Theo Hãng tin Reuters, Tổng thống Pháp Macron đưa ra nhận xét này khi ông đến tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels vào ngày 3-2.
Cuộc họp bị phủ bóng bởi tuyên bố của ông Trump về việc sớm áp thuế nhập khẩu với hàng hóa từ EU, sau khi áp đặt các biện pháp này với Canada, Mexico và Trung Quốc.
Những khoảnh khắc thức tỉnh châu Âu
Tổng thống Macron cho biết các chính sách của ông Trump là một trong số nhiều yếu tố thúc đẩy EU trở nên ít phụ thuộc hơn vào các nước khác.
Đại dịch COVID-19 hay cuộc xung đột Nga - Ukraine, theo ông, là "những khoảnh khắc thức tỉnh".
"Những gì đang diễn ra ngay lúc này tại Ukraine, cũng như những tuyên bố và lựa chọn từ chính quyền Mỹ mới của Tổng thống Trump, đang thúc đẩy người châu Âu trở nên đoàn kết hơn, chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh tập thể", ông nói.
Ông nhấn mạnh điều này đồng nghĩa với việc tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu và mua thêm nhiều vũ khí do châu Âu sản xuất.
Các phát biểu của ông Macron phản ánh tầm nhìn về "tự chủ chiến lược" của châu Âu. Tuy nhiên một số nhà lãnh đạo châu Âu vẫn muốn duy trì quan hệ đối tác an ninh mạnh mẽ với Mỹ và thành viên NATO khác.
"Tôi sẽ phản đối việc áp đặt bất kỳ hạn chế nào với việc mua vũ khí. An ninh là ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Quan hệ với Mỹ, Canada và Na Uy trong lĩnh vực quốc phòng phải được duy trì ở vị trí hàng đầu", Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk nói.
Trong khi đó, tân Thủ tướng Bỉ Bart De Wever cho rằng châu Âu đã "lười biếng" trong vấn đề quốc phòng nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến họ phải tỉnh ngộ.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ với Mỹ và củng cố quốc phòng châu Âu trong khuôn khổ liên minh xuyên Đại Tây Dương.
EU thảo luận về quốc phòng
Cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo châu Âu vào ngày 3-2 dự kiến sẽ tập trung vào chính sách quốc phòng, với mục tiêu thảo luận cởi mở mà không đưa ra tuyên bố hay quyết định chính thức nào.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte và Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng được mời tham dự.
27 nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ thảo luận về năng lực quân sự, nguồn tài chính cho quốc phòng và hợp tác thông qua các dự án chung. Trong đó, tài chính sẽ là vấn đề khó khăn do nhiều nước không có đủ ngân sách để tăng chi tiêu quốc phòng.
Một số quốc gia như các quốc gia vùng Baltic và Pháp ủng hộ việc EU cùng nhau vay nợ để chi cho quốc phòng, nhưng ý tưởng này vấp phải sự phản đối từ Đức và Hà Lan.
Các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm gần đây, nhất là sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2-2022. Song các nhà lãnh đạo hai bờ Đại Tây Dương đều cho rằng châu Âu cần chi nhiều hơn nữa cho quốc phòng.
Ông Trump từng tuyên bố các thành viên NATO tại châu Âu nên chi 5% GDP cho quốc phòng - một con số mà chưa thành viên nào trong liên minh quân sự này đạt được, kể cả Mỹ.
Năm 2024, các nước EU đã chi trung bình 1,9% GDP cho quốc phòng, tương đương khoảng 326 tỉ euro (334,48 tỉ đô la), tăng 30% so với năm 2021, theo ước tính của EU.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận