16/10/2016 17:22 GMT+7

​Nước mắt xa xứ khi vua Thái băng hà

MINH HUỲNH
MINH HUỲNH

TTO - “Dù vô cùng đau buồn, nhưng chúng tôi phải ở lại Việt Nam để tổ chức nghi thức tang lễ cho Đức vua. Đó là nhiệm vụ quốc gia” - bà Ureerat Ratanaprukse, tổng lãnh sự Vương quốc Thái Lan tại TP.HCM, xúc động nói.

Triển lãm ảnh vua Thái để tưởng niệm ông
Triển lãm ảnh Quốc vương Thái Lan để tưởng niệm ông - Ảnh: MINH HUỲNH

 

Nỗi niềm những thần dân phương xa...

Tin Đức vua Bhumibol Adulyadej qua đời không chỉ làm cho đất nước Thái Lan nhuộm màu tang thương mà cả các cơ quan, Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM cũng đồng loạt treo dải băng tang trắng và đen.

"Đối với tôi, tình yêu và sự tôn kính dành cho Đức vua là tuyệt đối. Sự ra đi của Ngài là nỗi mất mát lớn lao cho cả dân tộc. Dù không thể về nước để tiễn đưa Ngài, nhưng tôi vẫn cảm thấy rất tự hào vì được vinh hạnh tham gia tổ chức nghi thức lễ tang Đức vua.

Điều này giúp xoa dịu nỗi đau buồn, thay vào đó, tôi thấy mình có diễm phúc vì được tự tay sắp xếp nhiều thứ cho tang lễ trọng đại này" - chị Amara Kotrakam, nhân viên Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM vừa nói, vừa thi thoảng quay mặt đi, cố ngăn những giọt nước mắt.

Nhìn đôi mắt đỏ hoe của người phụ nữ áo đen luôn cố gồng mình lên để lo chu toàn mọi thứ trong khuôn viên Lãnh sự quán những ngày tang tóc, ai cũng xót xa và cảm phục tinh thần trách nhiệm của chị.

"Tôi đã không thể nào ngăn được những dòng nước mắt của chính mình. Nỗi đau buồn đã không còn có thể diễn tả được thành lời.

Người cha chung của dân tộc, người cha vĩ đại của chúng tôi đã đi thật rồi. Giờ này ở quê hương tôi, mọi người cũng đang nức nở đấy.

Chẳng ai mà không tôn kính Đức vua bằng một tình yêu vô hạn. Ngài đã làm rất nhiều thứ cho chúng tôi, cho đất nước và nhân dân Vương quốc Thái" - bà Tổng lãnh sự Ureerat Ratanaprukse cố giữ giọng rắn rỏi.

Bút ký chia buồn của người Việt
Bút ký chia buồn của người Việt - Ảnh: MINH HUỲNH

 

Hướng về Đức vua duy nhất!

Đối với phần đông người Thái hiện nay, từ lúc họ sinh ra đã được biết đến sự hiện diện của Vua Bhumibol Adulyadej. Theo bà Tổng lãnh sự Ureerat Ratanaprukse, trong lòng người Thái, ngay từ lúc đăng quang cho đến lúc băng hà, Đức vua đã dành trọn phần đời ấy để chăm lo cho dân tộc. Ông dành phần nhiều thời gian để đi thăm viếng những vùng vắng vẻ, hoang sơ, thăm hỏi nhân dân để tìm cách giúp họ phát triển sinh kế và điều kiện sống.

"Cả tôi và người thân ở Thái đều không đến được hoàng cung để tiễn đưa Ngài, nhưng suốt đời chúng tôi sẽ không thể nào quên những gì mà Ngài đã làm cho đất nước chúng tôi. Gia đình tôi ở tỉnh Yasotorn, mất gần 10 tiếng mới đến được Bangkok.

Vì vậy, mọi người quyết định sẽ cầu nguyện và theo dõi nghi thức quốc tang để tưởng niệm Đức vua" - chị Boonyaporn Taweesod, bếp trưởng của Lãnh sự quán Thái Lan tại TP.HCM, tâm sự.

Bà Tổng lãnh sự Ureerat Ratanaprukse cho biết thêm tối 13-10, khi biết tin Đức vua băng hà, cả tòa lãnh sự chìm trong đau thương, tang tóc.

Dù vậy, bà vẫn cố giữ bình tĩnh để điều phối nhân viên tuân thủ nghi thức quốc gia, tiến hành lễ tang trọng đại cho nhà vua, để nhân dân Thái đang sinh sống tại TP.HCM có thể đến viếng và cầu nguyện cho Đức vua.

Ureerat Ratanaprukse - Tổng Lãnh sự vương quốc Thái Lan tại TP.HCM
"Đức vua đã làm rất nhiều thứ cho chúng tôi, cho đất nước và nhân dân Vương quốc Thái" - bà Ureerat Ratanaprukse - Tổng Lãnh sự vương quốc Thái Lan tại TP.HCM (giữa) chia sẻ - Ảnh: MINH HUỲNH

 

Cũng theo bà Ureerat, dù chiều thứ bảy (15-10) trời đổ mưa lớn, nhưng vẫn có hơn 500 lượt khách đến viếng tang lễ Đức vua, trong đó có nhiều người Việt.

Tất cả họ đều mặc áo đen để bày tỏ sự tiếc thương và tưởng niệm Đức vua. Trong cuốn sổ dành cho khách viếng ghi lại cảm xúc về Vua Bhumibol Adulyadej, có rất nhiều dòng chữ nắn nót với tất cả sự trân trọng được ký tên Việt Nam.

"Điều này cho thấy tình yêu dành cho Đức vua của chúng tôi vượt ra khỏi biên giới Thái. Ngài là trái tim của đất nước, là hồn sống của dân tộc. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ công ơn và những lời dạy của Ngài.

Tôi đã bật khóc nức nở khi một vị khách Việt nói rằng: "Đây là mất mát không chỉ cho người Thái, mà còn cho cả người Việt". Tôi sẽ bay về Thái ngay sau khi hoàn thành lễ tưởng niệm cho Ngài tại Việt Nam" - bà Ureerat nói.

Sở dĩ Vua Bhumibol Adulyadej được lòng không chỉ nhân dân Thái mà còn cả người dân nước khác, theo bà Ureerat, là vì ông đã dành trọn một đời toàn tâm, toàn ý cho dân tộc.

Bà cũng cho biết theo tài liệu ghi chép của bà, Đức vua đã có hơn 4.000 dự án phát triển quan trọng của hoàng gia nhằm hướng đến cải thiện kinh tế và đời sống nhân dân.

Cũng theo bà Ureerat, nhiều dự án nghiên cứu phát triển về kinh tế - triết học của ông đã được áp dụng và triển khai thành công tại một số nước.

"Cả cuộc đời cống hiến và miệt mài làm việc vì dân trong suốt hơn 70 năm trị vì của Vua Bhumibol Adulyadej không thể gói gọn chỉ trong một bài viết được" - Tổng lãnh sự Ureerat chia sẻ.

"Với cương vị là Tổng lãnh sự Vương quốc Thái tại TP.HCM, tôi được vinh dự đảm nhận trọng trách đặc quyền về việc tổ chức nghi thức tưởng tiệm Nhà vua, để nhân dân Thái, người Việt và các lãnh sự khác đến chia sẻ nỗi mất mát quá lớn này", bà Ureerat vừa nói vừa hướng dẫn khách viếng thưởng lãm những công trình của Đức vua qua ảnh.

Nghi thức tổ chức lễ tưởng niệm Vua Bhumibol Adulyadej được tổ chức tại Lãnh sự quán Thái Lan từ ngày 15-10 đến 21-10-2016. Tất cả mọi người đều có thể đến viếng.

Dịp này, người Thái cũng trưng bày nhiều ảnh của đức vua qua các thời kỳ lịch sử gắn bó với những cống hiến của ông cho dân tộc, đặc biệt là người nghèo. Những góc ảnh thể hiện năng khiếu và tài năng vẹn toàn của ông qua các lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, thể thao... cũng được trưng bày trang trọng trong lễ tưởng niệm.

Đông đảo người Thái đến LSQ để tưởng niệm vua Thái
Đông đảo người Thái đến Lãnh sự quán để tưởng niệm vua Thái - Ảnh: MINH HUỲNH
Người Thái trong nghi thức tưởng niệm vua
Người Thái trong nghi thức tưởng niệm vua - Ảnh: MINH HUỲNH
MINH HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên