07/07/2018 13:45 GMT+7

Nước sạch cho vùng quê nghèo

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Nhiều hệ thống lọc nước thô, máy lọc nước từ gần một năm qua đã đem lại nguồn nước dùng đảm bảo vệ sinh cho học sinh tại nhiều trường học, bà con vùng quê, xã biên giới miền Tây Nam Bộ.

Nước sạch cho vùng quê nghèo - Ảnh 1.

Nụ cười hồn nhiên của các bạn học sinh vùng quê nghèo khi có nguồn nước uống trực tiếp tại vòi - Ảnh: Q.NG.

Đó là công trình mà Đoàn Trường ĐH Mở TP.HCM và các bạn sinh viên, cán bộ trẻ của trường cùng hợp sức chia sẻ kinh phí và góp cả những ngày công tình nguyện tạo thành.

Ứng dụng chuyên môn

Từ cuộc ngồi lại giữa bí thư Đoàn trường Trần Văn Trí cùng phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển trường Lê Khoa Nguyên và TS Trần Thái Hà (khoa công nghệ sinh học), để tìm một công trình nào đó cho một nhiệm kỳ đại hội Đoàn trường mới. Ý tưởng chợt lóe lên khi nghĩ đến việc cung cấp nguồn nước sạch cho học sinh nông thôn.

Một số trường học tại huyện Cái Nước (Cà Mau) được chọn do nơi đây nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn khá nặng. Những sinh viên khoa công nghệ sinh học được huy động, với sự hướng dẫn của TS Trần Thái Hà cho những chuyến đi về giữa Sài Gòn - Cà Mau. Mẫu nước được lấy ngẫu nhiên tại các điểm trường dự kiến tặng máy lọc và mang về TP.HCM xét nghiệm.

Khi các thông số đã có, công trình chính thức được bắt tay bằng việc "chế" hệ thống lọc nước thô. Tận dụng những chiếc phuy nhựa bà con vẫn chứa nước mỗi ngày, ống nước và một số vật dụng khác, các bạn tạo ra hệ thống lọc nước thô. Nước sẽ được dẫn từ nguồn tự nhiên đi vào vòi và xả qua màng lọc.

Theo TS Trần Thái Hà, quá trình dẫn nước này với tác động của không khí sẽ giúp loại bỏ tạp chất trong nước. Sau đó, nước chảy vào thùng rồi được lọc qua ba lớp: cát, sỏi và than hoạt tính trước khi bà con sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày.

Với nước uống, nguồn nước dẫn từ giếng khoan đi qua hệ thống lọc của máy lọc nước sử dụng công nghệ RO và cung cấp nước uống ngay tại vòi cho học sinh. Ban giám hiệu các trường được tặng chia sẻ họ đã bớt được phần chi đáng kể cho việc mua nước uống đóng chai cho học sinh, đồng nghĩa học sinh tại những nơi này bớt khó khăn hơn, có nước uống mỗi ngày mà không phải đóng tiền như trước.

Công trình nhỏ thôi nhưng chúng tôi nỗ lực góp phần thực hiện sứ mệnh của nhà trường là đóng góp và nâng cao tri thức cho cộng đồng bằng các phương thức linh hoạt và thuận tiện nhất

Bí thư Đoàn Trường ĐH Mở TRẦN VĂN TRÍ

Nước sạch cho vùng quê nghèo - Ảnh 3.

Lắp đặt hệ thống lọc nước thô do giảng viên và sinh viên ĐH Mở TP.HCM tự chế tặng bà con - Ảnh: Q.NG.

Công trình nghĩa tình

Ngoài một đơn vị ủng hộ hơn trăm triệu đồng, số kinh phí còn lại từ chính nguồn đóng góp của sinh viên. Nhưng Đoàn trường không quyên góp tiền trực tiếp mà liên kết cùng một số ngân hàng, dịch vụ viễn thông rồi vận động sinh viên kích hoạt sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của những nơi này. Khi ấy, các đơn vị sẽ góp lại một phần chi phí từ chính số người dùng dịch vụ và đó là nguồn để Đoàn trường thực hiện công trình nghĩa tình này.

Bí thư Đoàn trường Trần Văn Trí cho biết các hệ thống được đưa vào sử dụng đã gần cả năm nên Đoàn trường thường xuyên liên lạc để kịp thời xử lý, thay thế thiết bị lọc sau thời gian sử dụng, đảm bảo nguồn nước an toàn cho sức khỏe học sinh. "Các bạn sinh viên cũng hướng dẫn bà con cách làm hệ thống lọc thô vì khá dễ làm, vật liệu đơn giản mà lại giúp bà con có nguồn nước an toàn để sử dụng" - anh Trí cho biết.

Sau công trình tại Cà Mau, thừa thắng xông lên các bạn đã làm thêm công trình tại một số trường ở huyện Tịnh Biên (An Giang) và huyện Vĩnh Hưng (Long An) là hai huyện biên giới, học sinh vốn thiếu nguồn nước hợp vệ sinh để uống. Các máy lọc đều đã đưa vào sử dụng và lần này có thêm các bạn của chi đoàn cán bộ viên chức, chi đoàn giảng viên của trường tham gia cùng sinh viên.

Đã tặng 26 máy lọc nước

Sau gần một năm, công trình đã tặng 26 máy lọc nước cho nước uống tại vòi và được lắp đặt cho học sinh các trường tiểu học, mầm non ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó, 22 máy tặng các trường của huyện Cái Nước (Cà Mau), bốn máy cho hai huyện biên giới: Vĩnh Hưng (Long An) và Tịnh Biên (An Giang). Ngoài ra, bốn hệ thống lọc nước thô, bốn máy bơm tạo áp lực nước cũng được lắp tặng tại Cà Mau.

Tổng kinh phí công trình đến nay gần 190 triệu đồng cùng hơn 300 ngày công tình nguyện của các bạn. Đây là công trình thanh niên được biểu quyết thực hiện ở Đại hội Đoàn trường nhiệm kỳ 2017-2019. "Chúng tôi đang tìm thêm nguồn hỗ trợ để có thể tiếp tục công trình này thời gian tới" - bí thư Đoàn trường Trần Văn Trí chia sẻ.

Đưa nước sạch về vùng “nước đắt hơn... gạo” Đưa nước sạch về vùng “nước đắt hơn... gạo”

TTO - Hai ấp ven biển thuộc xã Tân Thạnh, huyện An Minh (Kiên Giang) mỗi tháng gia đình năm thành ăn hết khoảng 150.000 đồng tiền gạo, nhưng để đổi nước sạch sinh hoạt phải tốn ít nhất 200.000 đồng.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên