20/06/2019 09:37 GMT+7

Nông thôn: bức tử sông rạch, án mạng từ cái chuồng heo...

NGỌC HÓA
NGỌC HÓA

TTO - Nông thôn mất dần sự trong lành, bình yên khi người dân bất bình với nạn ô nhiễm mùi hôi và nước bẩn từ chăn nuôi thải trực tiếp ra sông, kênh rạch. Hàng xóm nhắc nhở, góp ý nhau, thậm chí báo chính quyền nhưng mọi chuyện vẫn y vậy...

Nông thôn: bức tử sông rạch, án mạng từ cái chuồng heo... - Ảnh 1.

Mương nước quanh cơ sở sản xuất bong bóng cá tại ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) luôn bốc mùi hôi - Ảnh: N.TÀI

Bức xúc lên đỉnh điểm, cãi cọ, sứt mẻ tình làng nghĩa xóm. Hôi quá, dơ quá, ức lòng quá, đây đó người dân chọn cách "tự xử" như trường hợp một trại gà 1.200 con bị người dân xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh ném chết vì chậm di dời trang trại ra khỏi khu dân cư...

Bức tử sông rạch

Tình trạng ồ ạt đào ao nuôi cá tra, cá lóc ở các huyện biên giới của tỉnh Đồng Tháp đang dần bức tử các dòng sông, con kênh. Nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất, ô nhiễm do phân thuốc bảo vệ thực vật làm nhiều con kênh chuyển màu đen kịt hoặc xanh đậm. 

Tại các vùng nuôi thủy sản, hầu hết người nuôi tận dụng diện tích để nuôi, ít đầu tư ao lắng, dĩ nhiên nước thải trực tiếp xả ra kênh. Trong khi với những vùng chưa có trạm cấp nước sạch, người dân còn chật vật tìm nước sạch sinh hoạt mỗi ngày.

Ai về ngang sông Sa Rài, sông Trung Tâm thuộc huyện Tân Hồng (Đồng Tháp) sẽ tận mắt thấy con nước màu xanh rêu chảy lờ đờ và nực nồng mùi thức ăn cá. 

Ông Phạm Văn Thệ - xã Tân Phước, huyện Tân Hồng - lắc đầu ngao ngán: "Nước này là nước hầm cá chứ không còn nước sông nữa. Mật độ hầm nhiều lắm rồi, từ đây về Tân Hồng nhiều dữ lắm".

Những kênh nội đồng của huyện Hồng Ngự thường xuyên bị nước ao cá lóc xâm chiếm. Anh Nguyễn Văn Có ở xã Tân Phước cho biết 7 công sắn của gia đình đã mất trắng vì nguồn nước dơ này, tổng thiệt hại hơn 50 triệu đồng. 

Điều anh Có mong chờ không phải là ai sẽ bồi thường, mà là việc kiểm soát việc đào ao, xả thải. "Đã báo chính quyền địa phương nhiều lần rồi. Nông dân tụi tui lo lắm, kiểu này sao dám trồng cái gì" - anh Có bức xúc.

Theo tiết lộ của những chủ ao nuôi cá lóc, nước thải bình thường không ô nhiễm bằng nước vệ sinh đáy hầm. Mà trong chu kỳ 4 tháng nuôi, ít nhất phải vệ sinh 3 lần như vậy. 

Dọc con kênh Tứ Thường có hàng trăm hầm cá lớn nhỏ. Nước dơ đến mức các hộ nuôi cá lóc cũng không dám sử dụng nước kênh để bơm vào ao nuôi vì cá sẽ nhiễm bệnh.

Dai dẳng năm này qua tháng nọ

Cùng với các ao nuôi thủy sản, những cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ở miền quê cũng gây phiền hà cho hàng xóm. Mùi hôi, tiếng ồn, bụi, nước thải đang ngày càng bức bối hơn khi dân cư càng đông, cơ sở sản xuất cũng ngày càng nhiều.

Đơn cử như cơ sở sản xuất bong bóng cá ở địa bàn tổ 7, ấp Tân Phú, xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Theo bà con ngụ gần đó, vài năm qua con rạch gần cơ sở này bị bức tử. Cây trái chậm phát triển nếu tưới nhầm nước thải, con người thì ngộp thở với mùi hôi thối. 

Chịu hết nổi, người dân cùng nhau làm đơn thưa ra UBND xã, HĐND huyện. Ông Nguyễn Văn Phước bức xúc: "Lạ kỳ là mỗi lần dân ở đây phản ảnh, cơ sở đột ngột cho công nhân nghỉ là biết ngay ít bữa sẽ có đoàn đến kiểm tra, lấy mẫu nước. Lúc đó nước trong veo, kiểm tra nỗi gì! Bởi vậy, tình trạng xả thải dai dẳng năm này qua tháng nọ".

Ven kênh Cả Mít (thuộc hai xã Tân Hòa và Vĩnh Thới, huyện Lai Vung), nhiều nhà máy xay xát hoạt động ngày đêm, bụi tro trấu cũng mù mịt đêm ngày. 

Người dân đối phó bằng cách đóng cửa, che màn nhưng bụi vẫn bủa vây, có nhà chịu không xiết đã dỡ nhà đi nơi khác. Người già và trẻ nhỏ cũng thường bị bệnh hô hấp và bệnh về da. 

Bà Nguyễn Thị Ruộng, người dân ở đây, bức xúc: "Có khi thấy cơ quan chức năng kiểm tra ngay lúc trời mưa, nhà máy ngừng hoạt động. Kiểm tra như vậy làm sao biết có bụi hay không! Việc này báo Tuổi Trẻ từng phản ánh vào tháng 7-2018, bụi giảm hẳn nhưng đến tháng 5-2019 bụi lại đầy trời...".

Chúng tôi quá khổ rồi!

Đường dây nóng báo Tuổi Trẻ 0918033133 liên tục nhận được thông tin bạn đọc nông thôn bày tỏ bức xúc khi sống chung với các ao, chuồng, trại chăn nuôi cá tôm, heo, trâu, bò, gà, vịt, chim yến và kể cả nuôi sâu bọ...

Tình trạng này diễn ra ở nhiều tỉnh thành: Sóc Trăng, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, cả ngoại thành TP.HCM. Những chuồng trâu bò 50 con, trại heo hàng ngàn con ở giữa khu dân cư.

Những cơ sở giết mổ xả thải ra kênh rạch. Các nhà yến san sát phát loa dụ yến cả ngày lẫn đêm, yến bay đầy trời, phân yến rải khắp nơi từ mái nhà đến sân phơi, hồ nước... hàng trăm nhà xung quanh. Có nhà nuôi sâu bọ (bán cho chim ăn), sâu ăn các loại bã thực vật để lâu, bốc mùi, ruồi nhặng bay đến hoành hành cả xóm.

Hầu hết bạn đọc cho biết trước khi gọi đến báo chí đều đã chịu đựng rất lâu, đã góp ý không được, báo chính quyền cũng không xong, nhất là vụ mùi hôi. Sống khổ vì mùi hôi, nước dơ đã đành, cây trái hoa màu chết vì nguồn nước cũng không biết thưa kiện thế nào.

THỦY TIÊN

Án mạng từ cái chuồng heo

chuong heo

Khu chuồng heo nhà ông Nguyễn Văn Mười, nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng kinh hoàng ở xã Tam Thăng, Tam Kỳ, Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG

Ngày 14-6 tại xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, một nhóm thanh niên cầm dao kiếm xông vào nhà truy sát 3 cha con trong một gia đình. Người cha tử vong, 2 con trai trọng thương. Nguyên nhân được xác định là xích mích với hàng xóm xuất phát từ việc hôi thối, ô nhiễm từ chuồng heo.

Không chịu nổi mùi hôi thối từ chuồng heo nhà ông Nguyễn Văn Mười, anh Phạm Ngọc Cấp nhiều lần đến nhà nhắc nhở hàng xóm khắc phục mùi hôi, nhưng mùi hôi vẫn y vậy. Tối 13-6, anh Cấp có qua gây gổ, ném đá lên mái tôn chuồng heo nhà ông Mười. Ông Mười sau đó có tâm sự với cháu mình về việc này, vậy là cháu ông đã kéo bạn đến nhà truy sát cha con anh Cấp.

Tại buổi tiếp xúc cử tri xã Tam Thăng sáng 17-6 đã bàn đến câu chuyện thời sự án mạng từ cái chuồng heo, xích mích hàng xóm do mùi hôi thối ở đây đã lâu, người dân đã báo chính quyền nhiều lần.

Ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - đã đặt vấn đề: "Vai trò của chính quyền xã, thôn, ban công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể ở đâu trong vụ việc này?

Tại sao khu chuồng heo này gây ô nhiễm môi trường đã lâu mà chính quyền, cơ quan chức năng không can thiệp, vào cuộc giải quyết, hòa giải để dẫn đến xảy ra mâu thuẫn giữa hai gia đình, xảy ra án mạng đau lòng này?".

LÊ TRUNG

Mùi hôi, xử lý cách nào?

Ông Võ Hùng Anh, bí thư Đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã An Nhơn, cho biết cơ sở sản xuất bong bóng cá đã nhiều lần bị người dân phản ảnh. UBND xã cũng cử cán bộ chuyên môn đến kiểm tra, sau đó báo cáo về UBND huyện.

Tuy nhiên, các kết quả kiểm định đều chưa phát hiện vi phạm. "Việc lấy mẫu, kiểm tra không thuộc thẩm quyền của UBND xã. Tuy nhiên, xã sẽ quyết tâm làm triệt để" - ông Hùng Anh hứa.

Riêng tình trạng xả thải của các hộ chăn nuôi thủy sản, Phòng tài nguyên và môi trường huyện Hồng Ngự cho rằng khó xử lý vì hầu hết các ao nuôi diện tích nhỏ lẻ, quản lý, kiểm soát việc xả thải vẫn chủ yếu là vận động, tuyên truyền.

UBND tỉnh Đồng Tháp đã có quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản: "Trường hợp các hoạt động sản xuất, chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, chủ các cơ sở sản xuất, chăn nuôi phải thực hiện biện pháp xử lý, khắc phục triệt để. Nếu không khắc phục được phải ngừng hoạt động sản xuất, chăn nuôi".

Theo Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Tháp, sở thường xuyên tiếp nhận thông tin phản ánh ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi gây ra, chủ yếu là mùi hôi, nước thải...

Dù các địa phương đã tăng cường việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn, tuy nhiên việc kiểm tra, đánh giá và xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đa số hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, vẫn còn một số bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành, nhất là chưa có quy định xử lý về mùi hôi. Công tác quản lý môi trường nông thôn còn tình trạng chồng chéo, trùng lắp, chưa có quy định cụ thể, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và ngành tài nguyên - môi trường.

N.TÀI ghi

Ô nhiễm môi trường nông thôn Ô nhiễm môi trường nông thôn

TT - Ngày 11-8, kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VI tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Phần lớn nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề cử tri bức xúc hiện nay như: giá cả tăng cao, nạn khai thác cát sạn trái phép và ô nhiễm môi trường ở nông thôn.

NGỌC HÓA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên