24/09/2019 11:14 GMT+7

'“Nóng' phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tạo cơ chế bảo vệ nhà đầu tư

NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH
NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH

TTO - Theo nhiều chuyên gia, chưa nên cấm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần tăng cường tính minh bạch, có quy định về xếp hạng tín nhiệm và kiểm toán định kỳ để bảo vệ người dân.

“Nóng phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Tạo cơ chế bảo vệ nhà đầu tư - Ảnh 1.

Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định - một dự án đang được Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt phát hành trái phiếu riêng lẻ để huy động vốn đầu tư - Ảnh: THÁI THỊNH

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát triển sôi động sẽ góp phần giảm chi phí trung gian, trở thành kênh huy động vốn được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Song ở VN thị trường còn khá sơ khởi, cần thêm bàn tay Nhà nước.

Thị trường sôi động...

Liên tục trong nửa đầu năm 2019, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu ra thị trường để thu hút vốn triển khai các dự án mới như Novaland, Đất Xanh, Phát Đạt, Khang Điền, Hà Đô... Có doanh nghiệp phát hành nhiều đợt trái phiếu với lãi suất 8-14,5%/năm. Theo các chuyên gia, đây là mức lãi suất hấp dẫn so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, cho thấy doanh nghiệp tự tin về khả năng kinh doanh sinh lợi nhuận từ đồng vốn huy động được trong các dự án bất động sản.

Theo báo cáo mới nhất vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, thị trường trái phiếu bằng VND của VN tiếp tục mở rộng trong quý 2-2019, tăng 2,6% so với quý trước, nâng tổng giá trị trái phiếu lên 52,9 tỉ USD.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM cho hay trong bối cảnh các dự án tại TP.HCM thời gian qua bị ngưng trệ do các vấn đề pháp lý, doanh nghiệp không có sản phẩm ra thị trường nên không có nguồn vốn thu về để tái đầu tư. Vốn vay ngân hàng cũng có giới hạn và đang cầm cố bởi các dự án trước đó. Vì vậy, phát hành TPDN là kênh huy động vốn cực kỳ quan trọng. 

"Nếu không, chúng tôi không đủ nguồn lực để triển khai một số dự án ở các tỉnh trong thời gian qua. Bằng kênh huy động này, doanh nghiệp có tiền để triển khai dự án mới, khách hàng có nguồn cung mới để giao dịch, nhà đầu tư hưởng lợi từ lãi suất, tất cả các bên đều được hưởng lợi" - vị giám đốc này nhấn mạnh.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu VN (VBMA), cho biết dù có giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng thị trường TPDN vẫn đang trên đà phát triển. Kênh trái phiếu đang thực hiện tốt vai trò là một công cụ hữu ích huy động vốn trung - dài hạn với lãi suất ổn định. 

Đến nay, tổng mức vốn trên thị trường hiện khoảng 10% GDP, tương đương 20 tỉ USD, trong khi tính đến cuối năm 2017 dư nợ của thị trường TPDN rơi vào khoảng 6,19% GDP. Thị trường TPDN tăng đi cùng với niềm tin của nhà đầu tư vào tương lai của nền kinh tế.

Cần thêm công cụ kiểm soát rủi ro

Theo ghi nhận, rất ít TPDN được ngân hàng bảo lãnh vì điều kiện giống với quy trình cấp tín dụng. Chi phí bảo lãnh của ngân hàng cũng cao, nên các doanh nghiệp không mặn mà với hình thức này.

Cũng như những sản phẩm tài chính khác, thị trường TPDN tiềm ẩn nhiều rủi ro như tổ chức phát hành, tư vấn phát hành đưa thông tin sai lệch, không đầy đủ, doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm... Vì vậy, gần đây Bộ Tài chính có văn bản cảnh báo về tình trạng tăng nóng TPDN, đặc biệt là nhóm bất động sản.

TS Nguyễn Minh Sáng (Đại học Ngân hàng) dẫn báo cáo thị trường trái phiếu tiền tệ của MBS, cho biết thị trường đang nói nhiều về TPDN ngành bất động sản bởi trong 6 tháng đầu năm, nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với trị giá 16.200 tỉ đồng, chiếm 27% trong tổng số lượng TPDN phát hành với lãi suất cao nhất.

Với một thị trường TPDN được xem còn mới, đa số trái phiếu phát hành không được chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo... Do vậy, theo ông Sáng, khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản, nhà đầu tư dễ mất trắng. Trong khi đó, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, bản cáo bạch phát hành trái phiếu quá phức tạp nên nhà đầu tư cũng ngại tìm hiểu.

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea), cùng với lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, vốn từ các ngân hàng sẽ hạn chế hơn. Do đó, doanh nghiệp cần tính đến các phương thức huy động vốn khác như cổ phần hóa, hợp tác đầu tư, phát hành trái phiếu... Thời gian qua, một số doanh nghiệp đẩy mạnh phát hành TPDN là cần thiết để giảm thiểu dựa vào nguồn ngân hàng.

Vấn đề còn lại là phải chuẩn hóa quy trình xếp hạng tín dụng đối với đơn vị phát hành trái phiếu, với dự án mà chủ đầu tư đưa ra để huy động vốn. Phải có các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm với đơn vị phát hành, đơn vị bảo lãnh phát hành trái phiếu, đơn vị bảo lãnh thanh toán khi trái phiếu đáo hạn. Và cần phải có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của đơn vị phát hành trái phiếu. Doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, tránh trường hợp nhiều doanh nghiệp đẩy lãi suất lên cao nhưng thông tin không rõ ràng, gây rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường.

52,9 tỉ USD

Đó là giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ VN tính đến quý 2-2019.(Nguồn: ADB)

Nhà đầu tư cá nhân "nhập cuộc" nhiều hơn

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, cho biết hiện nay nhiều người cảm giác thị trường sôi động nhưng năm ngoái thị trường TPDN mới có bước tăng trưởng ấn tượng, thậm chí vượt cả lượng phát hành trái phiếu chính phủ.

Ông Quỳnh công nhận điểm mới đáng chú ý của thị trường năm nay là TPDN lại nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân, khi có sự so sánh giữa lãi suất tiết kiệm gửi ngân hàng với lãi suất đầu tư TPDN. Do vậy, thị trường có thể nói là sôi động với nhà đầu tư cá nhân, do nhiều người nên thông tin được đề cập nhiều hơn.

Xếp hạng tín nhiệm để phát triển thị trường

Nhiều chuyên gia cho rằng thị trường TPDN chỉ thực sự an toàn nếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực sự minh bạch, được xếp hạng tín nhiệm và được kiểm toán định kỳ.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, đó là một trong những vấn đề mà cơ quan quản lý cần hoàn thiện. Điều này sẽ khiến người dân yên tâm hơn, từ đó thúc đẩy thị trường TPDN phát triển hơn.

Hiện theo thống kê của SSI Retail Research, trong 44 doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản chào bán trái phiếu với 139 đợt, 47.800 tỉ trái phiếu bất động sản thì chỉ có 36.146 tỉ trái phiếu được phát hành, tương đương tỉ lệ 77,3% - mức thấp nhất trong các nhóm. Lãi suất bình quân của trái phiếu nhóm này là 10%/năm.

Chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam bị kiện... ngày càng nhiều Chính sách thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam bị kiện... ngày càng nhiều

TTO - Do có chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam hiện đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp để dịch chuyển sản xuất khi bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại ở nước sở tại, đưa nguy cơ bị kiện ngày càng cao.

NHƯ BÌNH - TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên