Sau 7 ngày xét xử và nghị án, sáng nay (13-1), TAND tỉnh Thái Bình đã đưa ra phán quyết với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng - cựu đại biểu Quốc hội, cựu phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bị cáo Lê Thanh Vân - cựu đại biểu Quốc hội, ủy viên thường trực Ủy ban Ngân sách Quốc hội; cùng 3 bị cáo khác.
Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản và 10 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt 13 năm tù.
Bị cáo Lê Thanh Vân bị tuyên phạt 7 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Cùng tội danh với ông Vân, bị cáo Nguyễn Văn Vương, cựu chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước, lãnh 14 năm tù.
Hai "giang hồ" Phạm Minh Cường (Cường "quắt") và Vũ Đăng Phương bị tuyên phạt lần lượt 7 năm tù và 6 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.
Hành vi can thiệp của ông Lưu Bình Nhưỡng "có lồng ghép ý chí chủ quan của bị cáo"
Hội đồng xét xử nhận định, với vụ án cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Phạm Minh Cường là người khởi xướng, chịu trách nhiệm chính. Bị cáo Vũ Đăng Phương được Cường giao nhiệm vụ, giữ vai trò thực hành. Ông Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, nhưng với vai trò thứ yếu.
"Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm xã hội, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự địa phương và môi trường đầu tư", bản án nêu
Với vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại Toà án nhân dân TP Hải Phòng để trục lợi, tòa nhận định, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã lợi dụng tư cách Đại biểu Quốc hội, chuyển đơn đến cơ quan chức năng TP Hải Phòng.
Hành vi can thiệp của bị cáo Nhưỡng được xác định có lồng ghép ý chí chủ quan của bị cáo này vào việc chuyển đơn.
Bị cáo Nhưỡng đã ban hành phiếu chuyển đơn sau khi đã nhận được bộ cánh cửa gỗ (trị giá 75 triệu đồng), được Bùi Văn Thao (quê Hải Phòng) hứa cảm ơn 1 suất đất trị giá khoảng 160 triệu đồng.
Trong vụ án lợi dụng chức vụ, qyền hạn can thiệp phê duyệt dự án Quế Võ III của tỉnh Bắc Ninh để trục lợi, hội đồng xét xử nhận thấy tại toà bị cáo Nhưỡng đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình. Bị cáo đã ban hành các văn bản gửi các cơ quan chức năng có liên quan để giúp doanh nghiệp và đã nhận 300.000USD từ doanh nghiệp.
Trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp phê duyệt dự án khu dân cư khu dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (Dự án 36ha) để hưởng lợi, tòa đánh giá tại phiên xử bị cáo Vương, Nhưỡng đã thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng thể hiện.
Với bị cáo Vân là Đại biểu Quốc hội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, làm phiếu chuyển đơn nhằm trục lợi 1 lô đất ở xã Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) và 1.000m2 đất ở Hạ Long (Quảng Ninh). Việc bị cáo Vân và người bào chữa trình bày hành vi không cấu thành tội phạm là không có cơ sở chấp nhận.
Tại diện tích đất Vương cho ông Vân, ông Nhưỡng tại xã Vân Nội, tại thời điểm Vương bàn bạc với bị cáo Vân, Nhưỡng, Vương đã thực hiện thuế người đo đạc, các bị cáo Vân, Nhưỡng đã sang xem đất, sau đó đã đưa căn cước của con ruột cho Vương.
Với diện tích hứa cho tặng tại dự án 36ha là 1.000m2, do đây là dự án khu dân cư, Vương thoả thuận việc can thiệp, tác động.
Các bị cáo Vương, Nhưỡng, Vân biết Dự án 36ha đã bị thu hồi, nhưng Vương bàn bạc với bị cáo Vân, Nhưỡng dùng quyền hạn của mình chuyển đơn với mong muốn tiếp tục cho Công ty Hạ Long thực hiện dự án, nhằm trục lợi lô đất ở xã Vân Nội và 1.000m2 ở dự án tại Hạ Long. Việc UBND tỉnh Quảng Ninh từ chối cho Công ty Hạ Long tiếp tục thực hiện dự án là nằm ngoài ý thức chủ quan của các bị cáo.
Trong vụ án này, Vương là người khởi xướng, lôi kéo bị cáo Vân, Nhưỡng nên chịu hình phạt cao nhất. Bị cáo Nhưỡng giữ vai trò thực hành tích cực, bị cáo Vân giữ vai trò thứ yếu.
Trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) để hưởng lợi, hội đồng xét xử nhận định đủ cơ sở xác định các bị cáo đã nhận tiền của doanh nghiệp, thực hiện hành vi vi phạm.
Hội đồng xét xử cho rằng VKSND tỉnh Thái Bình truy tố bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Nguyễn Văn Vương, Lê Thanh Vân ở tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.
Với bị cáo Vân, hành vi phạm tội của ông này đã hoàn thành, nhưng số tiền bị cáo nhận ít hơn nên khi lượng hình tòa áp dụng chính sách khoan hồng với bị cáo này.
Trong suốt những ngày xét xử, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng giữ nguyên lời khai như trong quá trình điều tra. Ông thừa nhận "việc nhận tiền là sai phạm, thực sự rất ăn năn".
Cựu phó trưởng Ban Dân nguyện phân trần hơn 1 năm bị giam giữ đã cải tạo bản thân, "một sự cải tạo rất quyết liệt, cố gắng gột rửa những điều phạm phải, đặc biệt về tâm can". Ông Nhưỡng mong Đảng, Nhà nước, đặc biệt nhân dân, cử tri cả nước lượng thứ cho mình.
Trong khi đó, bị cáo Lê Thanh Vân tranh luận một số vấn đề và cho rằng cáo trạng truy tố ông còn các tồn tại.
Đáng chú ý, bị cáo Lê Thanh Vân nói "bị xúc phạm vô cùng" khi doanh nghiệp đưa cho mình 10 triệu đồng mà khai khống lên 50 triệu đồng.
Ông Lê Thanh Vân phân trần rằng "rất buồn vì bị bắt khi sắp mãn nhiệm đại biểu Quốc hội". Bị cáo nói trong suốt quãng thời gian qua chưa từng vi phạm một vấn đề gì, lúc nào cũng vì đất nước, vì nhân dân.
"Bảo kê" giang hồ, can thiệp tòa án, chính quyền
Bản án xác định trong khoảng thời gian từ năm 2020-2023, các bị cáo trên đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, xảy ra tại Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, được thể hiện qua 5 vụ việc.
Vụ thứ nhất, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình, qua đó ông "bảo kê" cho một nhóm giang hồ chuyên cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát tại vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, Thái Bình.
Vụ việc thứ hai, ông Nhưỡng bị cáo buộc vào tháng 12-2020 và tháng 5-2021, bị can lấy tư cách đại biểu Quốc hội ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, chánh án, viện trưởng viện kiểm sát và giám đốc Công an TP Hà Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho vụ án tranh chấp đất đai đã bị TAND huyện Thủy Nguyên xử sơ thẩm, tuyên thua của Bùi Văn Thao (người làm thuê cho Cường "quắt").
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi bộ cánh cổng nhà thờ bằng gỗ lim trị giá 75 triệu đồng do được "biếu".
Tuy nhiên, tháng 6-2021, tòa phúc thẩm giữ nguyên nội dung sơ thẩm, buộc vợ chồng Thao phải bàn giao lại nhà đất.
Lúc này ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn Thao gửi đơn kiến nghị đến Văn phòng Quốc hội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Biết không có kết quả nên Thao dừng lại.
Trong vụ việc thứ ba, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã hướng dẫn doanh nghiệp làm đơn "kêu cứu" khẩn cấp để gỡ khó cho việc phê duyệt dự án Quế Võ 3 (tỉnh Bắc Ninh).
Sau khi nhận đơn của doanh nghiệp, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội viết phiếu chuyển đơn gửi Thủ tướng xem xét, giải quyết. Ông sau đó nhận 300.000 USD, tương đương 6,9 tỉ đồng. Gia đình ông đã nộp lại toàn bộ số tiền này.
Vụ việc thứ tư xảy ra trong năm 2019, ông Nhưỡng bị cáo buộc can thiệp đến UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha.
Ông Nhưỡng sau đó hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỉ đồng, và nhằm hưởng lợi 1.000m2 đất tại dự án này có giá 1,9 tỉ đồng.
Từ tháng 7 đến tháng 10-2023, ông Nhưỡng bị cáo buộc đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác dự án và hưởng lợi 210 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong vụ án thứ năm, ông Nhưỡng và ông Vân còn "bắt tay", phân chia gọi điện cho lãnh đạo, gây áp lực cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh để "giúp đỡ" cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép thực hiện dự án, thăm dò, khai thác mỏ đất.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình cáo buộc quá trình can thiệp, ông Nhưỡng và ông Vân đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp Trường Sinh. Trong đó ông Vân nhận 2 lần, tổng 60 triệu đồng. Ông Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận