25/09/2024 11:57 GMT+7

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây

Tỏa ra đồng đổ dớn, giở lọp, gỡ lưới, kéo lưới... từ đêm, sáng sớm thu về những mẻ cá đầy ắp, người dân miền Tây nở nụ cười được mùa trên đồng nước nổi.

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây - Ảnh 1.

Ghe xuồng trên cánh đồng mùa nước nổi đầu nguồn sông Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tất bật mùa đánh bắt cá đồng - Ảnh: TỐNG DOANH

Gần một tháng qua, ngư dân đầu nguồn sông Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp tất bật đón mùa nước nổi dâng cao hơn so với năm trước. Đêm khuya, những chiếc ghe, xuồng ngang dọc khắp cánh đồng tỏa đi nhiều nơi đổ dớn, giở lọp, gỡ lưới, kéo lưới... Sáng sớm, những mẻ cá đầy ắp cập bến cùng nụ cười được mùa của ngư dân.

Ông Huỳnh Văn Khôn, ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho hay con nước về thì người dân ở đây người đặt dớn, người giăng câu, người đặt lọp kiếm sống.

"Khi hay nước về nhiều bà con ai cũng vui mừng, tất bật sửa soạn ngư cụ đánh bắt cá, ai làm dớn thì soạn dớn, ai đặt lọp cua thì soạn lọp cua. Mùa nước thu nhập khá từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày sống khỏe", ông Khôn nói.

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây   - Ảnh 4.

Giăng lưới bắt được những loại cá lớn hơn như cá mè vinh, cá rô - Ảnh: TỐNG DOANH

Còn ông Trương Văn Trung, ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, phấn khởi cho hay mùa nước nổi là mùa hy vọng nhất trong năm của bà con vùng đầu nguồn sau mùa lúa.

"Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn ra đồng ổn, chủ yếu lấy công làm lời tận dụng những lọp tôm cũ, đan lại chỗ thủng xài tiếp mùa này, kiếm đồng ra đồng vô", ông Trung nói.

Đánh bắt thủy sản mùa nước nổi trên đồng rất đa dạng như: đặt lọp, đặt dớn, chài lưới, giăng lưới, kéo lưới, cào lưới... nhưng phổ biến nhất là đặt dớn và giăng lưới.

Ông Phạm Văn Lý - ngụ xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự - chia sẻ bí quyết muốn có cá nhiều thì phải rải xác mắm quanh lưới để thu hút cá.

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây   - Ảnh 5.

Nụ cười ngư dân trên đồng nước nổi khi bình minh ló dạng chào ngày mới - Ảnh: TỐNG DOANH

"So với đặt dớn thì giăng lưới hơi vất vả hơn vì phải chia thành nhiều đợt, rồi đợi cá mắc lưới nhiều mới gỡ. Từ 4 - 6h sáng tôi giăng được 3 - 4 cử, thu hoạch được từ 4-6kg cá mè vinh, cá rô... đem ra chợ bán thu được từ 400.000 - 500.000 đồng. Nước về nhiều thì người dân làm nghề cá rất mừng", ông Lý nói.

Hiện nay giá các loại cá đồng ở đầu nguồn miền Tây đã giảm hơn so với đầu mùa do nguồn thủy sản phong phú hơn.

Ngày 25-9, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại chợ thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự: cá chạch, cá thát lát, cá lăng từ 200.000 - 300.000 đồng/kg; cá linh, cá lòng tong từ 50.000 - 80.000 đồng/kg đã làm sẵn; cá heo từ 400.000 - 500.000 đồng/kg; cá rô, cá sặc từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.


Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây - Ảnh 5.

Từ sáng sớm, cá đồng, tép đồng đã "lên mâm" bày bán tại chợ Thường Phước, huyện Hồng Ngự - Ảnh: TỐNG DOANH

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây - Ảnh 5.

Cá chốt đồng, cá lăng đã làm sạch bán tại chợ - Ảnh: TỐNG DOANH

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây   - Ảnh 8.

Thời điểm này ở thượng nguồn cá linh thu hoạch được nhiều, sau khi phân loại cá tươi sống đi chợ, phần còn lại sẽ cân cho thương lái để ủ nước mắm - Ảnh: TỐNG DOANH

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây   - Ảnh 10.

Bông súng, bông điên điển, rau muống, rau dừa, me tươi... là những món rau đồng ăn kèm không thể thiếu khi chế biến những món cá đồng - Ảnh: TỐNG DOANH

Nụ cười được mùa trên đồng nước nổi miền Tây   - Ảnh 10.Ngư dân miền Tây 'hốt bạc' nhờ mùa nước nổi

Mực nước đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tăng nhanh trong tuần qua, khu vực nội đồng nước dập dềnh trắng xóa, ngư dân đánh bắt cá thu nhập khá, thương lái thu mua có ngày 1 tấn thủy sản mùa nước nổi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên