14/11/2005 05:57 GMT+7

Ở lại với Đồng Tháp Mười

NGUYỄN BÌNH
NGUYỄN BÌNH

TT - Chúng tôi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười - nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bao la nước thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

0Ie54Mka.jpgPhóng to
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạc - giám đốc trung tâm (người đứng) - tại phòng thí nghiệm
TT - Chúng tôi tìm đến Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười - nằm lọt thỏm giữa cánh đồng bao la nước thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Nhìn diện mạo ọp ẹp, nhỏ bé bên ngoài của trung tâm, ít ai biết được nơi đây là chốn hội ngộ của nhiều nhà khoa học với giấc mơ vực dậy tiềm năng của vùng đất hoang vu rộng lớn của Đồng Tháp Mười.

“Rời thủ đô, vô Tháp Mười”

Tiếp chúng tôi, tiến sĩ Nguyễn Văn Thạc - giám đốc trung tâm - kể lại những ngày đầu khi anh cùng các đồng nghiệp khăn gói về với trung tâm. Tiền thân của trung tâm trước là Ban kiến thiết vùng lúa Vĩnh Hưng và Trung tâm Nghiên cứu đay vùng Nam bộ. Năm 1986, anh cùng một số đồng nghiệp, với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp của Trường đại học Nông nghiệp I - Hà Nội, đã tình nguyện vào Đồng Tháp Mười làm việc.

“Dạo đó nghe nói đi miền Nam ai cũng thích, nhưng bảo vào Đồng Tháp Mười thì ai cũng lắc đầu. Anh em chúng tôi lúc đó bảo nhau học nông nghiệp ra mà không dám đi vỡ đất thì hèn quá!...”.

Người có thời gian gắn bó lâu nhất với trung tâm hiện nay là kỹ sư Phạm Đình Sô - bí thư đảng ủy, phó giám đốc trung tâm, là một trong những người đầu tiên của trung tâm đến với vùng đất Đồng Tháp Mười.

Anh kể: “Vừa tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, còn khá trẻ, qua sách báo tôi cũng biết Đồng Tháp Mười là vùng phèn chua, cỏ cháy nhưng không hình dung hết những khó khăn mà mình phải đối mặt. Lúc ngồi trên xe, nhìn loáng thoáng cánh đồng xa, trong bụng cứ bảo thầm vùng này có giống lúa gì mà tốt quá, cao ngang tầm ngực, nhưng đến khi xuống xe mới tá hỏa đó là cánh đồng toàn cỏ lác.

Khung cảnh hoang vu đến độ làm tôi nghĩ thầm sao ở VN còn có những nơi khổ thế”. Ấy vậy mà anh đã gắn bó với vùng đất này 20 năm rồi. Anh quyết bám trụ với trung tâm như bám chính con đường mình đã chọn lúc ban đầu.

Cũng vậy, thạc sĩ Nguyễn Viết Cường, tiến sĩ Nguyễn Đức Thuận là những người đã chấp nhận “rời thủ đô, vô Tháp Mười” với hi vọng góp phần làm chuyển mình một vùng đất. Và ước mơ của các anh đã trở thành hiện thực.

Giờ đây nhiều nông dân cố cựu vùng Đồng Tháp Mười này như bác Võ Văn Ni (ấp Bàu Môn, xã Thạnh Hưng, huyện Mộc Hóa) vẫn còn nhớ như in những ngày đầu khi Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Đồng Tháp Mười vừa thành lập: “Tôi là người ở Đồng Tháp Mười từ thời ông cố đến giờ, tôi hiểu cục đất nơi này còn hơn cả con mình, vậy mà hồi mấy chú vô tôi cứ cười bảo: để rồi coi, ở không được một vụ đâu, đất này làm chơi thôi chứ cao sản cao siếc cái gì… Lúc đó mấy chú bên Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp bây giờ có mượn đất của tôi để làm lúa hai vụ.

NlTuqIYL.jpgPhóng to

Cán bộ trung tâm đang cùng chuyên gia nước ngoài nghiên cứu giống lúa mới tại Đồng Tháp Mười

Anh Đoàn Văn Thông - một nông dân ở xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An - kể lại: “Hồi mới về lập nghiệp ở đây, dân cư còn thưa thớt lắm. Đồng nước thì mênh mông vậy nhưng nước ăn uống phải hứng nước mưa, vì nước nhiễm phèn đỏ quạch. Đất thì toàn cỏ năn kim, lát…

Gia đình tôi lúc đó khẩn hoang và mua lại được khoảng 5ha, ra công cày vỡ để trồng lúa, mỗi năm được một vụ lúa mùa, năng suất chỉ cỡ 1,7 tấn/ha. Tôi còn nhớ mùa vụ đông xuân năm 1984, có mấy nhà khoa học về đây trụ hẳn với bà con. Tôi được cho giống mới để làm thử hai vụ.

Mới đầu tôi cũng lo, nhưng nghĩ cứ thử liều một phen, biết đâu... Tôi chăm sóc theo sự hướng dẫn của các anh cán bộ trung tâm. Năm đó tôi thắng lớn, hai vụ mỗi năm tôi thu khoảng 4-5 tấn/ha. Tội nghiệp mấy ảnh, nhiều người ở luôn từ đó đến giờ”...

Tôi còn nhớ ông Năm Khương, bạn tôi, còn thách đố nếu làm được hai vụ lúa mỗi năm thì ổng sẽ làm thịt con trâu cày của ổng để đãi bà con ăn mừng. Lúc đó bà con ở đây đâu ai tin là sẽ làm được hai vụ lúa trên đất này. Vậy mà mấy chú làm thiệt và thắng thiệt với hai vụ trên đất phèn. Không chỉ ông Năm Khương, mà còn cả tôi cũng quyết mất con trâu cho cả làng vì mừng quá. Không mừng sao được, vì vậy là ở đất này không sợ đói nữa!”.

Gieo những hạt giống mới

Hai mươi năm, một khoảng thời gian không phải là dài trước những đổi thay của vùng Đồng Tháp Mười. Nhưng trong chừng ấy năm, đã có không ít những công trình, đề tài nghiên cứu khoa học phát triển cây lúa tại địa phương đã được đưa vào phục vụ sản xuất.

Trong số đó, nổi bật là những đề tài nghiên cứu về các giống lúa như “Nghiên cứu chọn lọc và phát triển các giống lúa mới” với hàng trăm giống lúa trong và ngoài nước được trung tâm nghiên cứu chọn lọc có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường đất vùng Đồng Tháp Mười, điển hình là bộ giống lúa ngắn ngày có giá trị xuất khẩu như IR 60A, IR 64, IR 66 và giống IR59606 được công nhận là giống lúa quốc gia...

Nói như bác nông dân Nguyễn Tâm Ninh thì chính các cán bộ của trung tâm đã gieo những hạt giống tốt vào cánh đồng phèn chua cỏ cháy của vùng Đồng Tháp Mười này. Còn bác Út Ni thì phấn khởi ra mặt: “Nói thật, bây giờ chỉ cần làm 2 mẫu ruộng thôi đã thu hoạch bằng nhà tôi hồi đó làm 15 mẫu. Ngay cả bản thân tôi cũng thấy lo khi mấy chú ở trung tâm đưa ra cái việc trồng hai vụ. Mà cũng đúng thôi, từ đời ông nội rồi đến đời cha, rồi tới đời tôi, có thấy cái việc này bao giờ đâu”.

Để có được những thành quả như hôm nay các anh đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ, trong đó có cả tuổi thanh xuân của mình.

Đồng Tháp Mười giờ đây đã có đường nhựa. Điện lưới quốc gia đến với các hộ gia đình. Nhưng chiều về trên Đồng Tháp Mười vẫn mênh mông. Mùa nước nổi những cánh đồng Đồng Tháp Mười vẫn trắng xóa.

Chúng tôi chợt nhớ đến câu chuyện của kỹ sư Phạm Đình Sô: “Hồi ấy, lúc mới về đây, chiều đến mà được nghe tiếng khóc của trẻ con là sướng lắm, vì mình lọt thỏm vào một chốn hoang vu!”. Giờ Đồng Tháp Mười không còn là chốn hoang vu, nhưng ở trung tâm của các anh thì vẫn vắng vẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thạc cho biết: “Biên chế của trung tâm được 30 người, vậy mà hiện nay trung tâm cũng chỉ có 25 cán bộ khoa học. Tìm mãi vẫn không ra người, cứ nghe nói vô Đồng Tháp Mười là nhiều người đã lắc đầu! Những người trẻ bây giờ vẫn còn cái nhìn Đồng Tháp Mười như hồi chúng tôi mới vào. Mà nghĩ lại họ ngại cũng đúng, vì thật ra các chế độ đãi ngộ chưa tạo được lực hấp dẫn đối với các bạn trí thức trẻ”. Vì thế một trong những nỗi lo của các anh ở trung tâm là lo về đội ngũ kế thừa...

NGUYỄN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên