Nông dân là cổ đông của doanh nghiệp
Phóng to |
Vùng nguyên liệu của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang tại Vĩnh Bình, Châu Thành (An Giang) - Ảnh Đ.Vịnh |
Ông Huỳnh Văn Thòn - Ảnh: Đ.Vịnh |
- Qua nhiều năm thực hiện chương trình cùng nông dân ra đồng hướng dẫn kỹ thuật canh tác, phòng trị bệnh cây trồng cho bà con, chúng tôi biết nông dân thường khó tiêu thụ sản phẩm. Họ làm ra hạt lúa mà không quyết định được bán ở đâu, cho ai, giá thấp thua lỗ cũng phải bán, bị ép giá. Từ năm 2010, công ty thực hiện chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo bền vững theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn” qua việc xây dựng vùng nguyên liệu, ký hợp đồng bao tiêu. Đồng thời xây dựng năm cụm chế biến lúa gạo tại An Giang, Long An, Đồng Tháp, Bạc Liêu để cung ứng cho xuất khẩu và đã đạt giá trị lợi nhuận cao.
Từ những thành công này, chúng tôi thấy cần phải gắn bó với nông dân hơn nữa. Và tại đại hội đồng cổ đông thường niên, công ty đã quyết định: hơn 6.000 nông dân đang tham gia chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của AGPPS sẽ được mua cổ phiếu với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 50% giá thị trường của cổ phiếu AGPPS hiện nay.
* Nhưng nông dân ít vốn, liệu họ có đóng góp gì nhiều cho công ty?
- Nông dân là thành phần chính tham gia trong chuỗi sản xuất, quyết định đến chất lượng sản phẩm lúa gạo nên có vai trò rất quan trọng, là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của công ty. Khi giữa doanh nghiệp với nông dân xây dựng được mối quan hệ hữu cơ gắn kết trách nhiệm cùng nhau, chia sẻ lợi ích hài hòa và có tình cảm khắng khít thì đấy là chỗ dựa vững chắc cho nhau.
* Nông dân sẽ được lợi gì khi chính thức trở thành cổ đông của công ty, thưa ông?
- Trước hết, khi mua cổ phiếu bà con sẽ “hùn vốn” với công ty để cùng sản xuất kinh doanh, được hưởng lợi nhiều hơn từ chuỗi giá trị mà công ty đang thực hiện.
Mặt khác, khi nông dân là cổ đông thì sẽ gắn kết quyền lợi và trách nhiệm với công ty, họ sẽ có trách nhiệm và nỗ lực hơn trong quá trình canh tác, việc triển khai kế hoạch sản xuất luôn có sự đồng bộ, thuận lợi. Đây là điều kiện tốt để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được mọi yêu cầu khắt khe của thị trường, làm tăng giá trị hạt lúa của ĐBSCL. Ngoài đạt hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh thì đây cũng là thuận lợi để tiến tới xây dựng thương hiệu cho hạt gạo VN. Hi vọng đây là cách làm mới để tái cơ cấu nông nghiệp.
* Nhưng nhiều nông dân lại thiếu vốn, có gì bảo đảm cho họ giữ được cổ phiếu lâu dài?
- Thủ tục mua đơn giản, lực lượng kỹ sư cùng nông dân ra đồng của công ty trực tiếp xuống tận nơi tư vấn, hướng dẫn, giúp làm thủ tục. Sau khi triển khai sẽ sơ kết, nếu có vướng mắc sẽ họp bàn tháo gỡ, đưa ra phương án tháo gỡ cụ thể.
Trong thời gian chưa thu hoạch lúa chưa đủ tiền mua thì chúng tôi đang kiến nghị ngân hàng cho bà con vay ưu đãi, nông dân cũng có thể mua... bằng lúa. Chúng tôi đã có cách hạn chế việc sang bán cổ phiếu, nhưng hi vọng nông dân sẽ gắn bó với công ty.
* Bà Lê Thị Hoa (nông dân ở Tân Hưng, Thốt Nốt, Cần Thơ): Băn khoăn về giá cổ phiếu Được công ty cho mua cổ phiếu ưu đãi gia đình tôi mừng nhưng không khỏi phân vân. Thứ nhất là thị trường chứng khoán hiện đang ảm đạm. Với mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với 50% giá thị trường của cổ phiếu AGPPS hiện nay thì thật sự có rẻ không. Nói là cổ tức của AGPPS trong những năm gần đây đều ở mức 30%/năm, nếu so sánh với gửi tiền ngân hàng thì việc mua cổ phiếu này có lợi hơn không? Xem ra những nông dân thiếu vốn phải vay ngân hàng để mua nếu tính kỹ lại thì khoản lợi hơn chẳng là bao. Thứ hai là hiện cổ phiếu của công ty chưa lên sàn chính thức, tới đây nếu lên sàn chính thức thì liệu giá cổ phiếu có bị giảm giá như bao cổ phiếu khác hay không? |
* Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang): Bước tập dượt cho nông dân tham gia vào công ty Việc AGPPS bán cổ phần là chuẩn bị cho hợp tác lâu dài giữa doanh nghiệp và nông dân trong tương lai hơn là ý nghĩa kinh tế thật sự cho nông dân. Bởi theo cách bán cổ phiếu của AGPPS đưa ra thì mỗi nông dân chỉ được mua trên dưới 10 triệu đồng cổ phiếu. Hơn nữa, nông dân phải mua với giá cao hơn gấp 3 lần mệnh giá (30.000 đồng/cổ phiếu so với mệnh giá là 10.000 đồng/cổ phiếu). Cho nên, với cổ tức năm 2012 của AGPPS chia cho cổ đông là 30% thì với mức giá mua vào của nông dân hiện nay họ chỉ được hưởng lợi nhuận 10%. Nếu so với tiền gửi tiết kiệm ngân hàng thì mua cổ phiếu cao hơn khoảng 2%/năm, không có ý nghĩa lớn. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả của việc làm này của AGPPS còn cần phải chờ đợi. Tuy nhiên, đây là bước tập dượt cho nông dân tham gia sâu hơn vào công ty khi theo kế hoạch khoảng 1-2 năm nữa, AGPPS sẽ bán cổ phần các nhà máy của họ cho rộng rãi nông dân. Trần Mạnh |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận