20/09/2024 14:35 GMT+7

Nông dân, doanh nghiệp hào hứng trước cơ hội đưa chanh leo vào Mỹ

Việt Nam và Mỹ đang xem xét mở cửa thị trường cho nhiều loại trái cây mới bao gồm chanh leo, doanh nghiệp và nông dân trong nước tỏ ra phấn khởi.

Nông dân, doanh nghiệp hào hứng trước cơ hội đưa chanh leo vào Mỹ - Ảnh 1.

Nông dân Hợp tác xã Xuân An, Gia Lai, bên vườn trồng giống chanh leo Đài Nông 1 Đức Điền - Ảnh: TRẦN HẰNG

Trước đó, trong chuyến làm việc tại Mỹ cuối tháng 8-2024 của đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hai nước thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Cơ hội từ xuất khẩu chanh leo tươi

Trong bối cảnh giá chanh leo lên xuống thất thường, diện tích trồi sụt không ổn định, việc thâm nhập vào thị trường Mỹ kỳ vọng có thể kích thích lại mặt hàng chanh leo.

Tỉnh Gia Lai là vùng có diện tích trồng chanh leo lớn nhất nước với gần 5.500ha. Nhưng trong niên vụ 2024, diện tích giảm mạnh so với năm trước do giá chanh leo giảm sâu.

Bà Võ Thị Sâm, nông dân huyện Ia Grai (Gia Lai), cho hay vụ chanh năm nay gia đình bà chỉ trồng 300 gốc, giảm một nửa so với năm trước.

Những nông dân trong khu vực cũng có xu hướng giảm diện tích, chuyển sang trồng cà phê. Hơn 5 năm theo trái chanh leo, bà Sâm cho hay giá thị trường loại trái cây này quá thất thường.

Giá chanh leo có thời điểm lên tới 40.000 đồng/kg, nhưng cũng có lúc rớt xuống 3.000 đồng/kg. Vụ vừa qua, giá chanh leo ở mức thấp 7.000 - 8.000 đồng/kg khiến nông dân bỏ vườn hàng loạt.

Theo bà Sâm, để kích thích người trồng quay lại với chanh leo, giá đầu ra phải duy trì ổn định ở mức từ 13.000 - 15.000 đồng/kg. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải có cam kết, có hợp đồng bao tiêu đầu ra cho người dân.

Chia sẻ về triển vọng đưa chanh leo vào Mỹ, bà Võ Trần Bích Hạnh - giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp SeSan Gia Lai - nhận định nông dân sẽ có lợi lớn nếu xuất khẩu được chanh leo tươi.

Là doanh nghiệp cung cấp giống và chế biến các sản phẩm chanh leo xuất khẩu, bà Hạnh cho biết hiện thị trường chính của trái chanh leo là Trung Quốc, nhưng chủ yếu họ nhập dịch chanh leo đã qua chế biến, ít nhập quả tươi.

Niên vụ vừa qua nông dân giảm diện tích dẫn tới giá quả tươi đủ tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu tăng cao, đạt 50.000 - 65.000 đồng/kg.

Theo bà Hạnh, hiện nguồn cung không đủ cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu vì diện tích trồng giảm mạnh so với năm 2023, các nhà máy đang lo thiếu nguyên liệu.

"Khi Mỹ mở cửa thị trường, dự báo giá chanh leo vọt lên sẽ kích thích người trồng quay lại. Nhưng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ hay châu Âu, bà con phải trồng đúng kỹ thuật, lựa chọn nguồn cây giống chất lượng, có khả năng kháng sâu bệnh từ các thương hiệu uy tín" - doanh nghiệp này chia sẻ.

Làm gì để có thể 'thắng lớn' với chanh leo?

Tại Việt Nam, Quicornac là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu chanh leo với một nhà máy công suất 400 tấn/ngày đêm tại Gia Lai.

Ông Lưu Quốc Thạnh - giám đốc Công ty TNHH Quicornac Việt Nam - cho biết giống chanh tím đang được người tiêu dùng thế giới ngày càng ưa chuộng bởi độ chua và vị ngọt đặc biệt. Sản phẩm này được các thị trường lớn như châu Âu, Trung Quốc rất quan tâm.

Nông dân, doanh nghiệp hào hứng trước cơ hội đưa chanh leo vào Mỹ - Ảnh 3.

Trái chanh leo được trồng tập trung với diện tích lớn tại nhiều huyện của tỉnh Gia Lai - Ảnh: TẤN LỰC

Hiện Quicornac đã xuất khẩu chanh leo tới 50 thị trường từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Mỹ.

Quan sát thị trường, ông Thạnh nhìn nhận nhu cầu chanh leo giai đoạn 2024 - 2025 đang tăng cao, nếu nông dân tập trung đầu tư từ bây giờ có thể thắng lớn. Hiện các doanh nghiệp chế biến đã ghi nhận tình trạng thiếu hụt nguồn cung, một phần là do thời điểm năm 2023 giá chanh leo xuống thấp, người dân chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng.

"Có thời điểm nông dân trồng ồ ạt, xuống giống đồng loạt nên năng lực chế biến không đáp ứng nổi khi vào vụ chín rộ, dẫn tới mất giá. Nhưng lâu dài, khi xuất khẩu được trái chanh leo tươi sẽ mở ra cơ hội lớn cho người nông dân. Chúng tôi khuyến cáo bà con nên trồng rải vụ, thu hoạch đều quanh năm sẽ bán được giá cao" - ông Thạnh nói.

Trồng chanh leo theo nhu cầu thị trường, có hợp đồng đặt trước

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, ước tính diện tích chanh leo tỉnh này gần 5.500ha, sản lượng đạt khoảng 172.000 tấn. Ngành nông nghiệp định hướng đến năm 2030 vùng trồng chanh dây mở rộng tới 30.000ha, trở thành cây ăn trái chủ lực của tỉnh.

Để phát triển bền vững, cơ quan này khuyến cáo người dân, doanh nghiệp phát triển vùng trồng theo nhu cầu thị trường, thông qua hợp đồng đặt trước. Xây dựng và hoàn thiện hồ sơ vùng trồng, đảm bảo các hàng rào kỹ thuật theo yêu cầu của thị trường nước nhập khẩu.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, xử lý, đóng gói, bảo quản tại các vùng trồng để đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường; đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.

Nông dân, doanh nghiệp hào hứng trước cơ hội đưa chanh leo vào Mỹ - Ảnh 4.Mỹ sắp mở cửa cho chanh leo Việt Nam

Việt Nam và Mỹ thống nhất kết thúc thảo luận kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý, cho phép nhập khẩu chanh leo của Việt Nam vào thị trường nước này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên