06/10/2017 14:54 GMT+7

Nước mắt có thể tạo ra... điện

ĐỒNG LỘC
ĐỒNG LỘC

TTO - Một nhóm khoa học gia của Viện nghiên cứu Bernal thuộc Trường đại học Limerick, Ireland đã phát hiện ra rằng nước mắt có thể tạo ra dòng điện.

Nước mắt có thể tạo ra... điện - Ảnh 1.

Lysozyme có trong nước mắt có thể sinh ra điện - Ảnh: TrueMedia

Các nhà nghiên cứu nhận thấy khi đặt các tinh thể của protein lysozyme dưới áp lực, chúng sẽ sản sinh ra điện. 

Phát hiện này sẽ mở đường cho hàng loạt nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực điện tử mềm cho các thiết bị y sinh trong tương lai.

Lysozyme có rất nhiều trong lòng trắng trứng, cũng như trong nước mắt, nước bọt và sữa của các động vật hữu nhũ.

Khi một số loại vật chất, như tinh thể thạch anh, bị đè ép, chúng có một thuộc tính độc đáo là sẽ chuyển đổi năng lượng cơ học thành điện năng và ngược lại. 

Thuộc tính này được gọi là khả năng áp điện (piezoelectricity). Một số loại vật chất khác như xương, gân, gỗ cũng có được thuộc tính này.

Khả năng áp điện hiện được sử dụng rất rộng rãi trong công nghệ, từ sản xuất các bộ cộng hưởng và tạo rung cho điện thoại di động, cho đến máy thu phát thùy âm (sonar) dùng để thám hiểm biển khơi, cũng như kỹ thuật chẩn đoán siêu âm trong y khoa.

Nước mắt có thể tạo ra... điện - Ảnh 3.

Phát hiện mới này được nói là sẽ mở đường cho hàng loạt ứng dụng khác - Ảnh: TrueMedia

Theo các nhà khoa học, phát hiện mới của Viện nghiên cứu Bernal sẽ mở đường cho hàng loạt ứng dụng trong lĩnh vực điện tử mềm (flexible electronics) cho các thiết bị kỹ thuật y sinh, ví dụ như dùng lysozyme như một cái bơm góp nhặt năng lượng hoạt động từ môi trường xung quanh nó, để sản xuất các loại thuốc có thời lượng giải phóng hoạt chất theo ấn định trước một cách hiệu quả hơn so với kỹ thuật đang áp dụng hiện thời.

Ưu thế của việc sử dụng lysozyme so với các loại vật chất khác là nó hoàn toàn không độc hại và có tính tương thích sinh học cao nên có thể thay thế các vật chất độc hại như chì trong sản xuất các thiết bị thu góp năng lượng. 

Do vậy, có thể ứng dụng vào lĩnh vực điện hóa (electroactive), chế tạo lớp phủ kháng khuẩn cho các thiết bị cấy ghép trong cơ thể. Hơn thế nữa, lysozyme rất dễ khai thác từ nguồn nguyên liệu thiên nhiên.

Trước đây, dù từ năm 1965 khoa học đã biết về kết cấu tinh thể của protein lysozyme nhưng chưa có công trình nghiên cứu chuyên sâu nào về khả năng áp điện của protein này.

Với khả năng sản sinh điện rất đáng kể của nó, đây là một phát kiến có tầm quan trọng tương đương với việc phát hiện ra khả năng áp điện của tinh thể thạch anh trước kia. 

ĐỒNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên