05/05/2012 05:33 GMT+7

Nông dân chê... bảo hiểm nông nghiệp

THANH TÚ - NGỌC HẬU
THANH TÚ - NGỌC HẬU

TT - Sau một thời gian tham gia, người làm lúa và nuôi trồng thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long cho biết không mặn mà với loại hình bảo hiểm nông nghiệp.

p3suSW2n.jpgPhóng to
Thường xuyên bị thiệt hại do thiên tai, nhưng nhiều nông dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp - Ảnh: văn đát

Ngay cả những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ 60-100% phí bảo hiểm cũng... chê bảo hiểm nông nghiệp do các quy định rất xa thực tế, cho dù bị thiệt hại nặng cũng rất khó được bồi thường.

Quy định... trên trời

Ông Lê Văn Trị ở ấp 4, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) kể vụ đông xuân vừa qua 1,5ha lúa của ông trúng lớn, chỉ chờ ngày gặt. Bất ngờ cơn mưa trái mùa ập xuống, lúa nằm bẹp dưới nước. Do máy gặt không thu hoạch được nên ông phải thuê nhân công cắt lúa, vừa tăng chi phí gấp đôi mà lúa còn bị rụng, thất thoát khoảng 20%.

“Tui định liên hệ với huyện để hướng dẫn yêu cầu bồi thường do năng suất giảm thì có người bảo đừng đòi mất công vì không được bồi thường đâu. Hỏi kỹ thấy quy định năng suất giảm trên 75% mà UBND tỉnh công bố thiên tai mới được bồi thường. Vậy là tham gia bảo hiểm cũng như không” - ông Trị nói.

Nhiều nông dân khác ở huyện Tháp Mười cũng cho biết đợt mưa trái mùa cuối vụ đông xuân làm lúa của họ cũng bị ngã, năng suất giảm 15-20% nhưng phải chấp nhận vì không “lọt khung” bồi thường của bảo hiểm. Ngay cả vụ hè thu này hết nắng hạn tới mưa dầm, năng suất và chất lượng lúa chắc chắn sẽ giảm. Thế nhưng vụ hè thu năm nào cũng ngay mùa mưa, không gọi là thiên tai được.

Bà Nguyễn Thị Thúy, phó Phòng NN&PTNT huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết nhiều năm qua nông dân sản xuất lúa liên tục tăng năng suất, không có dịch hại đến mức năng suất giảm trên 75%. Quy định 20% diện tích trong vùng cũng là khái niệm chung chung, không rõ vùng đó có bao nhiêu hecta.

Theo ông Lê Thanh Phú, chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), với các điều kiện khá ngặt nghèo như quy định, hầu như không nông dân nào được bồi thường bảo hiểm dù có tham gia. Do đó, việc vận động nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp đã khó càng thêm khó.

Tương tự là lĩnh vực thủy sản. Theo ông Nguyễn Văn Khởi, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, để được bảo hiểm bồi thường thì người nuôi tôm phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất của ngành nông nghiệp từ khâu cải tạo ao đầm, chọn con giống đến thả nuôi, đặc biệt là phải tuân thủ tuyệt đối lịch thời vụ. Nếu vi phạm sẽ bị từ chối chi trả bồi thường khi rủi ro, mà điều này thì quá khó với nông dân.

Một lãnh đạo Sở NN & PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết hầu hết các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đều không được mua bảo hiểm nông nghiệp, do không đáp ứng các điều kiện như vùng nuôi phải tập trung từ 5ha trở lên, ao nuôi có độ sâu 3m trở lên... Theo vị này, người nuôi thường chỉ đào ao có độ sâu 2,5-3m, vùng nuôi cá vào khoảng 1ha, không thể lên đến con số 5ha như quy định.

Nông dân mù mờ thông tin

Anh Nguyễn Văn Nhiều ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) là hộ thuộc diện nghèo có bốn công đất trồng lúa, được Nhà nước hỗ trợ 80% và một doanh nghiệp hỗ trợ 20% chi phí mua bảo hiểm nông nghiệp. Anh Nhiều đã được UBND xã thông báo được tham gia bảo hiểm lúa vụ hè thu và được hỗ trợ 100% chi phí. Thế nhưng hơn một tháng qua anh không thấy ai bảo ký hợp đồng, chẳng biết quyền lợi, nghĩa vụ ra sao.

Còn ông Trần Văn Tuấn cũng ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười tham gia bảo hiểm 5ha lúa vụ hè thu này theo hình thức tự nguyện. Thế nhưng hiện ông rất băn khoăn khi nghe nói các quy định được bồi thường không thực tế. Ông nói: “Vụ hè thu khó làm nhưng chưa bao giờ có chuyện năng suất dưới 75% năng suất bình quân ba vụ gần nhất như quy định. Mua bảo hiểm mà biết khả năng được bồi thường hầu như không có thì chả có lợi gì để mua”.

Cũng vì quy định bảo hiểm quá xa thực tế nên đến thời điểm này tỉnh Đồng Tháp mới có 2.570 hộ tham gia với 1.138ha (đạt 33,3% kế hoạch). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, kế hoạch bảo hiểm 10.000ha lúa trong năm 2013 sẽ khó thực hiện nếu không sửa đổi các quy định hiện hành.

Tỉnh Đồng Tháp vừa có buổi làm việc với Bộ Tài chính về bảo hiểm nông nghiệp. Tỉnh đã kiến nghị sửa đổi quy định đối với cây lúa. Cụ thể là đề nghị bảo hiểm sẽ bồi thường sụt giảm năng suất lúa khi diện tích tổn thất vượt 5ha/xã/vụ; năng suất sụt giảm còn thấp hơn 90% so với trung bình ba năm. Ngoài ra, việc công bố dịch hại, thiên tai thay vì UBND tỉnh thì giao cho cấp xã.

Đối với con tôm, nhiều địa phương kiến nghị cần điều chỉnh diện tích thả nuôi theo hướng diện tích tham gia không quá cao như hiện nay. Việc công bố dịch trên tôm cũng nên giao cho cấp xã thì phù hợp hơn là cấp tỉnh, vì tỉnh chỉ công bố dịch khi mức độ cực kỳ nghiêm trọng, phạm vi rộng lớn.

Quá nhiều tiêu chí bất khả thi

Theo quy định tại thông tư hướng dẫn thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản của Bộ NN & PTNT (29-6-2011), điều kiện để được bồi thường BHNN do ảnh hưởng của các loại thiên tai và dịch bệnh là chủ tịch UBND tỉnh phải ra quyết định công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh tại địa phương. Ngoài ra, mức độ thiệt hại để được bồi thường là năng suất vùng lúa phải thấp hơn... 75% năng suất bình quân vụ sản xuất trong ba năm gần nhất, chăn nuôi thiệt hại ở mức 20% và thủy sản nuôi ở mức 30%. Mức độ thiệt hại làm căn cứ để giải quyết bồi thường phải được chủ tịch UBND cấp tỉnh xác nhận! Cũng theo quy định tại thông tư này, quy mô của vùng chuyên sản xuất lúa nước, vùng nuôi cá tra thâm canh, vùng nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng thâm canh... phải có diện tích tối thiểu 5ha trở lên, chưa kể phải đảm bảo các điều kiện về giao thông, thủy lợi...

THANH TÚ - NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên