10/01/2014 04:38 GMT+7

Nước kênh ô nhiễm, lúa chết hàng loạt

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ

TT - Những ngày qua, hơn chục hộ dân trồng lúa tại hai ấp Tân Lập và Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn (TP.HCM) lo lắng đến mất ăn mất ngủ khi nguồn nước ô nhiễm chảy từ kênh An Hạ tràn về nhuộm đen cánh đồng khiến cả chục hecta lúa mới gieo héo quắt, chết dần chết mòn.

Dân Biên Hòa “khóc ròng” vì cá chết hàng loạtNước ô nhiễm, lúa chết bất thườngCá chết trắng sông Bưởi do nhà máy xả nước thải

2VHGrp7p.jpgPhóng to
Nước kênh An Hạ ô nhiễm tràn vào ruộng lúa mới gieo của ông Nguyễn Văn Cảnh khiến lúa bị chết rục (ảnh chụp ngày 8-1) - Ảnh: Quang KHải

Ngày 8-1, chúng tôi đi dọc kênh An Hạ lên cánh đồng nằm bên kênh 4. Nhìn từ xa, hàng loạt thửa ruộng xuất hiện những cọng lúa héo úa lộ ra. Nhiều ruộng lúa đã ngả màu vàng úa, thân lúa non bị thối gốc, nằm bẹp trên lớp bùn non.

Nước ô nhiễm tràn bờ bao

Ông Nguyễn Văn Cảnh, một nông dân ở ấp Tân Lập, vừa dùng tay hốt những cây lúa li ti bị thối lá, rễ vừa than: “Chưa năm nào nước kênh độc như lần này, nước tràn tới đâu lúa chết héo tới đó. Lúa như vầy không còn cách nào cứu chữa được”.

Theo những hộ nông dân trồng lúa tại khu vực này, hai bên bờ kênh 4, lúa được gieo khoảng 20 ngày trước đã cao hơn gang tay, cây lúa bén rễ, lá xanh tốt. Tuy nhiên, sáng 5-1 nhiều người ra thăm đồng mới tá hỏa phát hiện nguồn nước đen kịt, bốc mùi hôi thối tràn ngập các thửa ruộng. Nguyên nhân là rạng sáng, khi triều cường lên, nguồn nước dưới kênh đen ngòm tràn qua bờ kênh, tràn vào ruộng lúa. Có hộ dân huy động cả máy bơm ra bơm nước từ ruộng ra kênh để cứu lúa nhưng chưa kịp đặt máy thì nước lên cao tràn qua bờ nên cũng chỉ biết đứng nhìn. “Lúc đó dưới mương cạnh bờ đê, nhiều con cá rô phi lờ đờ nổi lên hớp bọt khí, có con không chịu nổi búng lên bờ giãy đành đạch. Nước đen hôi như vậy, cá sống không nổi thì lúa sao chịu thấu” - anh Nguyễn Văn Chui, chi hội trưởng Hội nông dân ấp Tân Lập, kể.

Theo ông Nguyễn Văn Biền - một nông dân khác ở ấp Tân Lập, mặc dù nguồn nước đen ngòm đã rút theo nước triều nhưng để lại một lớp màng đen bóng bám đầy trên thân cây lúa làm cho lúa chết dần. Chỉ trong ba ngày mà 19.000m² lúa của ông Biền bị chết rũ gần 80%. Cạnh đó, một thửa ruộng gần 40.000m² của một hộ nông dân khác cũng trong tình trạng tương tự. Càng đi vào sâu, những vùng trũng hơn thì mức độ thiệt hại càng nặng. Có những thửa ruộng lúa chết sạch chỉ còn trơ lại lớp bùn non. Ông Biền nhẩm tính: “Vụ trước tôi thu hoạch được 7 tấn lúa, với giá 5.400 đồng/kg bán được 39 triệu đồng, trừ các chi phí thì còn lãi hơn 15 triệu đồng. Vụ đông xuân này là vụ chính, lúa thường trúng hơn nhưng bây giờ... không vớt vát được gì hết trong khi tiền giống, phân, thuốc trừ sâu, công cày xới đã chi không phải ít...”.

Trông chờ vào cơ quan chức năng

Ông Nguyễn Văn Danh, chủ tịch Hội nông dân xã Tân Thới Nhì, cho biết trên địa bàn xã có 350-400ha đất canh tác nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa. Hầu hết diện tích canh tác này dựa vào nguồn nước từ kênh An Hạ, nhưng dòng kênh này không chỉ là nơi chứa các nguồn xả thải từ các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, Củ Chi mà còn cả các khu công nghiệp ở tỉnh Long An, Tây Ninh.

Cũng theo ông Danh, mặc dù các tuyến kênh đã được đầu tư hệ thống thủy lợi, nhưng người dân trồng lúa rất cực, có khi bà con phải thức hằng đêm canh con nước bớt đen, bớt mùi hôi để mở cống lấy nước. Nhưng mỗi khi con nước lớn, các doanh nghiệp thường lén lút xả thải, khiến không ít lần người dân phải lấy nước ô nhiễm vào nội đồng. “Chưa lần nào bà con thiệt hại nặng như lần này. Hiện xã đang thống kê cụ thể, nhưng ước tính có 7-10ha lúa bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm, trong đó nhiều thửa ruộng lúa chết gần hết. Đối với những hộ khó khăn xã sẽ vận động hỗ trợ lúa giống, kỹ thuật để bà con có thể gieo lại” - ông Danh nói.

Nhiều người dân ở khu vực trên cho rằng với nguồn nước ô nhiễm như hiện nay, sự cố tràn nước ô nhiễm như vừa qua có khả năng lặp lại khi hệ thống đê bao ở đây chưa được đầu tư hoàn chỉnh và dọc kênh 4 chỉ có một bên được làm bờ bao, bên còn lại chưa làm. Người dân đã nhiều lần kiến nghị địa phương làm hệ thống đê bao hoàn chỉnh nhưng đến nay việc này vẫn chưa tiến hành.

Ông Nguyễn Văn Danh giải thích năm 2013, xã đã dự kiến làm đoạn đê bao ở khu vực trên cho hoàn chỉnh nhưng do bà con đang làm đồng nên dời lại năm nay mới làm. Còn việc kiểm soát nguồn nước ô nhiễm trên kênh An Hạ, ông Danh cho biết việc này ngoài tầm tay của địa phương nên chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát. “Nước ô nhiễm là có nhưng thật sự để phát hiện được đơn vị nào xả thải vượt tiêu chuẩn xuống dòng kênh này không hề đơn giản” - ông Danh nói.

Nước kênh An Hạ ô nhiễm nặng nề

Theo UBND xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, giai đoạn 2011-2013 xã đã phối hợp với Phòng tài nguyên - môi trường, cảnh sát môi trường H.Hóc Môn kiểm tra và đề xuất xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 11 trường hợp. Từ năm 2011 đến nay, xã đã đề xuất di dời 1/3 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng nước kênh An Hạ đang bị ô nhiễm nặng nề. Mùi hôi thối vào lúc cao điểm bốc lên nồng nặc đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh và sinh hoạt của người dân.

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên