Ông và nhóm bạn bô lão thường hẹn cuối tuần lên Bờ Hồ ngồi nói chuyện, chơi cờ tướng, đi dạo.
Tuy nhiên từ khi các ki ốt dựng lên, bán đủ thứ thượng vàng hạ cám từ đặc sản vùng miền cho đến những mặt hàng không rõ nguồn gốc, quần áo đại hạ giá, mở loa inh ỏi, ông Nam không "bén mảng" ra nữa, dù nhà chỉ cách đó chưa đầy 1km.
Chiều 1-11, biết tin UBND TP Hà Nội có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chấn chỉnh lại các hoạt động tại khu vực này, ông "bốc" máy điện thoại gọi ngay ông bạn rủ cuối tuần này lại ra hồ Gươm.
Tâm trạng hồ hởi của ông Nam cũng là tâm trạng chung của nhiều người yêu Hà Nội khi hồ Gươm - nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của họ - được "giải thoát" khỏi cảnh bít bùng.
Hồ Hoàn Kiếm giống một "thỏi nam châm" hút các hoạt động, trong đó có hoạt động mua bán. Từ năm 2016, không gian phố đi bộ hồ Gươm đi vào hoạt động, việc làm ăn buôn bán vào dịp cuối tuần này càng nhộn nhịp hơn. Không gian quanh hồ rơi vào tình trạng quá tải, ngột ngạt.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến - tác giả của nhiều đầu sách viết về Hà Nội - cho biết lịch sử khu vực hồ Gươm cũng từng có giai đoạn lộn xộn chuyện bán hàng.
Vào thập niên 1920, đầu phố Lê Thái Tổ kéo dài đến nhà tượng vua Lê xuất hiện các quán bán kem ly, bia chai, quà vặt khiến khu vực này nhếch nhác.
Buổi tối, các cô gái bán hoa còn ngồi ở quán "gợi ý" khách nam.
Thời đó, nhà thơ Tản Đà phải thốt lên: "Bờ Hồ những gió cùng trăng/Những trăng cùng gió lăng nhăng sự đời".
Sau đó, chính quyền phải chấn chỉnh, chỉ cấp phép cho một số ít người bán nước giải khát để phục vụ người dân.
Những người được cấp phép phải làm ki ốt theo mẫu do chính quyền đưa ra. Từ đó, mọi chuyện mới đi vào nề nếp.
Hiện tượng "bát nháo" ở hồ Gươm gây bức xúc dư luận thời gian qua đã được chính quyền TP tiếp thu và chấn chỉnh kịp thời.
Tuy nhiên nhìn rộng ra, việc "bán" không gian, xâm lấn không gian công cộng, đặc biệt là không gian văn hóa, chẳng phải là hi hữu.
Trong những năm qua, các đô thị Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về áp lực dân số, quản lý đô thị, biến đổi khí hậu... TP Hà Nội và TP.HCM cũng đã có nhiều cuộc hội thảo nhằm đi tìm mảng xanh, có nhiều giải pháp hướng tới đô thị bền vững.
Tới đây, đô thị hóa sẽ diễn ra ngày càng mạnh hơn. Dù quá trình đó biến hóa ra sao, tấc đất tấc vàng đến mấy thì cũng cần đặc biệt quan tâm đến không gian công cộng, những điểm sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư.
Câu chuyện Bờ Hồ thời gian qua cho thấy trong những khoảng không gian "nghẹt thở" của đô thị, người dân lúc nào cũng cần một nơi để thư giãn, giải trí và tương tác.
Chính điều này góp phần tạo nên "ký ức thị dân" như TS Nguyễn Thị Hậu nói trong một diễn đàn về di sản được tổ chức tại TP Đà Lạt. Nhờ đó con người trở nên gắn bó, cảm giác thuộc về và có trách nhiệm với cộng đồng ấy, nơi chốn ấy sẽ được hình thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận