![]() |
Maiko (thứ hai, từ phải sang) và những người bạn Việt Nam trên đường phố Sài Gòn - Ảnh nhân vật cung cấp |
Trước năm 18 tuổi, tôi chưa từng đặt chân đến một quốc gia nào khác, tất cả những điều tôi thấy, tôi biết đều chỉ về Nhật Bản. Đây cũng là tình trạng phổ biến của giới trẻ Nhật hiện tại, hầu hết chúng tôi đều chỉ quan tâm đến những thứ liên quan hoặc đang xảy ra trong đất nước mình.
Tuy vậy, tôi vẫn còn nhớ những giấc mơ thuở nhỏ của mình. Đó là được đến những vùng đất mới, được khám phá nhiều nền văn hóa và con người mới lạ... Những giấc mơ đó lớn dần theo thời gian, tỉ lệ thuận với số ngày tôi xuất hiện trên cuộc đời này và thôi thúc tôi phải làm được bằng mọi giá.
Hiện tôi đang làm trong lĩnh vực du lịch và công việc chính của tôi là giới thiệu nét đẹp của quê hương Việt Nam đến với du khách Nhật. Tôi tự hào, trân trọng và tin mình sẽ làm tốt công việc này bởi đất nước này đã để lại quá nhiều dấu ấn ngọt ngào trong tôi... |
SSEAYP 2008 (chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á) là một sự kiện mà tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi có dịp được đến tham quan và sống cùng người dân của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, để rồi mỗi lần tàu rời bến là một lần tôi lại bật khóc khi phải rời xa nhiều gương mặt, kỷ niệm thân thương. Nhưng hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam để lại dấu ấn sâu sắc nhất trong tôi.
Ngay khi tốt nghiệp đại học, tôi quyết định quay lại Việt Nam lập nghiệp trong sự ngỡ ngàng của nhiều người thân, bè bạn. Dẫu vậy, điều tôi quan tâm nhất chỉ là sự ủng hộ tuyệt đối của mẹ dành cho tôi cũng như niềm tin của chính bản thân. Tất nhiên tôi cũng từng lo lắng rất nhiều khi xác định khái niệm đi đến vùng đất mới để sống và lập nghiệp hoàn toàn khác với đi du lịch.
Nhưng tôi nhanh chóng bước qua sự trăn trở, phân vân “Singapore hay Việt Nam?”... khi nhớ về sự trẻ trung và chân thành, ấm áp của người dân TP.HCM thông qua những lần giao lưu, những buổi homestay (chương trình ở nhà dân) tại SSEAYP. Tất cả giúp tôi biết rằng vùng đất này sẽ rộng tay chào đón ngày tôi quay trở lại.
Tôi may mắn nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại TP.HCM dẫu gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu. Cũng có nhiều lần chán nản, tôi lại nhủ thầm “Cuộc sống không bao giờ là dễ dàng” và lấy lại được tinh thần.
Ở Việt Nam, dẫu là phái nữ tôi vẫn tự thân làm hết những công việc như nấu ăn, giặt đồ, lau nhà... bên cạnh lịch làm việc dày đặc, nhưng tôi cảm nhận cuộc sống của mình rất thoải mái, nhẹ nhàng và không quá áp lực như ở Nhật Bản.
Ở đây tôi cũng dễ dàng hẹn gặp và có những buổi đi cà phê, trò chuyện cùng bạn bè khi cần. Tôi cũng được dịp tận hưởng các món ngon và gặp nhiều người đến từ các quốc gia trên khắp thế giới, điều không dễ dàng làm được tại Nhật Bản.
Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là những bữa cơm ấm áp với đầy đủ thành viên trong gia đình và thậm chí có mặt cả... hàng xóm tại đây. Đó là hình ảnh chỉ còn trong quá khứ ở Nhật Bản. Bây giờ bữa cơm ở Nhật hầu hết chỉ đơn giản một “công thức”: một cha, một mẹ và một con.
Còn nhớ những người bạn Việt không giỏi ngoại ngữ nhưng vẫn luôn hết mình giúp tôi bằng... ngôn ngữ cơ thể! Bà chủ nhà trọ của tôi từng dành thời gian đi xe cùng tôi đến bệnh viện... tất cả những điều đó khiến tôi nhớ mãi.
Hiện công việc và cuộc sống của tôi tại Việt Nam rất ổn, đó là câu nói tôi thường khoe với bạn bè ở quê hương khi cập nhật tình hình về bản thân. Tôi tin chữ “ổn” đó sẽ trở thành “hoàn hảo” nếu tôi có đủ thời gian học thêm tiếng Việt và rèn thêm kỹ năng chạy xe đạp còn rất “ẹ” của mình.
Tất nhiên tôi cũng có không ít điều muốn than phiền về Việt Nam như: tiếng ồn ở đám ma, dàn karaoke nhà hàng xóm lúc sớm tinh mơ và tối mịt hay sự ô nhiễm không khí... nhưng ngẫm lại “nhập gia tùy tục” và đó cũng là sự đa dạng về mặt văn hóa mà mình bắt buộc phải chấp nhận. Ở đâu cuộc sống cũng sẽ tồn tại cả hai mặt, tôi tin là vậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận