Vi trên giường bệnh sau khi bị cưa một chân - Ảnh: Thùy Dương |
Nhìn con như thế này tôi thương đứt ruột, vậy mà con lại cứ lo cho sức khỏe của tôi. Vi cứ bảo con không sao đâu, vẫn vui vẻ này, mẹ đừng khóc nữa mà ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ nhé! |
Bà Nguyễn Thị Lan (mẹ của Vi) |
Cùng ngày 15-3, Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk khẩn trương làm rõ sự việc nêu trên và xử lý theo quy định.
Phải có trách nhiệm
Ông Nguyễn Văn Tâm - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin - cho biết bệnh viện đã có quyết định tạm đình chỉ công tác chuyên môn của bác sĩ Y Tâm và kíp trực (thuộc khoa ngoại) đã bó bột cho em Vi trong 15 ngày để phục vụ công tác điều tra, xác minh của các cơ quan chuyên môn.
Đồng thời, bệnh viện yêu cầu bác sĩ Y Tâm và kíp trực làm giải trình cho bệnh viện, Sở Y tế về việc tiếp nhận, bó bột chân em Vi.
Về những thiệt hại của em Vi do sự tắc trách của bệnh viện, ông Tâm nói tối 14 và sáng 15-3, lãnh đạo bệnh viện đã đến thăm và hỗ trợ ban đầu cho em Vi 20 triệu đồng.
“Hiện bố mẹ cháu Vi chưa đưa ra đề nghị gì. Tuy nhiên, một người trong gia đình yêu cầu bệnh viện phải có trách nhiệm lo viện phí, chi phí lắp chân giả cho cháu. Người nhà cũng yêu cầu sau này Vi học các ngành nghề liên quan đến văn thư, kế toán thì bệnh viện phải tiếp nhận và chúng tôi đã hứa sẽ thực hiện” - ông Tâm nói.
Liên quan sự việc, một lãnh đạo Công an huyện Cư Kuin xác nhận có biết thông tin qua báo chí, mạng xã hội nhưng đến nay chưa nhận được đơn yêu cầu giải quyết của gia đình nạn nhân. Việc tắc trách của bệnh viện chỉ mới phản ánh qua báo chí nên chưa thể kết luận có hay không dấu hiệu hình sự. Chỉ khi điều tra mới có thể có những kết luận thấu đáo.
Chỉ lo cho sức khỏe của mẹ!
Trong khi đó, chiều 15-3, sau ba ngày bị cắt bỏ chân phải, tinh thần của Vi đã tốt hơn rất nhiều. Điều mà Vi lo lắng nhất hiện giờ là sức khỏe của... mẹ em. Mẹ của Vi khóc suốt nên Vi sợ nếu mẹ mãi như vậy sẽ ảnh hưởng đến bệnh cao huyết áp của mẹ.
Nằm trên giường bệnh tại khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, Vi nói chuyện rất vui vẻ, thỉnh thoảng còn nở nụ cười như để mẹ đừng lo buồn về em nữa.
Bà Nguyễn Thị Lan, 39 tuổi, mẹ Vi, nói: “Nhìn con như thế này tôi thương đứt ruột, vậy mà con lại cứ lo cho sức khỏe của tôi. Vi cứ bảo con không sao đâu, vẫn vui vẻ này, mẹ đừng khóc nữa mà ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ nhé!”. Hai vợ chồng bà Lan còn nhớ lúc từ phòng mổ ra, Vi chân thấp chân cao mà vẫn cười tươi như hoa. Vi nói: “Ba mẹ ơi con vẫn còn sống và trở về với ba mẹ đây”.
Nghe con nói mà vợ chồng bà Lan càng thương con, không kìm được những giọt nước mắt.
Ông Lê Văn Long (bố của Vi) buồn bã nói: “Ước mơ làm chiến sĩ công an của Vi không thể thực hiện được nữa nên gia đình mong rằng Bệnh viện Cư Kuin sẽ có trách nhiệm với việc học tập và tương lai của em”.
Gia đình Vi cũng thông tin TS.BS Nguyễn Tiến Lý - phó giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng TP.HCM - đã đến thăm hỏi và đề nghị chuyển Vi qua bệnh viện này để điều trị và hỗ trợ lắp chân giả cho em.
Tổn thương mạch máu nhưng bó bột
Bác sĩ Đỗ Lê Hoàng Sơn, khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết lúc 20g30 ngày 11-3, Vi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng tỉnh táo, chân bên phải mang nẹp bằng vải, chân phải sưng, đau nhiều, nổi nhiều bóng nước. Vi được chẩn đoán ban đầu là bị gãy mâm chày chân phải, theo dõi chèn ép khoang chân phải. Trong đêm Vi được theo dõi, tái khám liên tục.
Sáng 12-3, Vi được PGS Đỗ Phước Hùng - phó khoa chấn thương chỉnh hình - khám, hội chẩn, đến chiều được chỉ định mổ với chẩn đoán gãy mâm chày chèn ép khoang chân phải, theo dõi hoại tử chân. Trong lúc mổ, các bác sĩ thấy các cơ ở chân Vi bị hoại tử hết, không còn khả năng giữ lại nên buộc phải cắt cụt chân từ trên đầu gối chân phải trở xuống.
Hiện nay, các bác sĩ đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương, hướng dẫn Vi tập vật lý trị liệu. Bác sĩ Sơn cho biết tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ từng gặp những bệnh nhân bị hoại tử chân nhưng rất ít. Những trường hợp này có tổn thương các mạch máu từ trước nhưng không được phát hiện để xử lý mà lại bó bột vào làm chân bị sưng nhiều, căng tức, dẫn đến hoại tử.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, ngày 6-3, sau khi tan học Vi bị tai nạn giao thông và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày nên đã cho bó bột. Sau đó, Vi liên tục kêu đau nhưng các bác sĩ không đồng ý tháo bột kiểm tra. Tình hình bệnh nhân không tiến triển tốt sau đó. Đến ngày 10-3, khi phó giám đốc bệnh viện chỉ đạo tháo bột ra thì chân Vi đã sưng to, gia đình xin chuyển viện nhưng không được đồng ý. Ngày 11-3, gia đình chuyển Vi lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk thì được chẩn đoán đã bị hoại tử và chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận