13/04/2016 05:00 GMT+7

Nude cỡ nào có quyền lên mạng?

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG

TTO - Người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh không có trang phục. Mốt khoe nội y, xuyên thấu của một số người mẫu có bị cấm tại Việt Nam?

Điểm a, khoản 1, điều 3 của thông tư số 01/2016 do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ban hành quy định người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình hình ảnh cá nhân không có trang phục hoặc sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông.

Nhiều người hoạt động trong nghề băn khoăn và đặt ra nhiều câu hỏi về quy định này.

Thước nào đo sự phản cảm?

Siêu mẫu, đạo diễn thời trang Xuân Lan - Ảnh tư liệu
Siêu mẫu, đạo diễn thời trang Xuân Lan - Ảnh tư liệu

Siêu mẫu Xuân Lan, một người kỳ cựu trong làng người mẫu Việt, cho rằng việc ban hành quy định cụ thể về việc người có danh hiệu không được chụp ảnh không có trang phục (hay còn gọi là ảnh nude) là rất cần thiết để ngăn chặn những hành vi sử dụng ảnh hở hang, gợi cảm tung lên mạng với ý đồ gây chú ý, tạo xìcăngđan.

“Có những người muốn lưu lại những đường nét đẹp nhất của mình khi còn xuân sắc và họ chỉ giữ những bức ảnh đó cho riêng mình, đó là chuyện cá nhân. Nhưng đối với người nổi tiếng như hoa hậu, người có danh hiệu, người mẫu có tiếng…, họ có sức lan tỏa và sự ảnh hưởng đến cộng đồng. Do đó những bức ảnh phản cảm của người nổi tiếng khi bị lan truyền chắc chắn sẽ có tác động không nhỏ” - siêu mẫu Xuân Lan nói.

Theo siêu mẫu Xuân Lan, bất kỳ một chương trình biểu diễn thời trang, trình bày bộ sưu tập mới nào cũng phải diễn phúc khảo để hội đồng thẩm định xét duyệt trang phục, cách trình diễn…. thì việc một bộ ảnh nude chịu sự kiểm duyệt là điều bình thường và hợp lý.

Siêu mẫu Xuân Lan đánh giá việc ra quy định cấm còn giúp loại bỏ những người lợi dụng danh xưng hoa hậu, người mẫu để thực hiện những bộ ảnh phản cảm, dung tục núp bóng nghệ thuật.

Ở một góc nhìn khác, người mẫu Minh Triệu, giải đồng cuộc thi Siêu mẫu 2008, cho rằng đối với những người làm nghệ thuật nói chung và người mẫu nói riêng thì chụp ảnh nude, bán nude là một phần của công việc. Hơn nữa, khái niệm như thế nào là phản cảm lại tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.

“Vậy thước đo nào để đo được phản cảm hay không?”, Minh Triệu đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, Minh Triệu cho rằng với những người làm nghệ thuật lâu năm và chân chính, không ai muốn những hình ảnh nhạy cảm của mình bị xuất hiện nơi công cộng. Do đó, chưa cần có quy định thì chính những người nghệ sĩ cũng đã rất cẩn trọng và ý thức trong việc quản lý hình ảnh của mình.

Một vấn đề khác, theo người mẫu Minh Triệu là chưa hợp lý ở thông tư này chính là việc quy định “người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu” thì không được chụp ảnh nude, vậy những người chưa có danh hiệu thì sao?

Nên có sự ngoại lệ?

Tuy đồng tình nhưng siêu mẫu Xuân Lan cũng bày tỏ sự băn khoăn rằng nên chăng phải quy định rõ ràng hơn về việc một bộ ảnh nude như thế nào thì được quyền chuyển tải đến công chúng.

“Hiện nay có rất nhiều bộ ảnh nude được thực hiện với êkip chuyên nghiệp và truyền tải thông điệp về thời trang, cuộc sống một cách rõ ràng, nhân văn. Vậy với những bộ ảnh nude này, việc kiểm duyệt sẽ ra sao? Bởi nếu cấm luôn cả những bộ ảnh được thực hiện với mục đích tốt, ý tưởng, cách thể hiện trong sáng thì sẽ gây thiệt thòi cho những người tâm huyết”, siêu mẫu Xuân Lan nói.

Góp thêm ý kiến, siêu mẫu Minh Triệu cũng cho rằng trên thế giới có rất nhiều bộ ảnh nude, bán nude với mục đích kêu gọi, tuyên truyền cho một thông điệp ý nghĩa, thiết thực.

Lúc này, những hình ảnh nude, bán nude hoàn toàn không phải là sự khoe khoang cơ thể hay chỉ đơn thuần là tôn vinh cái đẹp mà mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, góp phần truyền bá thông tin hiệu quả hơn. “Liệu những bộ ảnh như vậy có được ngoại lệ hay không?”, Minh Triệu thắc mắc.

Có ảnh hưởng đến quyền hoạt động sáng tạo nghệ thuật?

Đó là chia sẻ của luật sư (LS) Trần Ngọc Quý - Đoàn luật sư TP.HCM - về vấn đề này.

LS Trần Ngọc Quý phân tích quy định này nhằm quản lý các trường hợp người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu sử dụng việc chụp ảnh, ghi hình khỏa thân nhằm mục đích tạo xìcăngđan để nổi tiếng, xâm phạm thuần phong mỹ tục.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống luôn đa dạng, phong phú. Việc chụp ảnh, ghi hình khỏa thân mang tính nghệ thuật, hoạt động sáng tạo nghệ thuật hoặc nhằm thực hiện việc truyền thông cho các mục đích tốt đẹp như phong trào nâng cao nhận thức về bệnh ung thư vú, bảo vệ môi trường… là một thực tế có thực trong cuộc sống và được ghi nhận.

"Quy định nêu trên quá bao quát, gần như là cấm việc chụp ảnh, ghi hình khỏa thân dưới tất cả mọi hình thức, kể cả các loại hình nghệ thuật có liên quan đến việc chụp ảnh, ghi hình khỏa thân. Do đó làm ảnh hưởng đến tâm tư, nguyện vọng và quyền hoạt động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ" - LS Trần Ngọc Quý nhận định. 

Do đó, theo LS Trần Ngọc Quý, để đảm bảo hài hòa giữa công tác quản lý nhà nước, đảm bảo hoạt động nghệ thuật phù hợp theo quy định pháp luật, phù hợp với thuần phong mỹ tục và đảm bảo được quyền hoạt động sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, nên có những xem xét sửa đổi, bổ sung quy định nêu trên để mở ra một hành lang pháp lý an toàn cho người nghệ sĩ.

Để từ đó người nghệ sĩ được tự do sáng tạo nghệ thuật liên quan đến hoạt động chụp ảnh, ghi hình khỏa thân nhưng đồng thời cũng đảm bảo công tác quản lý nhà nước, bảo vệ thuần phong mỹ tục và tránh được các hành vi lạm dụng tạo xìcăngđan để nổi tiếng.

Trả lời TTO, ông Lê Minh Tuấn, trưởng phòng quản lý biểu diễn của Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho biết: 

Thông tư có điểm mới là quy định cụ thể hành vi sử dụng hình ảnh phản cảm để "lưu hành trên mạng viễn thông". Mạng viễn thông ở đây được hiểu là những hình thức nào? Và đơn vị nào sẽ thẩm định việc đưa hình ảnh lên mạng vì mục đích tạo xìcăngđan để nổi tiếng? 

Ông Lê Minh Tuấn: Theo quy định tại nghị định 72/2013/NĐ-CP, mạng viễn thông bao gồm mạng Internet, di động...

Theo quy định tại thông tư số 01, hội đồng thẩm định sẽ xác định, đánh giá hành vi vi phạm để tham mưu cho cơ quan quản lý quyết định xử lý vi phạm trong từng trường hợp cụ thể.

Nhiều người băn khoăn với cụm từ "phản cảm". Căn cứ nào để đánh giá ảnh phản cảm hay không và cơ quan nào chịu trách nhiệm thẩm định? 

Ông Lê Minh Tuấn: Những cá nhân thực hiện hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp thuần phong mỹ tục dân tộc là vi phạm quy định tại điều 7 nghị định 15 và điều 3 thông tư 01.

Hội đồng thẩm định sẽ xác định, đánh giá hành vi vi phạm để tham mưu cho cơ quan quản lý quyết định xử lý vi phạm trong từng trường hợp cụ thể.

Có thể hiểu rằng chỉ khi nào chụp ảnh phản cảm và đưa lên mạng với mục đích tạo xìcăngđan thì mới bị chế tài bởi thông tư này? 

Ông Lê Minh Tuấn: Điều 3 thông tư đã quy định rõ nội dung này. 

Qua đây tôi cũng rất mong các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật nghiên cứu kỹ quy định tại thông tư để thực hiện những hoạt động phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, với phong tục, tập quán của người Việt để không vi phạm và bị xử phạt.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Siêu mẫu Xuân Lan

>> Luật sư Trần Ngọc Quý

 

 

 

 

 

VÕ HƯƠNG - AN NHIÊN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục