Chương trình văn hóa ứng xử học đường diễn ra tại một trường THCS ở quận 12 (TP.HCM) - Ảnh: P.T. |
Liệu nếu không kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả, bạo lực học đường dẫn chúng ta đi đến đâu?
Trả lời cho những câu hỏi này, người viết tìm đến các em học sinh. Bởi hơn ai hết, chính các em là người biết rõ vì sao bạo lực học đường xảy ra. Chính các em cũng biết rõ vì sao bạn bè mình hành xử như vậy hay vì sao bản thân mình hành xử như vậy.
Người viết đã cùng với một nhóm khảo sát thực hiện cuộc thăm dò nhanh với 20 em nữ sinh lớp 8 và 19 em nữ sinh lớp 10 ở một số trường thuộc quận 3, 9, Thủ Đức (năm 2011, sau hàng chục vụ bạo lực học đường rúng động dư luận). Kết quả gây ngạc nhiên khá nhiều người.
Để các em nói tiếng nói của mình
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh dùng nắm đấm, đa số cho rằng do các bạn bị khiêu khích, xúc phạm (14 em), do ghen tuông trong tình cảm (4 em), vì ác cảm, bị nói xấu (5 em) và có một lý do khác là nạn nhân có thái độ khinh người nên bị tấn công.
Lý giải nguồn gốc những nguyên nhân trên, các em cho rằng đa số bị ảnh hưởng bởi game bạo lực, sách báo truyện tranh không lành mạnh, do xem các clip tràn lan trên mạng nên bắt chước để chứng tỏ bản lĩnh.
Đặc biệt có em nêu nguyên nhân tình trạng bạo lực học đường là do sự giáo dục của nhà trường hiện nay quá chú trọng vào việc dạy chữ hơn dạy làm người.
Khảo sát trên bảng hỏi và phỏng vấn sâu cho thấy ý thức của các em về bạo lực học đường không tệ. Ở đâu đó trong mấy triệu học sinh cấp II trên cả nước có mầm mống bạo lực, thì ở đâu đó trong mấy triệu em này cũng có những học sinh hiểu biết, trưởng thành.
Nói lại chuyện năm 2011, sau đó chúng tôi thực hiện chuỗi chương trình Văn hóa ứng xử học đường (tháng 4-2011) trên 30 trường thuộc bảy tỉnh (từ Nha Trang đến Kiên Giang).
Hầu như ở mỗi trường chúng tôi đều nhận được những chia sẻ “rút gan rút ruột” và cả nước mắt của một số em.
Sau chuỗi chương trình này chúng tôi tự hỏi nếu chúng ta không gieo định nghĩa đúng và thói quen đúng, liệu chúng ta “xử lý ngọn” đến bao giờ? Liệu chúng ta có thể đuổi học hết em này đến em khác, kỷ luật hết thầy cô này đến thầy cô khác?
Và một câu hỏi nữa, liệu nếu đuổi học các em lấy gì làm bằng chứng rằng các em sẽ ngoan hơn và biến mất nhu cầu bạo lực hay cái “gốc bạo lực” đang có? Liệu kỷ luật các thầy cô xong rồi, các thầy cô ấy còn đủ tự tin đứng trước các em?
Triệu chứng và ung thư - đừng đợi đến khi quá muộn
Hãy khoan nói đến cải cách giáo dục. Hãy khoan nói đến hệ thống tiêu chí để cải cách giáo dục. Và hãy khoan nói về hệ tư tưởng hay cơ chế xã hội. Nếu chúng ta nói về những điều to tát quá, có thể các em đã kịp già và kịp đẻ ra một thế hệ tiếp theo.
Hãy hỏi lấy chúng ta - những người lớn đầy đủ trách nhiệm công dân. Chúng ta đang truyền đi loại ngôn ngữ trong lành nào cho xã hội? Chúng ta đang vun đắp loại ý thức tử tế nào cho môi trường xung quanh?
Bản chất bạo lực là gì? Chính là sự thiếu vắng tình yêu thương và thiếu vắng lòng tin. Nếu được yêu thương đủ đầy và đúng cách, liệu các em có nhu cầu đánh một ai đó không? Nếu được trao cho một lòng tin cuộc sống mãnh liệt, liệu các em có căm ghét một người đến mức sẵn sàng dùng cả chồng ghế để đập và đầu bạn mình?
Vậy thêm một câu hỏi khác. Làm sao biết chúng ta yêu thương con cái mình, học trò mình đủ đầy và đúng cách? Làm sao để truyền được thứ lòng tin cuộc sống quý giá đến cho các em?
Vậy cho phép tôi hỏi một câu hỏi khác, liệu chúng ta có đủ lòng tin yêu cuộc sống hay chưa và đã biết cách yêu thương con cái mình, học trò mình đầy đủ và đúng cách hay chưa?
Chúng ta có thể biện minh cho sự yếu kém hay hời hợt của mình bằng nhiều cách. Những người lớn vốn dĩ có kinh nghiệm bào chữa hơn con trẻ, do đó trẻ đâu có đủ lý lẽ để phản biện chúng ta?
Nếu có thể hãy xây dựng cho ngôi trường và ngôi nhà của mình một tủ sách dạy làm người và chính chúng ta hãy đọc nó trước.
Đừng kêu gào lên là lý thuyết và sách vở bởi vì nếu không có lý thuyết đúng, làm sao có thực hành đúng? Nếu không có đủ kinh tế để xây dựng một tủ sách, hãy bắt đầu với một cuốn sách hay và lên kế hoạch chuyền tay nhau đọc.
Hãy bắt đầu bằng các cuộc thi viết cảm nhận về sách và cảm nhận về con người tốt, những tấm gương tốt. Hãy để cho mầm mống nhân ái được nhóm lên trong mỗi gia đình, mỗi mái trường, mỗi doanh nghiệp. Nếu chúng ta không bắt đầu xây từng viên gạch nhỏ, sao có thể xây dựng được kỳ quan?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận