Đoàn tàu gồm 22 toa chở các container 40 feet chứa các mặt hàng hoa quả, nông sản, hải sản tươi sống.
Việc khai trương hình thức vận tải mới này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản ở phía Nam.
Thêm đường cho nông sản sang Trung Quốc
Đại diện Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay việc tổ chức đoàn tàu container lạnh tại ga Sóng Thần nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển các mặt hàng nông sản, hàng đông lạnh từ các tỉnh phía Nam đi ra phía Bắc để tiêu thụ và xuất khẩu. Đây là bước tạo đà cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần đi các nước trong Tổ chức Đường sắt quốc tế (OSZD) và ngược lại.
Hiện tuyến đường sắt Bắc - Nam đang thi công dự án nâng cấp (gói 7.000 tỉ đồng) nên công ty phấn đấu chạy không quá 72 giờ (3 ngày) từ ga Sóng Thần đi Đồng Đăng, rồi tiếp chuyển đi Trung Quốc. Sau khi thi công xong gói 7.000 tỉ, thời gian chạy tàu sẽ nhanh hơn.
Ông Phan Quốc Anh, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay với lợi thế đúng giờ, ổn định về giá, các đoàn tàu liên vận đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm. Việc có thêm ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ mở thêm một cửa khẩu tại nội địa, giúp các địa phương ở phía Nam có thêm luồng tuyến mới đi quốc tế.
"Việc làm thủ tục tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hiện nay, mỗi ngày ngành đường sắt đang tổ chức chạy bốn đôi tàu vận chuyển hàng hóa đi quốc tế... Tùy vào nhu cầu gửi hàng từ các doanh nghiệp, ngành đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm", ông Quốc Anh nói.
Là đơn vị có hàng hóa trên đoàn tàu liên vận, ông Lâm Nhật Dân, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Hòa, nói với việc xuất khẩu mỗi năm khoảng 50.000 tấn, việc tìm phương thức vận chuyển hàng an toàn, chất lượng và nhanh chóng đến tay người tiêu dùng là vấn đề rất quan trọng.
"Vận chuyển container bằng đường biển, đường bộ như hiện nay đang có một số bất cập như thủ tục khá nhiều, phụ thuộc vào thời tiết dẫn đến chi phí cao... Việc khai trương đoàn tàu container lạnh tại Sóng Thần giúp giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp và tăng tính cạnh tranh giữa các phương thức vận tải", ông Dân cho hay.
Nhiều tiện lợi cho doanh nghiệp
Nhận được thông tin khai trương đoàn tàu container lạnh Sóng Thần - Đồng Đăng, sau đó chuyển tiếp hàng hóa sang Trung Quốc chỉ 72 giờ, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vui mừng và cho rằng thêm đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản.
Theo đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc, bình thường với container 40 feet lạnh, nếu đi tàu thủy thì cước phí chiếm khoảng 10% tổng giá trị sản phẩm, còn đi đường không thì chi phí sẽ tăng gấp hai lần. Đó là chưa kể vận tải đường biển phục vụ xuất khẩu phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài.
"Bây giờ có thêm đường sắt, ra ga Sóng Thần là hàng đi một mạch rất đỡ cho doanh nghiệp. Tôi rất vui. Đây cũng là thêm đòn bẩy cho xuất khẩu nông sản. Mỗi mùa mỗi sản phẩm nông sản xuất khẩu, tùy thuộc giá cả, thị trường tiêu thụ để doanh nghiệp có thể đa dạng lựa chọn hình thức vận chuyển trên sự cân nhắc về hiệu quả, lợi nhuận, độ tươi ngon của hàng hóa, thị trường...", vị này cho hay.
Theo bà Nguyễn Xuân Oanh - một thương lái ở miền Tây và cũng "hùn vốn" với một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu mít, thanh long đi Trung Quốc, việc có tuyến đường sắt Sóng Thần - Đồng Đăng là chi phí vận chuyển sẽ giảm nhẹ, chất lượng trái cây tăng lên.
"Chi phí logistics trong ngành nông sản chiếm đến 20 - 25% giá thành sản phẩm, trong khi các nước như Thái Lan chỉ chiếm khoảng 12% hay thế giới khoảng 14%. Khi có thêm tuyến đường sắt, thêm cơ hội cạnh tranh cho nông sản vì con đường vận chuyển được rút ngắn, tiện lợi hơn trước", bà Oanh nói.
Là doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ông Bùi Chí Tân (công ty xuất khẩu có văn phòng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho rằng hàng hóa có thể vận chuyển từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Lào Cai hoặc Đồng Đăng (Lạng Sơn) mất hơn 70 tiếng. Từ đó có thể vận chuyển đi các ga trong nội địa Trung Quốc mất khoảng 2-3 ngày.
Do nông sản mang tính thời vụ, chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng... nên hoạt động logistics đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Và tuyến đường sắt này đi vào sử dụng rất là phù hợp với quá trình tích hợp, nâng cao hiệu quả xuất khẩu.
Ông Đỗ Hà Nam, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng đây là thời điểm vàng để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, đặc biệt là đi thị trường Trung Quốc.
"Lượng hàng hóa của Việt Nam được Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, thậm chí không chỉ cho thị trường Trung Quốc, chúng ta có thể đưa hàng đi các nước nếu cho kết nối, thông tuyến tốt", ông Nam nhận định.
Tuy vậy, ông Nam cho rằng muốn đẩy mạnh vận tải đường sắt cần phải có giải pháp để đơn giản hóa thủ tục, giảm khâu trung gian không cần thiết... để từ đó rút ngắn thời gian vận chuyển.
Cần chú ý nhiệt độ bảo quản
Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết thanh long từ Long An chuyển đến ga Sóng Thần rồi trung chuyển ở ga Đồng Đăng đi qua Trung Quốc, thời gian 72 tiếng là được rút ngắn. Đây là một sự cải thiện của logistics, hàng hóa Việt Nam sẽ dần cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Có điều, cần chú ý công nghệ bảo quản của các loại trái cây là khác nhau và không đơn giản khi vận chuyển đường sắt. Chẳng hạn, chôm chôm sẽ bảo quản ở 5-6 độ C, nhãn 1 độ C, dừa 2 độ C...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận