06/10/2017 12:56 GMT+7

Oằn lưng 'cõng' phí, giá vé tàu liên tục tăng cao

Nhóm PV
Nhóm PV

TTO - Giá vé tàu năm sau cao hơn năm trước đang khiến khách đi tàu ngày một giảm, vận tải đường sắt chỉ sôi động vào dịp Tết. Các đơn vị kinh doanh chỉ ra nguyên nhân là một tỉ lệ chi phí rất nặng mà giá vé tàu đang phải "cõng".

Oằn lưng cõng phí, giá vé tàu liên tục tăng cao - Ảnh 1.

Giá dịch vụ thuê chiếm tỉ lệ quá cao trong doanh thu trong giá vé

Năm 2015, công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn (công ty Đường sắt Sài Gòn) có tổng doanh thu khoảng 1.811 tỉ đồng, nhưng doanh nghiệp này phải hoàn trả cho Tổng công ty Đường sắt VN hơn 1.105 tỉ (chiếm khoảng 61% doanh thu), gọi là trả chi phí điều hành vận tải, phí hạ tầng.

39% còn lại được đơn vị này dùng để chi trả lương cho người lao động, khấu hao các trang thiết bị phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga cũng như dành để sửa chữa, tái đầu tư trang thiết bị phục vụ hành khách...

Giá vé cao nhất tuyến Sài Gòn - Hà Nội qua các năm:

2016 - 1,9 triệu đồng

2017 - 2,3 triệu đồng

2018 - 2,4 triệu đồng
(dự kiến)

Năm 2016, lượng khách đi tàu giảm khiến doanh thu của công ty Đường sắt Sài Gòn giảm, còn chừng 1.415 tỉ, nhưng phí điều hành vận tải và phí hạ tầng lại tăng, chiếm tới 63,7%.

Theo công ty Đường sắt Sài Gòn, đây là một trong những nguyên nhân chỉnh đẩy giá thành vận tải đường sắt tăng cao.

Bên cạnh đó, mô hình của ngành đường sắt còn chưa thực sự hợp lý, quá nhiều đầu mối cùng tham gia thực hiện quá trình vận tải dẫn đến phát sinh nhiều chi phí không cần thiết khiến giá vé bị đẩy lên cao, trong đó có chi phí nhân công...

Muốn giảm không được

Dù trực tiếp vận tải hành khách, hàng hóa nhưng công ty Đường sắt Sài Gòn không thể chủ động về giá thành. Muốn giảm giá vé, giá cước để tăng tính cạnh tranh với các loại hình vận tải khác cũng khó thực hiện.

Ông Lương Quốc Việt - kiểm soát viên Đường sắt VN - gọi tình trạng này là "vẫn còn biểu hiện điều hành mệnh lệnh hành chính giữa công ty mẹ và các đơn vị thành viên, chưa tuân thủ quy luật của thị trường". 

Cụ thể, các đơn giá như dịch vụ kết cấu hạ tầng, điều hành vận tải, sức kéo mà Đường sắt VN đưa ra còn mang tính áp đặt, chưa có căn cứ khoa học, làm lợi cho công ty mẹ nhưng bất lợi cho các công ty vận tải.

Điều này khiến các đơn vị vận tải không thể chủ động trong kinh doanh lẫn trong điều chỉnh giá cước cho linh hoạt.

Oằn lưng cõng phí, giá vé tàu liên tục tăng cao - Ảnh 3.

Vận tải hành khách và hàng hóa của đường sắt Việt Nam đang có xu hướng giảm qua các năm

Giảm giá vé cách nào?

Trước hết, để khắc phục thực tiễn các doanh nghiệp vận tải đường sắt không có quyền đối với giá dịch vụ của chính mình, họ kiến nghị giao cho một đơn vị thứ 3 (ví dụ Cục Đường sắt) ban hành giá điều hành vận tải để các bên ký hợp đồng với nhau.

Một cách khác là giảm chi phí trong doanh thu giá vé, trong đó có chi phí mua, đóng mới đầu máy, toa tàu khách và hàng. 

Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, ngành đường sắt cần hơn 4.139 tỉ đồng cho việc này, nhưng do tiền ít, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đang xoay xở theo hướng thay vì mua nhập từ nước ngoài thì tổ chức lắp ráp trong nước.

Cụ thể, trong năm 2017, công ty Đường sắt Hà Nội dự kiến mua mới 30 toa tàu hiện đại đồng bộ nhập khẩu, trị giá chừng 550 tỉ đồng, nhưng sau đó đã điều chỉnh thành toa tàu lắp ráp nội địa với tổng chi phí chỉ hơn 314 tỉ đồng. 

Công ty Đường sắt Hà Nội hy vọng việc giảm được gần 236 tỉ đồng này sẽ góp phần giảm giá thành vận tải trong tương lai.

Trước đó, công ty Đường sắt Sài Gòn thông qua một doanh nghiệp đóng tàu trong nước đã đóng, đưa vào khai thác 30 toa tàu mới (chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang) với tổng kinh phí khoảng 325 tỉ đồng.

Một biện pháp nữa là trợ giá cho những các chuyến tàu chạy đoạn ngắn chừng 100km như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng (Lạng Sơn), Hà Nội - Thái Nguyên. 

Các tuyến đường sắt này đang rất khó cạnh tranh với đường bộ, nhưng vẫn phải duy trì vì an sinh xã hội. Công ty Đường sắt Hà Nội cho biết trong năm 2016 đã phải bù lỗ khoảng 122 tỉ đồng cho các đoàn tàu chạy các tuyến này, trong đó riêng chi phí thuê hạ tầng và phí điều hành vận tải phải bù lỗ 22,3 tỉ đồng.

Hiện vận tải đường sắt gần như không có lãi vì đang tập trung đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, nên chi phí khấu hao, tài chính tăng lên. Nhưng mục tiêu số một của ngành đường sắt là tăng sản lượng, tiếp đến là tăng doanh thu và cuối cùng mới tính đến tăng lợi nhuận.

Ông Vũ Anh Minh - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Nhóm PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên