Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi nhiều thể chế quốc tế sau khi nhậm chức - Ảnh: AFP
Những động thái liên tiếp trong hơn một năm qua của chính quyền Mỹ đang khiến vai trò của các thể chế quốc tế ngày càng lu mờ.
Không mới
Việc ông Trump chỉ trích WTO thật ra không có gì mới. Tổng thống Trump - người giương cao ngọn cờ "Nước Mỹ trên hết" và thương mại công bằng - luôn than phiền rằng nước Mỹ đã bị đối xử bất công trong thương mại toàn cầu, và rằng chính WTO đã để điều đó xảy ra mà không làm gì.
Nếu Tổng thống Trump hiện thực hóa lời đe dọa của ông, động thái đó sẽ chẳng có gì bất ngờ bởi nó giống như cách ông đã làm với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu và hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương khác mà Mỹ là một bên tham gia.
Điều này cũng giống như chuyện Washington rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO).
Nhưng động thái không có gì bất ngờ ấy sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Bởi lẽ nếu nhìn lại những gì chính quyền Trump đã làm, nó chỉ mới dừng lại ở việc kết liễu các di sản đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama là chủ yếu. Còn đối với WTO lại là chuyện khác.
Đó là di sản của gần chục đời tổng thống trước, là cách mà nước Mỹ từng cố gắng dẫn dắt thế giới trong thế kỷ 20, là một trong những nền tảng quan trọng nhất của hệ thống thương mại thế giới hiện đại.
Nói như một nhà quan sát, nếu một ngày nào đó Mỹ thật sự rút khỏi WTO, ngày mà các tổ chức quốc tế khác bị kết liễu vì không phục vụ mục đích của Washington sẽ đến không xa sau đó.
Hồi kết của Pax Americana?
Tiếp nối giai đoạn Pax Britannica (1815-1914) khi người Anh trở thành lực lượng bá chủ toàn cầu với sức ảnh hưởng được ví như cảnh sát quốc tế, người Mỹ nổi lên sau Chiến tranh thế giới thứ hai như một thế lực thay thế với sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội đã dần dần trở thành sen đầm quốc tế.
Những Liên Hiệp Quốc với tòa nhà hình quyển sách bên bờ sông Đông Manhattan, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, Quỹ Tiền tệ quốc tế và cả WTO đã góp phần không nhỏ vào việc tạo dựng nên Pax Americana.
Thuật ngữ này bắt nguồn từ một thuật ngữ khác trong tiếng Latin là "Pax Romana", có nghĩa "Hòa bình theo kiểu La Mã" - dùng để chỉ giai đoạn La Mã trở thành đế quốc với tầm ảnh hưởng khắp vùng Địa Trung Hải.
Nhưng với những gì đang diễn ra dưới thời chính quyền Trump, thật miễn cưỡng để nói nó mang tính xây dựng cho các tổ chức quốc tế mà Washington đã dày công gầy dựng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chẳng hạn, chính quyền Trump tìm cách cắt giảm ngân sách đóng góp cho Liên Hiệp Quốc, phủ quyết điều 5 trong NATO về phòng vệ tập thể trong lúc yêu cầu các quốc gia thành viên tăng đóng góp ngân sách cho tổ chức.
Lịch sử đã cho thấy không giai đoạn hòa bình nào kéo dài mãi mãi, sẽ đến lúc nó phải sụp đổ. Như Pax Britannica, đánh dấu sự kết thúc của nó bằng Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi mà một cường quốc cũ bị thách thức bởi các thế lực mới nổi.
Tương lai một cuộc chiến lớn bùng nổ khi Pax Americana chấm dứt, tức Mỹ đánh mất sức mạnh toàn cầu, là nhỏ nhưng không phải không có. Sự trỗi dậy hay quay lại chính trường quốc tế của một số quốc gia cùng những tổ chức quốc tế mới thành lập đem lại cả những rủi ro tiềm ẩn và cơ hội hợp tác.
Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy ở nhiều nước, đi cùng với đó là chủ nghĩa dân tộc, việc yêu cầu các nhà lãnh đạo phải cùng lúc đáp ứng các lợi ích quốc gia, mà trực tiếp hơn là bảo toàn lá phiếu cử tri, với việc hợp tác để cải cách hệ thống quản trị toàn cầu thật sự không hề dễ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận