Cháu tôi ăn rất ngoan, không có thói quen ngậm cơm như những đứa trẻ biếng ăn khác. Cháu thích đi học lắm, ngày nào về cũng tíu tít hát múa, còn rất vui vẻ khi đóng vai cô giáo nữa chứ. Thứ bảy, chủ nhật nào cháu cũng đòi mẹ đưa đi học.
Cháu học trường mẫu giáo bán trú, mỗi tháng đóng 260.000 đồng tiền ăn. Mẹ cháu đi làm xa, tôi lãnh trách nhiệm đưa đón cháu đi học. Tôi thấy vui lắm vì ngôi trường ở địa phương miền núi nghèo nàn lại có những cô nuôi trẻ nhiệt tình và yêu trẻ đến vậy.
Buổi trưa ở lại trường, các bé ngủ trưa, dậy ăn xế rồi mới học tiếp. Và hôm nào cũng thế, cô giáo ngồi chải tóc, tết bím cho từng bé gái. Một điều thật hay nữa là hôm nào đến sinh nhật mình, các bé cũng được cô giáo chúc mừng sinh nhật, cả lớp cùng hát Happy birthday!” và cô giáo sẽ tặng bé một câu chuyện kể hoặc một món quà nho nhỏ nào đó.
Cháu vui vẻ kể sinh nhật vừa rồi cháu được chiếc nơ hoa cài tóc, ngày nào cháu cũng thơm cô và cô giáo sẽ thơm lại ở má. Thấy cháu rất vui vẻ đến trường, tôi mừng thầm nghĩ đến câu “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Như thường lệ, chiều hôm qua tôi đi đón cháu. Cháu vừa bước ra khỏi lớp thì vui vẻ nói: “Mai cháu không đi học!”. Tôi giật mình, cháu rất thích đi học, sao hôm nay nói nghỉ học lại mừng rỡ. Tôi hỏi: “Thế các cô của cháu bận công tác hả?. “Không! Cháu bị đuổi học rồi!”. “Cháu không ngoan, không vâng lời à?”. “Cháu rất ngoan, nhưng cháu ăn không ngoan!”. Tôi hơi bất ngờ... Một đứa bé thích đến trường giờ lại vui mừng khi cô giả bộ đuổi học.
Tôi đem chuyện kể với em gái, em hỏi thăm những bé học cùng lớp và phụ huynh khác thì được biết các cháu rất sợ bữa trưa ở trường. Một chị phụ huynh nói con chị cũng bảo ở trường các cô không nêm muối, ăn một hai ngày thì được chứ ngày nào cũng lạt như thế các bé ngán.
À, căn nguyên các cháu ăn trưa ở trường không ngon là do thức ăn lạt. Đem chuyện này hỏi cô giáo của cháu thì được biết nhà bếp trường phải tuân thủ những nguyên tắc để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Thức ăn cho bé không được nêm như người lớn.
Cô giáo nói cụ thể là: “Các chuyên gia khuyến cáo ở độ tuổi 3-6, các bé chỉ cần 2 gam muối mỗi ngày (tương đương 0,8gam natri). Thật khó để đong đếm lượng muối chính xác vì bản thân nhiều thức ăn đã chứa muối tự nhiên. Chính vì thế nên khẩu phần tại trường của các bé không nêm giống thức ăn của gia đình ở nhà. Cô giáo còn khuyên cố gắng tạo thói quen ăn vừa miệng cho bé, tránh ăn mặn, như thế sẽ tốt hơn cho thể lực của bé.
Giá như chuyện chỉ đơn giản là vậy. Bé tới trường không chịu ăn cơm, cô dỗ dành thế nào cũng chỉ ngậm, dỗ lắm thì ăn một ít. Hôm rồi tự dưng bé không chịu ăn cơm mà đứng khóc đòi về. Cháu tôi có thói quen hễ khóc là ói, thế là ói ra đầy lớp. Cô giáo hù đến lớp không ăn sẽ bị đuổi học...
Tôi rất quý trọng tinh thần, lòng yêu nghề, yêu trẻ của các cô giáo. Nhưng thiết nghĩ có cách nào khác để lôi cuốn các bé đến trường? Có nên xem lại gia vị khẩu phần ăn trưa của các cháu?
“Cuộc chiến” khác Cuối tháng con trai đi học xa nhà mới có dịp về thăm bố mẹ. Ngồi vào bàn ăn, mẹ rất mừng khi vài tháng xa nhà đi trọ học mà con trai đã không còn “công tử bột” như trước, mẹ nấu món gì con cũng ăn, con ăn khỏe hơn, biết khen mẹ nấu ăn ngon nhất. Mẹ cứ ngỡ con trai đã khôn lớn nên biết ý, chịu khó khen cho mẹ vui lòng... Nhưng không phải. Nghe con kể về những món ăn đơn giản, quen thuộc cứ lặp đi lặp lại ở căngtin trường học mà mẹ bỗng thấy thương các con. Ngay cả cơm trắng con bảo rằng: “Giờ con biết vì sao ăn đến ba bát cơm mà vẫn thấy rất nhanh đói. Vì người ta không nấu cơm như mẹ ở nhà, người ta thường ngâm gạo cho nở và dùng cách hấp cơm. Thế nên bữa nào con cũng đói”. Mẹ bất ngờ nhất khi trông thấy con chạy thẳng vào phòng tắm xối nước ào ào lên người. Trước đó hồi đầu năm học, con bị cảm cúm liên miên đến hơn một tháng liền không dứt. Vậy mà nay sao con lại “khỏe” đến mức tắm gội không cần dùng nước nóng (dù đang giữa mùa đông miền Bắc). Hóa ra con và các bạn cùng ký túc xá phải luyện cách tắm gội bằng nước lạnh, thứ nước này lạnh cóng vì được giữ ở trong bể vài ngày! Mới đầu con không quen bị cảm cúm, sổ mũi liên tục... Nhưng rồi được vài tháng “rèn luyện”, con đã không cảm thấy mỗi lần tắm gội là một cực hình. Mẹ nhắc khéo: “Sao tụi con không rủ nhau mua ấm đun nước, phích nước rồi tắm nước nóng cho đỡ lạnh?”. “Không được đâu mẹ ơi, tụi con làm vậy bác bảo vệ phát hiện được thì lập biên bản, báo cáo nhà trường” - con vừa xối nước lạnh lên người vừa trả lời mẹ rất nhanh. Mẹ cứ ngỡ con đi học chỉ có một cuộc chiến với bài vở, thi cử, học thêm... Nhưng hóa ra còn có một cuộc chiến khác dai dẳng và mệt mỏi không kém đó là: cuộc chiến chống lại cái đói và cái lạnh. Chẳng biết đây có phải là một cách rèn luyện cho các con nên người hay không, còn riêng với mẹ thật sự cảm thấy xót xa! |
Hà Giang, Nguyễn Quang Thi (Lâm Đồng), Nguyễn Thế Lượng (Phú Thọ), Nguyễn Thị Phinh (Thanh Hóa), Thu Hiền, Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Đỗ Tấn Ngọc (Quảng Ngãi) Lê Minh Hoàng (Tiền Giang), Phan Thị Tuyết (Ninh Thuận), Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nguyễn Văn Lực (Khánh Hòa), Trần Thị Phước Thiện (An Giang), Huỳnh Quang Lâm (Bạc Liêu); Hoàng Thái Hùng, Nguyễn Hương Huyền, Đặng Trung Thành, Lê Phương Trí, Nguyễn Đước, Hữu Chơn (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An) và các bạn đọc nhà giáo Tôn Tuyết Dung, songdai@..., Phi Khanh, Kim Thoa, huynhphuong@..., Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Văn Việt, Anh Xuân, Thụy Hiền, dieunhuan@..., Bình Yên, Nguyệt Nguyệt.
Kính mời bạn đọc tiếp tục tham gia các chuyên mục Dạy học bằng cả yêu thương, Câu chuyện giáo dục, Câu chuyện giáo dục qua ảnh... bằng cách gửi bài, ảnh hoặc cung cấp thông tin về các tấm gương thầy cô giáo... (những thông tin cung cấp có giá trị về các tấm gương thầy cô giáo sẽ được Tuổi Trẻ tặng quà) qua địa chỉ giaoduc@tuoitre.com.vn hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận