Thế nhưng khi Celine Dion xuất hiện trong chiếc váy trắng đính cườm tua rua tuyệt đẹp ở phần cuối lễ khai mạc Olympic 2024, dưới chân tháp Eiffel và hát ca khúc vượt thời gian của nước Pháp - Hymne à L'amour của Edith Piaf, giọng hát ấy như mang nắng chiều rực rỡ trở lại.
"Điên rồ và siêu thực"
Chỉ bấy nhiêu thôi, người ta quên hết cảnh hỗn loạn, cơn mưa xối xả không vui vẻ trước đó. Bởi Celine Dion có mặt ở đây đã là một thông điệp ngoạn mục cổ vũ niềm tin, hy vọng, nghị lực của con người.
Như ca sĩ Tùng Dương nhận xét bà tái sinh trong âm nhạc, tái sinh một cách huy hoàng nhất, kể từ năm 2020 khi bị hội chứng "người cứng" và ngưng hát bốn năm qua.
Pháp tỏ ra "chịu chơi" khi mang hết vốn liếng về văn hóa ra để trưng trổ "tất tay" trong lễ khai mạc được đánh giá là táo bạo nhất trong lịch sử Olympic.
Thay vì tổ chức trong khuôn khổ sân vận động chật hẹp, đạo diễn Thoma Jolly đã có một ý tưởng "điên rồ" và "siêu thực" khi mang sự kiện này ra ngoài trời, đến với sông Seine, mở ra toàn cảnh Paris hoa lệ.
Thậm chí ban tổ chức táo bạo đến mức mời cả ca sĩ 28 tuổi Aya Nakamura hát những trích đoạn các tác phẩm của nghệ sĩ huyền thoại người Pháp Charles Aznavour cũng như những bản hit của cô cùng với dàn hợp xướng, đội kèn quân đội Pháp.
Lời mời này bất chấp những tranh luận trước đó bởi Nakamura dẫu mang quốc tịch Pháp nhưng lại được sinh ra ở Mali, thuộc địa của Pháp trước kia.
Một số người cho rằng cô không đại diện cho di sản, bản sắc và giá trị Pháp. Đến nỗi Bộ trưởng Văn hóa Pháp Rachida Dati phải lên tiếng bảo vệ Aya Nakamura, phê phán loạt phát ngôn mang tính phân biệt chủng tộc.
Khám phá Paris từ sông Seine
Thoma Jolly nói anh chọn sông Seine vì "sức mạnh chữa lành" của nó sau những thảm kịch đã xảy ra như vụ tấn công khủng bố ở Paris năm 2015, cũng như vụ hỏa hoạn năm 2019 tại Nhà thờ Đức Bà.
Và thay vì diễu hành quanh đường chạy điền kinh, các vận động viên sẽ lên 85 con thuyền và "khám phá" Paris từ sông Seine.
Trong đoàn thuyền đó, thuyền chở những vận động viên Ukraine nhận được ủng hộ nhiệt liệt từ quần chúng hai bên bờ.
Loạt di sản nhân văn, tinh thần qua các tiết mục biểu diễn cũng theo đó mà "sống dậy", được "tường thuật" và quảng bá khắp thế giới.
Đó là ca khúc nhạc kịch nổi tiếng của Pháp những năm 1960 Mon Truc en plumes của Zizi Jeanmaire qua trình bày của Lady Gaga, mang nghệ thuật cabaret trở lại.
Là Gojira - ban nhạc death metal lớn nhất nước Pháp, giọng ca trữ tình Marina Viotti, hay giọng nữ trung Axelle Saint-Cirel (khi thể hiện bản phối mới của quốc ca Pháp La Marseillaise)... Không kể hết.
Chưa kể tới loạt di sản vật thể, loạt địa danh mang tính biểu tượng của Pháp như một lời chào mời mọi người đến với đất nước này.
Còn có danh thủ Zinedine Zidane xuất hiện trong một phân đoạn hài hước được ghi hình trước đó khi anh băng qua phố phường Paris để trao ngọn đuốc cho ba đứa trẻ trên một chiếc thuyền, trước khi chương trình phát sóng chuyển sang cảnh sông Seine ngoài đời thực.
Để rồi sau đó, đuốc lần lượt đến tay những cái tên nổi bật của thể thao Pháp và dừng lại ở hai vận động viên người Pháp Teddy Riner, Marie-Jose Perec và được thắp sáng trên một khinh khí cầu. Nó phóng lên bầu trời đêm như một quả cầu đỏ cam lơ lửng dọc theo dòng sông Seine rực sáng.
Hẳn nhiều người chưa quên một kỳ Olympic Tokyo buồn tẻ và u ám vì đại dịch COVID-19 vài năm trước.
Bỏ qua không khí có phần hỗn tạp, màn khai mạc rời rạc, dài dòng, có phần "tham lam" nhất lịch sử và tạm bỏ qua những buồn rầu, ảm đạm của tình hình thế giới, có lý gì mà không vui vẻ, hân hoan đón chờ Olympic Paris?
Đạo diễn Việt Tú: "Không gian biểu diễn chưa từng có"
Dõi theo lễ khai mạc Olympic Paris 2024, đạo diễn Việt Tú cho rằng đây chắc chắn là một trong những kỳ thế vận hội có ý tưởng đột phá và táo bạo nhất lịch sử khi từ bỏ sân khấu truyền thống để đến với một không gian biểu diễn chưa từng có.
Đồng thời ê kíp cũng bỏ qua các ngôn ngữ kể chuyện thông dụng để tạo ra một tư duy hoàn toàn mới về dàn dựng.
"Những gì đã diễn ra thể hiện đầy đủ sự sáng tạo và duy mỹ của người Pháp ở cấp độ cao nhất.
Chỉ riêng việc dám nghĩ, dám làm đã xứng đáng được tôn trọng tuyệt đối - Việt Tú nói:
"Đó không chỉ là ý tưởng và sự dũng cảm của một hay một nhóm người, mà là tầm nhìn và quyết tâm của cả một quốc gia về tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa và sáng tạo". Đây là giá trị lớn nhất của thế vận hội năm nay.
Song đạo diễn Việt Tú cũng chỉ ra một số điểm hạn chế. Thứ nhất, ý tưởng ban đầu, sự kiện diễn ra từ hoàng hôn tới tối sẽ tạo ra những cảm xúc rất mạnh. Đáng tiếc là trời mưa.
Hai là, phần truyền hình các góc máy bị sắp xếp khá bất hợp lý, chưa lột tả được trọn vẹn ý tưởng xuyên suốt suốt bốn tiếng đồng hồ.
Đạo diễn buổi lễ cũng chưa hoàn toàn kiểm soát được một buổi khai mạc ở quy mô siêu lớn với các điểm diễn được trải rộng gấp nhiều lần thế vận hội trước đó.
Ý tưởng đột phá này cần kỹ năng của một bộ não quản trị siêu việt để kết hợp được những nguồn lực khổng lồ từ chuyên môn đến hạ tầng đô thị.
Qua đây ta cũng thấy chưa bao giờ việc kể chuyện bằng hình ảnh (truyền hình trực tiếp) lại trở nên quan trọng như hiện tại.
Nó là yếu tố lớn làm nên thành công hay thất bại của một sự kiện mà lượng người theo dõi trực tuyến luôn áp đảo lượng người xem trực tiếp. Hy vọng điểm này sẽ được hoàn thiện trong đêm bế mạc.
Dầu vậy, theo Việt Tú, trong bối cảnh thưởng thức của khán giả toàn cầu có sự thay đổi lớn, các chương trình đòi hỏi tiết tấu nhanh, nhiều chiêu trò liên tục thì chương trình khai mạc cho thấy sự không thỏa hiệp của ê kíp sáng tạo.
Cũng thêm lần nữa cho thấy bề dày lịch sử của đất nước "ánh sáng" này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận