Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Khá, ở xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre, có trên 200 cây dừa, ông dự kiến chặt bỏ 70% số này - Ảnh: Hiền Trần |
Trong khi hàng trăm ngàn hộ trồng dừa ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang rơi vào cảnh túng quẫn thì các cơ quan chức năng cũng bế tắc trong việc tìm giải pháp cứu cây dừa và người trồng dừa.
Chặt dừa không xuể
Ngày 7-6, khi chúng tôi đến xã Nhơn Thạnh, TP Bến Tre (Bến Tre) thì nghe nhiều người bảo đang kêu thợ đốn dừa. Bà Đào Thị Xiêm ở ấp 3 cho biết có 7.000m2 đất trồng hơn 200 cây dừa, nhưng do giá quá thấp nên bà quyết định đốn bỏ 70% diện tích để trồng bưởi da xanh. “Trồng dừa 20-30 năm nay cực khổ biết bao nhiêu, đốn bỏ tiếc lắm nhưng sống không nổi thì phải tính trồng cây khác” - bà Xiêm cho hay.
Tại xã Phong Mỹ, huyện Giồng Trôm, nhiều người dân cũng bắt đầu đốn hạ vườn dừa. Anh Trần Văn Tiển (làm nghề đốn cây) nói chưa bao giờ anh phải vất vả như hiện nay do nhiều người thuê đốn dừa. Mỗi ngày anh căng sức cũng chỉ đốn được 20-30 cây dừa trong khi số hộ có nhu cầu đốn dừa cứ dài thêm trong sổ tay của anh. Tính ra thời gian gần đây anh Tiển đã đốn cả ngàn cây dừa của 200 hộ dân. “Đốn ở huyện Giồng Trôm không xuể mà người dân ở huyện Bình Đại, TP Bến Tre cũng gọi nên tôi từ chối” - anh Tiển nói.
Đến các vựa thu mua dừa ở Bến Tre lúc này ai cũng hiểu được nghề trồng dừa đang bi đát đến mức nào. Dừa ở đây chất cao như núi và phần lớn đã lên mộng. Vựa dừa của chị Võ Thị Lan ở xã Tân Thành, huyện Giồng Trôm đang tồn đọng tới 700.000 trái dừa khô vì không bán được suốt ba tháng qua. Chị Lan cho biết hơn 70% trong số này đã lên mộng, nhiều trái đã có cây con xanh lá. “Tôi còn gửi 300.000 trái dừa ở nhà dân. Số dừa đó tôi đặt tiền cọc 30% với giá 35.000-40.000 đồng/chục nhưng bây giờ phải bỏ luôn vì hiện tại dừa chỉ có 12.000-15.000 đồng/chục” - chị Lan nói.
Hoạt động cầm chừng
Theo Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giá dừa hiện nay đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Với giá này đời sống người trồng dừa đang rất khó khăn. Điều đáng ngại là hiện nay ở một số nơi thương lái không mua dừa trong dân nữa vì lượng dừa tồn đọng rất lớn.
Vẫn theo Sở Công thương, nguyên nhân xảy ra tình trạng dừa không tiêu thụ được là do nguồn cung lớn nhưng sức mua các sản phẩm từ dừa trên thế giới giảm. Cụ thể năm 2012 sản lượng dừa trái của các nước tăng 20%, riêng tỉnh Bến Tre sản lượng dừa tăng 10-40%. Trong khi đó thị trường và giá bán các sản phẩm chế biến từ dừa giảm mạnh, chẳng hạn giá cơm dừa nạo sấy xuất khẩu giảm 56%, từ 2.730USD/tấn hồi tháng 9-2011 còn 1.150USD/tấn hiện nay... Tình hình trên làm tất cả doanh nghiệp chế biến dừa đều phải hoạt động cầm chừng.
Trước đây thương lái Trung Quốc đưa tàu vào tận TP Bến Tre mua hàng triệu trái dừa/ngày, nhưng hiện nay sản lượng dừa Trung Quốc mua giảm tới 70%. Nguyên nhân cũng do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới.
Theo bà Phạm Thị Hân - phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, giải pháp chủ yếu là vận động, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nhau, không cạnh tranh bằng cách hạ giá sản phẩm khi chào giá xuất khẩu. Tỉnh cũng đề nghị Hiệp hội Dừa Bến Tre tiếp tục vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dừa trong tỉnh mua dừa với giá ổn định, giảm bớt khâu trung gian trong việc mua dừa.
Tập trung vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu Ông Trần Văn Đức, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bến Tre, cho biết đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại tập trung vốn cho doanh nghiệp chế biến dừa xuất khẩu. Riêng đối với nông dân, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, chủ yếu là Ngân hàng NN&PTNT, không chuyển nợ của người trồng dừa thành nợ quá hạn nếu đã tới hạn trả mà giải quyết kéo dài thời gian vay cho họ. Những hộ đang gặp khó khăn vì cây dừa nếu muốn sản xuất cây khác hoặc chăn nuôi thì ngân hàng cũng giải quyết cho vay tiếp nếu dự án đó khả thi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận