Phóng to |
Cho đến nay, kết quả của tất cả cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy Đảng Bảo thủ sẽ trở lại nắm quyền sau hơn 13 năm vắng bóng kể từ thời John Major, và David Cameron - chủ tịch đảng này - sẽ trở thành thủ tướng mới của nước Anh dù kết quả bầu cử dự đoán là sít sao nhất kể từ năm 1945.
Thăm dò của Guardian/ICM cho biết Đảng Bảo thủ sẽ thắng Công Đảng ít nhất 8 điểm với tỉ lệ ủng hộ 36%-28%. Đảng Dân chủ tự do dự kiến được 26%. Cho đến phút chót không có dấu hiệu nào cho thấy Đảng Dân chủ tự do hay Công Đảng thu hẹp được khoảng cách với Đảng Bảo thủ. Ít nhất đó cũng là kết quả cho thấy từ ba cuộc thăm dò khác đã được thực hiện.
Nếu kết quả bầu cử diễn ra đúng như các kết quả thăm dò thì ông Cameron sẽ trở thành thủ tướng trẻ nhất ở tuổi 43 tại số 10 phố Downing kể từ thế kỷ 19. Có lẽ hiếm nhân vật nào có bước thăng tiến nhanh như ông khi năm 2001 ông mới là nghị sĩ của Đảng Bảo thủ. Chỉ bốn năm sau, ông đã có một cuộc lật đổ gây chấn động trong cuộc chạy đua vào chức chủ tịch của đảng này.
Là con một nhà môi giới chứng khoán giàu có, ông học tại những ngôi trường danh giá nhất của Anh là Eton College, sau đó là Oxford, và khi bước vào chính trường, con đường thăng tiến của ông phất nhanh như diều gặp gió. Báo chí Anh mô tả ông thông minh, giỏi ăn nói, hòa đồng về mặt xã hội, khôn ngoan về chính trị, lại ăn ảnh. Vợ ông còn bảnh hơn nhiều. Bà Samantha là giám đốc sáng tạo của nhãn hàng sang trọng Smythson và là hậu duệ của vua Charles II.
Ngay từ đầu Cameron đã thể hiện sự tự tin của một người lão luyện. Chỉ ba ngày sau khi nhậm chức chủ tịch đảng, ông đối mặt thủ tướng Tony Blair khi đó và nói thẳng rằng “ông là tương lai của thì quá khứ”.
Báo chí Anh đã gọi cuộc bầu cử là “ngày D” (ví với cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào Normandy cứu châu Âu trong Thế chiến thứ hai). Tờ The Sun ca ngợi David Cameron là “hi vọng duy nhất của chúng ta” trên trang bìa giống như poster thời tranh cử của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Câu hỏi duy nhất hiện nay là liệu Đảng Bảo thủ có thể biến lợi thế đa số ghế tại quốc hội mà họ đã giành được hay không.
Giới thị trường mong muốn một kết quả rõ ràng vì e ngại tình trạng bế tắc sẽ dẫn tới tê liệt chính trường. Khả năng lớn nhất là một “quốc hội treo” nghĩa là không có đảng nào giành được đa số rõ rệt trong nghị viện, nhưng nước Anh không có truyền thống thành lập liên minh như các nước láng giềng châu Âu.
Các nhà thăm dò nói sau cuộc khủng hoảng, sau những bê bối chi tiêu, người dân Anh đã chán Công Đảng và họ muốn thay đổi, nhưng họ lo lắng về chính phủ mới của Cameron. Một trong những điều họ lo lắng nhất đó là Cameron chưa từng trải qua các cuộc đấu tranh để định hình tính cách mạnh mẽ cần thiết của các nhà lãnh đạo.
Có lẽ những khó khăn nước Anh đang đối mặt như phục hồi nền kinh tế khỏi khủng hoảng, giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ (hiện đã quá 11% GDP)... sẽ là thử thách để định hình tích cách này cho ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận