23/07/2017 09:38 GMT+7

Ở ngôi trường nơi việc cần học đầu tiên là... kéo ghế

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Đến trước cửa một phòng học bằng gỗ tràn ngập ánh sáng vàng ấm áp, cô Trần Thiên - chuyên viên bộ phận giáo dục văn hóa nhân văn của Trường đại học Từ Tế (Hoa Liên, Đài Loan) - đề nghị chúng tôi kéo ghế ngồi.

Cô Trần Thiên nói về bài học kéo ghế ở phòng học thư pháp - Ảnh: V.THỦY
Cô Trần Thiên nói về bài học kéo ghế ở phòng học thư pháp - Ảnh: V.THỦY

Lập tức những tiếng ầm ầm của ghế ma sát với sàn nhà vang khắp phòng. Cô tủm tỉm cười: “Những chiếc ghế ở đây khá nặng và rỗng nên khi kéo sẽ gây ra tiếng động ồn ào. Bài học đầu tiên của một sinh viên ở Từ Tế chính là cách kéo ghế từ tốn. Những việc nhỏ sinh viên phải làm được thì mới làm được những chuyện lớn”.

Cô Thiên cho biết Từ Tế có 32 ngành học chia thành năm khối: khoa học, nhân văn, nghệ thuật, khoa học xã hội và ngôn ngữ với khoảng 3.000 sinh viên. Nhưng bất kể ngành học nào sinh viên Từ Tế đều phải học thư pháp, cắm hoa, trà đạo của môn từ tế nhân văn như một môn học nhập môn.

Từ tế mang ý nghĩa chung là tinh thần tương trợ, bác ái và môn học này chính là tinh thần của ngôi trường: “Học không chỉ là học kiến thức mà còn phải rèn luyện đạo đức, nhân văn”.

Ở khuôn viên Trường Từ Tế dễ dàng bắt gặp những chú chó đi dạo lang thang hoặc nằm thư thả ở một góc nào đó. Phòng học nơi có những chiếc ghế rỗng là chỗ sinh viên sẽ học môn đầu tiên là vẽ thư pháp với ý nghĩa giúp họ có thể tĩnh tâm, tìm hiểu nội tâm của chính bản thân mình.

Ngay bên cạnh là phòng học trà đạo với những bộ ấm chén tối màu. Dừng trước cửa phòng, sinh viên Nguyễn Ngô Lê Minh Anh - 32 tuổi, giảng viên ĐH Y dược tại TP.HCM đang làm nghiên cứu sinh tại Từ Tế - tháo giày xếp thật gọn gàng, đưa mũi giày hướng ra ngoài.

Anh bảo ở đây đến cách để dép cũng phải học. Khác với lớp học thư pháp, ở lớp học trà đạo mọi người sẽ học pha trà và cùng thưởng thức, trò chuyện, giao lưu với nhau.

Ở một phòng học khác được thiết kế theo kiến trúc đời Đường mô phỏng Tô Châu, Hàng Châu, chỉ vào giếng trời với một khoảng xanh hoa lá, cô Trần Thiên giới thiệu đây là phòng học cắm hoa.

“Ở đây không dạy cắm hoa như tại các lớp học thông thường. Sinh viên sẽ học cách hòa quyện với thiên nhiên và cắm hoa chỉ với tâm niệm: mọi thứ đều cần yêu thương thì mới ra sản phẩm đẹp” - cô chia sẻ.

Tuy nhiên điều đặc biệt nhất ở Từ Tế nằm ở truyền thống tri ân người hiến xác của sinh viên môn giải phẫu học. Ở đây những người hiến xác được trân trọng gọi là “người thầy” và có chương trình “Người thầy thầm lặng” như một truyền thống đầy tự hào của sinh viên y khoa.

Minh Anh cho biết mỗi đợt thực tập trên cơ thể của người thầy, sinh viên phải tìm hiểu về gia thế, thăm hỏi, trò chuyện với người thân của họ và tự viết tiểu sử ngắn giới thiệu về người thầy của mình. Sinh viên sẽ cùng với người thân tham dự những buổi hòa nhạc tri ân, lễ hỏa táng, đưa tro cốt của người thầy vào đại xá đường trong trường.

“Có hàng ngàn người đã tình nguyện hiến xác phục vụ học tập của sinh viên y khoa Từ Tế. Lý do lớn nhất bởi họ tin rằng sinh viên y khoa ở đây không chỉ được học chuyên môn giỏi mà còn được rèn luyện y đức - cái quý nhất của người thầy thuốc. Truyền thống tri ân người thầy cũng chính là để rèn luyện y đức” - Minh Anh nói.

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên