09/09/2013 17:25 GMT+7

NS Vũ Đức Sao Biển: Đừng khoác lên các em chiếc áo quá rộng!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
VŨ ĐỨC SAO BIỂN

TTO - Tôi là tác giả của ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang. Trước hết, tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng trong chương trình thi chung kết Giọng hát Việt nhí, một cháu gái 10 tuổi không nên hát ca khúc Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang.

Xôn xao “hậu” Giọng hát Việt nhíCứ hát tiếp dân ca, Phương Mỹ Chi ơi!Mỹ Chi hát tiếp dân ca trong chung kết The Voice nhíSáng tác ca khúc cho Giọng hát Việt nhí: “Trắng tay”

UIOIdCT2.jpgPhóng to
Phương Mỹ Chi - Ảnh: T.T.D.
yeSDpvO3.jpgPhóng to
Phương Mỹ Chi - Ảnh: T.T.D.
VmqAR3r0.jpgPhóng to
Nghệ sĩ Ngọc Giàu và Phương Mỹ Chi - Ảnh: T.T.D.

Thông thường, một nhạc sĩ sáng tác rất thích chờ nghe một giọng ca mới hát ca khúc của mình. Thế nhưng trong trường hợp này, tôi lại không mong một cháu bé hát ca khúc ấy. Tại sao vậy?

Nhạc sĩ viết ca khúc cũng như một người thợ may áo; hễ vóc dáng nào thì may ra chiếc áo ấy.

“Chiếc áo” ca khúc có hai đặc điểm: nội dung ca từ và kỹ thuật thanh nhạc. Về nội dung ca từ, ca khúc của tôi viết cho người lớn; nó thấm đẫm chất oán thương (mà báo Tuổi Trẻ gọi là “nức nở”) của tâm hồn dân ca Nam bộ. Về thanh nhạc, ca khúc viết với cung Mi thứ; âm vực khá rộng (thấp nhất là nốt Sol, cao nhất nốt Mi, 13 nốt); có nhiều quãng âm luyến láy đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao.

Một ca khúc như vậy chỉ phù hợp với ca sĩ chuyên nghiệp trưởng thành với những yếu tố thanh quản và âm tơ phát triển đầy đủ.

Cho nên, ca khúc ấy không phù hợp với một cháu bé 10 tuổi chút nào. Khi thuận để cháu bé hát ca khúc này trên sân khấu là đã để cháu mặc một chiếc áo quá rộng, không vừa với tâm hồn trong sáng và kỹ năng phát thanh của thiếu nhi. Tôi nói ở đây là nói về khía cạnh chuyên môn của một nhạc sĩ sáng tác có trách nhiệm với cuộc sống. Cháu bé không có lỗi. Cái lỗi ở đây thuộc về người lớn.

Có một buổi chiều thứ hai, tôi đi đón cháu nội đang học lớp 4 về. Hôm ấy, trường sinh hoạt dưới cờ. Qua bức vách nhà trường, tôi nghe một học sinh nào đó được giới thiệu ra hát. Cháu hát một bài nhạc pop của người lớn; âm vực không rộng nhưng nội dung rất… người lớn. Tôi đâm ra khó chịu, nghĩ không hiểu tại sao nhà trường lại để cháu hát một ca khúc không phù hợp với lứa tuổi tiểu học đến vậy.

Từ cả hai trường hợp này, chúng ta thấy được một khoảng trống: những ca khúc dành cho thiếu nhi ngày nay dường như chưa sâu sắc lắm, chưa hấp dẫn các cháu thiếu nhi có năng khiếu ca hát lắm. Bằng chứng là cả hai cháu đều chọn các ca khúc của người lớn mà biểu diễn chứ không phải là ca khúc dành cho thiếu nhi. Các cháu đã phải mặc những chiếc áo quá rộng so với “vóc dáng” của mình. Thật là một điều đáng tiếc.

Tôi chúc cháu gái có những thành công khác trên đường ca hát. Tốt hơn hết là cháu có thể hướng ước mơ của mình vào học ở nhạc viện. Mười năm sau, cháu sẽ hát và hát rất thành công Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang cũng như nhiều ca khúc dân ca của các nhạc sĩ khác.

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên