Ngày mai (7-1), TAND tỉnh Thái Bình mở phiên xét xử sơ thẩm ông Lưu Bình Nhưỡng, cựu đại biểu Quốc hội, cựu phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về hai tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng vụ án, ông Lê Thanh Vân, cựu đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội và ông Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước, bị cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Hai "giang hồ" Phạm Minh Cường (Cường "Quắt") và Vũ Đăng Phương bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo VKSND tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời gian từ năm 2020-2023 các bị can trên đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.
"Bảo kê" giang hồ
Theo cáo trạng, Công ty TNHH MTV kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ (Công ty Sao Đỏ) được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Năm 2016, nhóm Phương và Cường lấn chiếm, cắm cọc và khai thác 180ha bãi triều, phần lớn trùng với mỏ cát Công ty Sao Đỏ được cấp phép.
Cường cùng Phương cắm cọc vây và khẳng định khu vực thuộc quyền quản lý để ép Công ty Sao Đỏ phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác.
Năm 2020, nhân viên Công ty Sao Đỏ gặp Cường thỏa thuận trả tiền một lần để Cường trả mặt bằng cho công ty đi vào mỏ khai thác. Cường không đồng ý, yêu cầu phải "cắt phế" 1.500 đồng/m3 cát, tương đương một triệu đồng một tàu.
Do phần bãi triều Cường nhận giáp cửa sông là lối đi duy nhất để tàu thuyền vào khai thác và vận chuyển cát, Công ty Sao Đỏ phải chấp nhận.
Cường, Phương ký hợp đồng làm bảo vệ cho công ty, song cơ quan công tố xác định đây chỉ là thủ đoạn che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản, hợp thức hóa việc Cường "cắt phế" khai thác cát.
Cường trả lương tháng 10-12 triệu đồng để hằng ngày Phương ra đếm tàu của Sao Đỏ để Cường quy ra tiền. Ba tháng cuối năm 2020, Sao Đỏ phải nộp cho Cường 3,3 tỉ đồng.
Quá trình khai thác, nhóm Cường có mâu thuẫn, nhiều lần xô xát với nhóm "giang hồ" quản lý bãi triều đối diện. Công ty Sao Đỏ thấy không an toàn nên dừng khai thác.
Theo cáo buộc, Cường mất nguồn thu nên nhờ vả ông Lưu Bình Nhưỡng, khi đó là đại biểu Quốc hội khóa XIV - phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cường kể lại phi vụ "cắt phế", nhờ ông Nhưỡng can thiệp Công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện để tiếp tục việc "làm ăn". Ông Nhưỡng nói sẽ điện thoại cho phó giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để giúp, nhưng chưa gọi ngay.
Để ông Nhưỡng giúp, Cường rủ vợ chồng ông này đầu tư mua bãi triều cắm cọc trái phép. Cường đưa ông Nhưỡng và một số người bạn, trong đó có ông Lê Thanh Vân ra xem các bãi triều mình quản lý, rủ mua chung.
Cuối tháng 7-2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30ha bãi triều cắm trái phép, thuộc phần Cường lấn chiếm từ trước với giá 900 triệu đồng. Khu này chưa có công ty nào khai thác để Cường "cắt phế", do đang nhờ vả ông Nhưỡng.
Hằng tháng Cường vẫn muốn đưa vợ ông Nhưỡng khoảng 80 triệu đồng. Nhưng vợ ông Nhưỡng chưa cầm do muốn tích tiền mua thêm đất cạnh đó, cáo trạng nêu.
Đầu tháng 9-2021, ông Nhưỡng gọi điện cho một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, nhờ giải quyết, xử lý giúp nhóm "giang hồ" đối thủ của Cường. Ông nói Cường là cháu, nhờ tạo điều kiện.
Ông Nhưỡng ghi âm nội dung cuộc gọi này gửi cho Cường và Cường lại khoe với đàn em, rồi đến tai đối thủ.
Ông Nhưỡng đưa Cường đi cùng đến đồn biên phòng, gặp chính quyền xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Biết tin Cường có bị can Nhưỡng giúp đỡ, đối thủ sợ bỏ đi nơi khác làm ăn. Công ty Sao Đỏ sau đó tiếp tục khai thác cát và nộp phế cho Cường.
Tháng 4-2022, Cường bị bắt vì gây rối trật tự công cộng. Phương ở nhà tiếp tục ra đếm tàu, thu "tiền phế" thêm 3 tháng. Tổng cộng, công ty nộp cho nhóm Cường hơn 4,9 tỉ đồng.
Theo cơ quan điều tra, vợ ông Nhưỡng "không biết" việc chồng cùng Cường "quắt" thực hiện hành vi trái pháp luật nên bà không bị xử lý.
Can thiệp cả vụ án tòa đã tuyên
Đáng chú ý, ông Nhưỡng còn bị cáo buộc vào tháng 12-2020 và tháng 5-2021, bị can lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, chánh án, viện trưởng viện kiểm sát và giám đốc Công an TP Hà Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai đã bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua của Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Cường "quắt").
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng nhà thờ bằng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng do Thao "biếu".
Tuy nhiên, tháng 6-2021, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung sơ thẩm, buộc vợ chồng Thao phải bàn giao lại nhà đất.
Lúc này, ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn anh Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên anh Thao dừng lại.
Can thiệp chính quyền để "giúp" doanh nghiệp
Trong một vụ việc khác, ông Nhưỡng cũng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh).
Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng xem xét, giải quyết. Ông sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỉ đồng. Gia đình ông đã nộp lại toàn bộ số tiền này.
Một vụ án khác xảy ra trong năm 2019, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha.
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỉ đồng.
Từ tháng 7 đến tháng 10-2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.
"Phân chia" gọi điện gây áp lực cho lãnh đạo tỉnh
Đáng chú ý, trong một vụ án khác, ông Nhưỡng và ông Vân cùng gây áp lực cho chính quyền một số địa phương để giúp đỡ doanh nghiệp nhằm hưởng lợi.
Cáo trạng thể hiện năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có dự án cho phép doanh nghiệp thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại thị xã Đông Triều. Công ty cổ phần Trường Sinh biết việc này nên làm thủ tục xin cấp phép thực hiện dự án.
Dù công ty này gửi hồ sơ đến 3 lần nhưng không được UBND tỉnh Quảng Ninh phản hồi. Do muốn đẩy nhanh tiến độ, lãnh đạo Công ty Trường Sinh đến gặp bị can Lưu Bình Nhưỡng nhờ can thiệp, tác động đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nhưỡng khi đó là phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giúp và giới thiệu giám đốc Công ty Trường Sinh đến gặp ông Vân để cùng can thiệp, gây áp lực.
Cáo trạng thể hiện theo phân chia, ông Vân lấy danh nghĩa đại biểu Quốc hội khóa XV gọi điện cho bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong khi ông Nhưỡng gọi điện cho phó chủ tịch UBND tỉnh để cùng can thiệp cho Công ty Trường Sinh được sớm cấp phép đất.
Để mọi người biết việc đã can thiệp, khi gọi điện thoại cho bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh can thiệp, ông Vân đã bật loa ngoài cho ông Nhưỡng và lãnh đạo Công ty Trường Sinh cùng nghe.
Nhờ sự can thiệp của hai ông, ngày 17-10-2023 UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt, cấp phép cho Công ty Trường Sinh được thăm dò, khai thác mỏ đất.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc quá trình can thiệp, ông Nhưỡng và ông Vân trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11-2023 đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp Trường Sinh. Trong đó ông Vân nhận 2 lần, tổng 60 triệu đồng. Ông Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận