Đây không phải lần đầu tiên ông Macron thể hiện quan điểm về chủ nghĩa thực dân trong quá khứ. Khi vận động tranh cử tổng thống Pháp, ông cũng từng gọi chế độ thực dân của Pháp đối với Algeria là "tội ác chống lại loài người".
Với việc công bố đổi tên tiền tệ sử dụng tại các nước châu Phi lần này, ông Macron coi đây là một cuộc cải cách lịch sử. Sắp tới, những nước châu Phi dùng đồng Eco franc sẽ không cần giữ 50% quỹ dự trữ trong kho bạc Pháp, và cũng chẳng cần một người Pháp nào làm đại diện trong ban giám đốc liên minh tiền tệ này.
"Đúng vậy, đây là sự chấm dứt của một số tàn dư nhất định của quá khứ. Tôi không muốn tạo ảnh hưởng thông qua bảo hộ, tôi không muốn gây ảnh hưởng bằng sự can thiệp", ông Macron tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận