Sự xuất hiện của cô gái Huỳnh Thị Hồng Đào (huyện Phong Điền, Cần Thơ) như khiến những môn học khô khan khó nuốt cũng trở nên dễ dàng hơn.
Học vì hiếu kỳ
Nữ sinh Hồng Đào cùng giáo viên và các bạn nam trong giờ thực hành - Ảnh: T.TRANG
Đào nói cô lớn lên ở vùng quê, rất ít khi thấy ô tô, nên mỗi lần có chiếc nào xuất hiện trong xóm, Đào rủ tụi trẻ con chạy ra ngắm nghía. "Mỗi lần như vậy, em luôn thắc mắc xe có cấu tạo như thế nào, sao chạy được, sao kiểu dáng lại khác nhau, và tự nghĩ có ngày em phải học để biết", cô kể.
Đến năm học lớp 9, khi nghe tư vấn nghề nghiệp có ngành công nghệ ô tô, Đào thích lắm. Cô nung nấu ý định đăng ký thi vào ngành này, nhưng chưa dám nói vì chưa nghe nói có nữ học ngành này.
"Lúc đầu em nghĩ phải học đại học, vì nghe rất sang, ai cũng ngưỡng mộ, cũng muốn biết giảng đường là gì. Nhưng khi hiểu biết một chút, được nghe tư vấn, đọc sách báo nhiều nên hiểu không chỉ có con đường đại học mới thỏa sở thích của mình", Đào tâm sự.
Học nghề là phải được nghe, nhìn, sờ, còn học đại học đa số học lý thuyết. Học nghề sẽ thiết thực hơn, gần gũi với cuộc sống hơn và cũng ít tốn kém. Bạn nghĩ sao nếu ra trường toàn người quản lý mà không có người thợ nào?
Huỳnh Thị Hồng Đào
Đào chia sẻ nguyện vọng với thầy chủ nhiệm. Thầy cũng ngạc nhiên lắm khi thấy con gái thích học ngành ô tô, nhưng thầy ủng hộ và hướng dẫn cô tìm hiểu thông tin.
"Em quyết định chọn học nghề trước mắt, vì công việc bán vé số hàng ngày của cha mẹ không thể nuôi em tới đại học. Các môn ở trường nghề có tính thực hành, vận động tay chân nhiều hơn ở bậc đại học. Em ngán các môn đại cương rồi", Đào nói.
Vào học, Đào luôn ngạc nhiên và thấy mới mẻ, vì ngành ô tô không chỉ sản xuất mà có nhiều ngành riêng như sửa chữa, làm đồng, sơn, bảo dưỡng xe. Việc thực hành cũng không phải bê vác nặng nề, vì đều có máy nâng, không phải dùng đến sức người.
"Càng học em càng muốn biết nhiều hơn nữa, chưa thấy đủ mà muốn được sáng tạo hơn. Em tự tin mình đã chọn đúng nghề", Đào cười nói.
Hoa giữa rừng gươm
Ban đầu Đào cũng hơi lúng túng, ngại ngùng khi lớp chỉ toàn là nam. Đào mắc cỡ khi các bạn nam ghẹo "em đi lộn lớp rồi", "a công chúa tới rồi".
Học lớp có nhiều nam cũng là một lợi thế, vì các bạn giành hết việc nặng, và cô thường được ưu tiên trong các dịp lễ tết.
Đào kể, nhiều người ngạc nhiên khi nghe nói mình đang học ngành ô tô. Cô chỉ đáp ngắn gọn: "Con gái thì con gái chứ, thích thì làm được hết".
"Học xong, em sẽ theo nghề sơn xe, làm đồng, thiết kế các họa tiết trang trí trên xe. Tay nghề giỏi và có điều kiện hơn, em sẽ học lên nữa để chạy kịp với công nghệ hiện đại", Đào dự tính.
Thầy Lê Thanh Hoài, trưởng phòng đào tạo trường Trung cấp giao thông vận tải miền Nam, cho hay từ năm 1983 đến nay chỉ có hai nữ học ngành nghề thường chỉ dành cho nam, một bạn nữ học ngành điện công nghiệp và dân dụng, và Đào đang học ngành công nghệ ô tô.
"Mọi người suy nghĩ theo lối mòn, chứ nữ học ngành này rất có lợi thế vì thường cẩn thận, tỉ mỉ, hạn chế rất nhiều sai sót", thầy Hoài nói.
Theo thầy, học công nghệ ô tô ra trường, nữ rất dễ tìm việc như làm việc ở kho, phòng kinh doanh, hay các công ty ô tô hiện nay rất cần nữ am hiểu về động cơ xe để tư vấn khách hàng…
Tối 17-11, tại trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn Cần Thơ tổ chức lễ trao học bổng Nhất nghệ tinh cho 111 học sinh, học viên khu vực ĐBSCL, mỗi suất học bổng trị giá 4 triệu đồng.
Kinh phí học bổng do giải golf gây quỹ Tiếp sức đến trường (do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, VTV9 - Đài truyền hình VN, Báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành phối hợp tổ chức) tài trợ 364 triệu đồng, và Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ 80 triệu đồng.
Qua 5 lần tổ chức, chương trình học bổng Nhất nghệ tinh đã trao 905 suất, trị giá 4-8 triệu đồng/suất, tổng kinh phí hơn 5 tỉ đồng.
Trong năm 2017, chương trình sẽ trao 220 suất học bổng dành cho học sinh, học viên vượt khó đang theo học các trường nghề tại TP.HCM và TP Cần Thơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận