09/03/2007 02:08 GMT+7

Nông dân xây bệnh viện

QUANG VINH
QUANG VINH

TT - Nông dân đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng Bệnh viện đa khoa Phú Tân (tỉnh An Giang) với 200 giường. Ngay lúc đầu chuẩn bị xây dựng, không ít người nghi ngờ khả năng của bà con nông dân. Thế nhưng...

yLjHZ62P.jpgPhóng to

Mặt tiền khu trung tâm Bệnh viện Phú Tân

TT - Nông dân đã đóng góp công sức, tiền của xây dựng Bệnh viện đa khoa Phú Tân (tỉnh An Giang) với 200 giường. Ngay lúc đầu chuẩn bị xây dựng, không ít người nghi ngờ khả năng của bà con nông dân. Thế nhưng...

Vạn sự khởi đầu nan

Bác sĩ Ngô Minh Châu, nguyên giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Tân, nhớ lại: “ Những năm 1979-1980, dịch sốt xuất huyết bùng phát dữ dội, bệnh viện cũ qui mô nhỏ chỉ bằng một trạm xá với 20 giường. Lúc nào cũng quá tải, nắng nóng, mưa dột, rồi sạt lở triền miên làm bà con khổ sở. Bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang”. Đảng ủy và ủy ban huyện họp nhiều lần để bàn cách tháo gỡ khó khăn, quyết xây dựng một bệnh viện to đẹp hơn. Nhưng đất, vốn, thầy thợ nhân công ở đâu ra? Liệu vận động xây dựng trong thời buổi khó khăn có hợp lòng dân?...

Tại buổi họp “Diên Hồng” với đông đảo bà con và các trưởng lão đến từ chín xã, thị trấn trong huyện, bà con đã thống nhất với chủ trương xây dựng “công trình bệnh viện cho dân”. Ông Năm Thép, thành viên ban điều hành xây dựng công trình bệnh viện, nay đã 71 tuổi, nhà ở xã Phú Lộc, huyện Phú Tân, kể lại: “Lúc đó khi nghe bí thư huyện ủy nói xây bệnh viện lớn để chữa bệnh cho dân, tụi tôi mừng lắm vì không còn phải lụy đò qua sông đi Long Xuyên hay lên Sài Gòn vất vả”.

Sau hai ngày, vấn đề di dời giải tỏa để có 4,8ha đất trống xây dựng bệnh viện được hoàn tất! Còn kinh phí xây dựng? Ông Lý Văn Dắc - phó ban kiến thiết công trình - đặt thẳng vấn đề với lãnh đạo huyện: “Nếu ủy ban chấp thuận cho xây dựng sớm thì kinh phí ban đầu sẽ do ban vận động lo từ nguồn “của ít lòng nhiều”. Bà con sẽ đảm nhiệm luôn phần thi công theo thiết kế đảm bảo chất lượng”. Được nhân dân đồng tình ủng hộ, ban thường trực huyện ủy đã bố trí các cán bộ nòng cốt cùng với dân bàn thảo kế hoạch chuẩn bị vật tư.

Vạn sự khởi đầu nan, công trình bắt đầu “chạy”.

Năm năm “cơm nhà áo vợ”

wCkNj5t5.jpgPhóng to
Ông Phạm Thiện Tâm (Năm Hét) - một lão nông đã tham gia ban điều hành xây dựng Bệnh viện đa khoa Phú Tân
Ngày khởi công xây dựng bệnh viện (28-11-1980), không có nhiều cờ hoa biểu ngữ hô hào. Trên 500 người dân từ các nơi đổ về, nét mặt phấn khởi. Có người còn mang theo nồi niêu, bay cuốc để sớm bắt tay vào việc. Kể từ đó nhiều nông dân trở thành công nhân xây dựng. Sớm đi tối về, có người giam mình đằng đẵng tại công trình, có người không nhận bất kỳ khoản tiền hay trợ cấp nào.

Chú Chín Dắc, Năm Hét, Tư Xừ... - những lão nông bình dị tham gia điều hành xây dựng công trình; nhiều lão nông nhường cả phần tiền lương, khẩu phần ăn của mình cho anh em khác. 40 thợ mộc, thợ xây có kinh nghiệm đã tình nguyện ở lại vừa tham gia thi công vừa dạy nghề cho hàng trăm nông dân. Không thể kể xiết có bao nhiêu nông dân “cơm nhà áo vợ” đi xây bệnh viện.

Đóng góp chung sức cho công trình còn có hàng trăm chị em nông dân từ vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, Thốt Nốt... Các mẹ các chị luôn phiên chia ca, kíp tham gia 10 tổ nấu ăn. Sớm tối chị Tư Lường, chị Nguyễn Dung, thím Hai Hậu... đảm nhiệm tổ bếp lo cấp dưỡng phục vụ mỗi ngày 100-400 lao động. Rất nhiều gạo, mắm, rau củ do bà con tiểu thương các nơi từ chợ Đình, chợ Mỹ Lương liên tục gửi đến. Có ngày bà con đem vào kho 300 - 400 giạ lúa. Nhiều chủ ghe chở lúa xay chuốt thành gạo hẳn hoi, khi giao cho ban vận động chủ ghe không cần ghi tên để báo công.

Số người đến với công trình ngày càng đông, có ngày lên tới 700 người.

Một muỗng ximăng cũng không để thất thoát

EAmkM4bX.jpgPhóng to
Những người đã góp tay xây dựng Bệnh viện Phú Tân - Ảnh tư liệu
Lúc công trình đang vào cao điểm, bí thư huyện ủy Võ Văn Nô lo ngại thất thoát tài sản nên nói với ban điều hành: “Nếu cần huyện sẽ tăng cường một trung đội quân sự để tiếp bà con bảo vệ công trình”. Lão nông Chín Dắc trả lời: “Không cần đâu. Anh em tự lập đội bảo vệ, mỗi dân công là một chiến sĩ tự quản, mọi người đều coi công trình là tài sản của gia đình mình. Một muỗng ximăng cũng không để thất thoát!”.

Và rồi trong suốt năm năm xây dựng, dù trên công trường không có lưới, hàng rào bảo vệ nhưng không xảy ra bất kỳ một sự cố mất mát hao hụt hay tiêu cực nào!

Ông Bảy Cường - Nguyễn Văn Cường, nguyên chủ tịch UBND huyện Phú Tân, trưởng ban xây dựng bệnh viện, và nhiều nông dân vẫn còn nhớ tình huống cảm động khó quên trên công trường. Khi vừa “bắn” xong hàng cột móng khoa nhi bệnh viện thì có một kiến trúc sư đến giám sát kiểm tra. Chẳng hiểu căn cứ vào đâu mà kiến trúc sư này cho rằng “các bác nông dân đã thi công sai lệch so với bản vẽ, phải đập bỏ hàng cột”. Nghe vậy, các bác đốc công Chín Dắc, Văn Hùng, Năm Hét, Hai Kiết lo vã mồ hôi hột. Mọi người nhìn nhau hoài nghi, có người tự trách: “Nếu sai thì tiền của Nhà nước, công sức của bà con phải đập bỏ sao?”.

Chín Dắc sụt sùi nói : “Tụi tôi làm kỹ, có kiểm tra giám sát từng phần, sai là có lỗi với bà con rồi!” . Tin buồn lan nhanh, cả công trường như nín thở chờ đợi. Đến lúc đơn vị giám sát giở bản vẽ ra rà soát lại thì thấy tất cả đều trùng khớp, hợp lý! Thì ra vị kiến trúc sư có sự nhầm lẫn khi kiểm tra! Sau lời xin lỗi nhẹ nhàng của đơn vị giám sát, mọi người thở phào mừng vui. Tiếng “dô ta” dộng cừ lại rền vang...

“Mấy ông trên bộ đâu có biết các bác nông dân từng tham gia nhiều công trình xây dựng phúc lợi lớn nhỏ, trong đó có công trình đã qua hàng chục năm đến nay vẫn còn bền chắc. Làm từ thiện đâu chỉ có lòng nhiệt tình mà cần phải có kiến thức, kinh nghiệm. Đó cũng là cách tránh thất thoát lãng phí cho công trình” - ông Năm Hét nói chắc nịch.

...Ngày 19-5-1985, sau năm năm xây dựng, Bệnh viện đa khoa Phú Tân được tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay vẫn chưa có một vết rạn nứt nào. Nhiều nông dân tham gia xây dựng công trình sau này đã trở thành những người thợ xây, kỹ sư xây dựng giỏi tiếp tục tham gia xây dựng các công trình trường học, bệnh viện khác.

Bệnh viện có diện tích 4,8ha, trong đó diện tích xây dựng 7.242m2, tổng kinh phí đầu tư xây dựng do Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp 32.544.797 đồng, trong đó nhân dân góp 1.037.647 đồng (thời giá những năm 1980). Bệnh viện có qui mô 200 giường. Trong quá trình xây dựng nhân dân đóng góp 7.300 tấn lúa, 7.600 tấn gạo, 46,5 tấn thực phẩm...

Bác sĩ Trần Phụng Hiếu, giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Tân, xúc động nói: “Chúng tôi - những người thầy thuốc - không bao giờ quên rằng bệnh viện này là bệnh viện của nhân dân”.

QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên