14/02/2015 10:01 GMT+7

Ông Nguyễn Bá Thanh đã nói là làm

KIM EM
KIM EM

TTO - Ông Thanh đã nói là làm, những việc ông làm luôn gắn với lợi ích của người dân thành phố. Tin ông mất làm họ đau đớn như chính người thân của họ qua đời.

Ông Nguyễn Bá Thanh tại một buổi tiếp xúc cử tri

Đầu năm 1997, ông Nguyễn Bá Thanh chính thức trở thành Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đầu năm 2003 ông là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Đây là giai đoạn mà Đà Nẵng dần lột xác trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội năng động nhất miền Trung. Ông Thanh đã nói là làm. Và những việc ông làm luôn gắn với lợi ích của người dân thành phố.

Chính điều này đã làm cho người dân Đà Nẵng luôn xem ông như là một người thân trong gia đình. Và tin ông mất đã làm họ đau đớn như chính người thân của họ qua đời.

Tôi - một công dân của TP này, xin chép lại một vài câu chuyện về những việc ông đã làm trong suốt hơn 15 năm ông gắn bó với thành phố này. Và sự thay đổi hàng ngày của mảnh đất này đã làm cho tất cả những người dân không chỉ ở Đà Nẵng ngưỡng vọng ông.

Không thể chấp nhận thái độ vô trách nhiệm

Chiều 23-7-2003, phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 9 HĐND TP Đà Nẵng khóa VI (truyền hình trực tiếp trên đài TH Đà Nẵng), Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho biết mới đây trong những ngày cuối cùng đảm nhận trọng trách Chủ tịch TP, ông đã quyết định cách chức ông Trần Văn Thông - Trưởng Ban Quản lý các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp (thuộc Sở Xây dựng).

Mọi việc bắt đầu từ một phiên giao ban thường kỳ diễn ra trước đó giữa thường trực UBND TP với lãnh đạo các sở, ban, ngành. Khi có nhiều ý kiến đề cập đến những bức xúc nổi cộm trong tiến độ xây dựng nhiều công trỉnh (trong đó có các trường học đã cận kề mùa khai giảng, bệnh viện điều trị bệnh lao cho dân kéo dài hơn 4 năm…) mà ông Thanh cho rằng “tình hình đang trong dầu sôi lửa bỏng” thì người đến dự và trả lời lại là phó ban. Đích thân Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh đã hỏi lý do vắng mặt của ông trưởng ban và nhận được cậu trả lời: mới về do bận việc nhà đột xuất.

Tuy nhiên tìm hiểu kỹ sau đó mới hay ông Thông đã cùng cán bộ - nhân viên của mình đi nghỉ phép và chuyến đi này không hề được báo cáo xin phép theo nguyên tắc với lãnh đạo sở.

“Không thể chấp nhận được thái độ vô trách nhiệm, bỏ dở chức trách của mình giữa lúc công việc đang hối thúc, đi nghỉ phép cũng không xin phép, tôi quyết định cách chức trưởng ban và cảnh cáo giám đốc Sở Xây dựng vì quản lý không nghiêm.

Ông Thanh nói: "Tôi phải kỷ luật thái độ vô trách nhiệm này dù nhiều anh em can ngăn bảo rằng tôi chỉ còn đương nhiệm có mấy ngày nữa và mong tôi nhẹ tay với anh em".

Đây cũng là trường hợp công chức đầu tiên của TP Đà Nẵng nhận hình thức kỷ luật và được công khai nội dung vi phạm, mức kỷ luật tại một kỳ họp HĐND và được truyền hình công khai cho dân được biết.

Tuyên chiến với nhũng nhiễu

Và cũng từ việc kỷ luật cán bộ vô trách nhiệm, tối 24-7-2003, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã có buổi nói chuyện với hơn 1.000 cán bộ công chức ở các sở, ban, ngành, bộ phận có liên quan đến những công việc thường va chạm, tiếp xúc với dân.

Bắt đầu buổi nói chuyện, ông Bá Thanh nhấn mạnh: “Hôm nay tôi muốn nói bốn vấn đề quan trọng, mà nếu chúng ta không biết giữ thì tôi sợ là chúng ta sẽ để mất.

Thứ nhất là mất thời cơ. Nếu chúng ta không nhanh lên, không tự vượt lên để biến Đà Nẵng trở thành một thành phố động lực của miền Trung, xứng đáng là một đô thị lớn của cả nước thì Đà Nẵng sẽ mất cơ hội. Cuộc sống không đứng lại chờ chúng ta.

Thứ hai là mất cán bộ. Đây mới là nội dung chính của cuộc nói chuyện hôm nay. Tôi nhắc lại, nếu các đồng chí không chịu làm việc hoặc làm việc không có trách nhiệm, hoặc có những hành vi nhũng nhiễu, làm bậy để kiếm chác vào túi mình, làm đình trệ bước phát triển của TP thì các đồng chí sẽ bị kỷ luật, bị đình chỉ công tác. Tôi đã nói thì sẽ làm. Và từ hôm nay, sau cuộc nói chuyện này, tôi chính thức tuyên chiến với những sai phạm, nhũng nhiễu dân lành của cán bộ các cấp.

Điều thứ ba mà tôi sợ là mất lòng dân. Dân mà không tin vào chúng ta thì sẽ dẫn đến tình trạng xấu nhất là không giữ được chế độ, là cái mất thứ tư, mất tất cả”.

Ông Thanh nói chuyện mà như dặn dò: “Trong những lần tiếp xúc với dân, tôi nghe bà con phàn nàn là còn nhiều cán bộ có thái độ cửa quyền, hống hách xem thường dân và dân chưa hài lòng với thái độ phục vụ của chúng ta. Chúng ta hãy tự rọi lại chính mình mà sửa chữa, khắc phục. Tôi tin rằng nếu chúng ta làm được điều này sẽ lấy được lòng dân. Dân mà đã tin thì việc gì cũng thành. Tôi dự định, sắp tới có thêm một số cách như mở hòm thư, lập đường dây nóng để kêu gọi nhân dân giúp lãnh đạo thành phố phát hiện những cán bộ làm sai, những tấm gương xấu. Kiên quyết không để tồn tại những bộ phận công chức sâu mọt, làm hại nhân dân”.

Cần người biết làm, làm được việc và được dân tin

Nói về tác phong làm việc của các cán bộ ở một số ban ngành, Bí thư Nguyễn Bá Thanh nhắc nhở: “Tất cả chúng ta phải gồng lên và xốc tay vào. Anh nào không làm được thì tôi đề nghị xin chuyển. Đừng để tình trạng cán bộ làm việc mà lúc nào cũng lừ đừ như say thuốc lào. Cái mà chúng ta cần là cần những người biết làm và làm được. Hãy làm chứ đừng nói suông và dài miệng chê bai. Tôi đề nghị các cơ quan có liên quan đến tài chính như thuế, kho bạc, quản lý thị trường... phải rà soát và chỉnh đốn lại các cán bộ dưới quyền, chấm dứt tình trạng làm khó dân”.

Và cũng trong gần 3 tiếng đồng hồ nói chuyện với cán bộ dưới quyền, ông Thanh đã chỉ rõ từng công việc mà các ban, bộ phận phải giải quyết dứt điểm cho dân như cấp đất tái định cư cho dân làm nhà trước mùa mưa bão. Các trường học phải thi công cả ban đêm để kịp cho các cháu học sinh vào năm học mới.

Ông nói như đinh đóng cột: “Tôi giao trách nhiệm cho Sở Địa chính, Sở Xây dựng, Ban quản lý các dự án phải hoàn tất các phần việc của mình đề từ nay đến 31-12-2003 chấm dứt tình trạng các hộ dân trong diện giải tỏa trước tháng 7-2003 không có đất để tái định cư. Đối với các bộ phận có phòng tiếp dân như điện, nước, điện thoại cần phải chấn chỉnh lại bộ phận tiếp dân để người dân biết mà trông cậy”

Cũng từ sau cuộc gặp gỡ này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh liên tục có những buổi nói chuyện với các đối tượng hoàn lương, xe ôm, rồi cả những ông chồng hay đánh vợ… để khuyên nhủ và giúp đỡ họ.

Đã có nhiều người sau khi mãn hạn tù trở về được thành phố cho vay vốn làm ăn và họ trở lại làm người lương thiện đã đến tận nhà để cám ơn ông Bí thư mà họ tôn kính.

Những bác xe ôm ở Đà Nẵng cứ mỗi lần tết về lại được nhận mỗi người 200 nghìn đồng để gia đình họ có thêm đòn bánh tét, hộp mứt cúng gia tiên.

Chương trình “Năm không, ba có” (Không có hộ đói; Không có người mù chữ; Không có người lang thang xin ăn; Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng; Không có giết người để cướp của. Có nhà ở; Có việc làm và Có lối sống văn minh đô thị) xuất phát từ ý tưởng của Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh đã và đang trở thành hiện thực sinh động ở Đà Nẵng.

TP đang thay da đổi thịt từng ngày và lòng dân Đà Nẵng chưa bao giờ hết kính trọng và tiếc thương một con người đã hết lòng vì cuộc sống an lành của họ.

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên