26/11/2013 01:26 GMT+7

Nông dân khó tiếp cận vốn vay

V.TR. - THÚY HẰNG
V.TR. - THÚY HẰNG

TT - Chiều 25-11, tại hội thảo về tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ở Vĩnh Long, nhiều chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp khu vực này bị thiệt thòi do không được đáp ứng đầy đủ về vốn.

wXSsPbpn.jpgPhóng to
Nông dân ĐBSCL vẫn khó tiếp cận được vốn vay. Trong ảnh: nông dân huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thu hoạch khóm - Ảnh: Thúy Hằng

Dẫn số liệu khảo sát về nhu cầu vốn và khả năng đáp ứng tín dụng tại khu vực này, ông Võ Hùng Dũng (giám đốc VCCI Cần Thơ) khẳng định doanh nghiệp tại khu vực rất khó tiếp cận được vốn vay. Chẳng hạn, tỉ lệ đáp ứng vốn cho hợp tác xã chỉ đạt 3,7% so với nhu cầu lên tới 81%, trang trại được đáp ứng 31% so với nhu cầu là 97%, doanh nghiệp vừa và nhỏ là 13% so với 74%... Tính bình quân trên đầu người, ĐBSCL có dư nợ rất thấp, chỉ bằng 50% cả nước.

Cũng trong ngày 25-11, tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) ở Vĩnh Long, lãnh đạo 11 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL trao giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án lớn đã hoàn tất thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư 7.500 tỉ đồng và 104 triệu USD. Ngoài ra, bốn tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Vĩnh Long cũng trao chủ trương đầu tư cho bốn dự án với tổng vốn 1.238 tỉ đồng.

Bà Lê Mỹ Linh, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang, thừa nhận vốn chưa tới được số đông người dân và doanh nghiệp có nguyên nhân từ phía các tổ chức tín dụng. Mặc dù phần lớn người dân ĐBSCL sống dựa vào nông nghiệp và kinh tế hộ gia đình nhưng các tổ chức tín dụng không mặn mà với đối tượng này. Lý do là các khoản cho vay nông nghiệp, kinh tế hộ thường nhỏ lẻ, tốn nhiều công sức và chi phí thẩm định. Chưa kể số lượng khách hàng lớn, khó quản lý, đặc biệt là rất khó thu hồi vốn do rủi ro trong sản xuất cao.

Các ngân hàng cũng đòi hỏi thủ tục hành chính rườm rà, quy định cho vay có một số điểm chưa hợp lý. Nguồn vốn huy động từ nông dân không lớn nên các tổ chức tín dụng cũng ít quan tâm đến đối tượng khách hàng này. Ngoài ra một số cơ chế chính sách về tín dụng hiện nay cũng không ổn.

“Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập quỹ bảo lãnh ở các địa phương như là một kênh vay vốn quan trọng giúp doanh nghiệp vượt khó. Nhưng theo quy định, muốn được bảo lãnh thì doanh nghiệp phải thế chấp tài sản. Trong khi đó nếu doanh nghiệp có tài sản thế chấp thì họ sẽ trực tiếp giao dịch với ngân hàng chứ không cần quỹ bảo lãnh” - bà Linh dẫn chứng.

V.TR. - THÚY HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên