11/05/2018 15:33 GMT+7

“Nông dân 4.0” ở Đồng Tháp

NGỌC TÀI
NGỌC TÀI

Có những nông dân được Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng điện thoại thông minh, họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh, được tạo điều kiện tham quan các mô hình tiên tiến, đi đó đi đây để mở mang tri thức…

Các hoạt động "chăm chút" này của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu cuối cùng: đưa những nông dân "một nắng hai sương" trở thành nông dân 4.0 thực thụ.

“Nông dân 4.0” ở Đồng Tháp - Ảnh 1.

Lão nông Trần Văn Tiếp bán hoa kiểng qua mạng doanh thu nhiều tỉ đồng/năm - Ảnh NGỌC TÀI

Câu lạc bộ "Tôi yêu màu tím"

Lão nông Trần Văn Tiếp - Chủ nhiệm Hội quán "Tôi yêu màu tím", thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp hiện nay đã có thể thành thục truy xuất nguồn gốc các mặt hàng sản xuất trong và ngoài nước. Rồi ông lập kế hoạch sắp tới phải hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc.

Bằng các phần mềm và một chiếc điện thoại thông minh, lão nông ở tuổi lục tuần tự tin: "4.0 với nông dân tụi tui là biết thị trường trong nước, thế giới cần gì, mình đang ở đâu, để mà phải "chạy" như Bí thư Hoan nói.

Từ những gì học được, ông Tiếp liên tục cho ra đời các loại cây độc, lạ. Như Tết rồi ông tung ra thị trường dưa Pepino giống "mini" làm chậu kiểng, thị trường rất thích thú. Khỏi phải nói, dưa kiểng của ông đắt hàng thế nào…

Nơi sinh hoạt của hội quán cũng là quán nước nhỏ gia đình, ông trang trí mọi vật dụng đều một màu tím lãng mạn. Dãy hoa sát nhà cũng là hoa tím tạo dấu ấn nổi bật để ai đến một lần đều nhớ.

Hội quán là nơi tập hợp nông dân cùng sản xuất, làm ăn một nông sản. Họ sẽ họp định kỳ để bàn bạc, chia sẻ kinh nghiệm, sau đó là liên kết giúp đỡ nhau. Tránh tình trạng phá giá hoặc bị thương lái ép giá. Các cơ quan chức năng cũng dễ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ vốn. Từ từ họ sẽ tiến tới thành lập HTX. Mô hình này ý tưởng và nỗ lực duy trì từ ông Bí thư Hoan

"Nông dân mạng"

Nông dân trồng xoài huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp lại có cách quảng bá vị xoài Cao Lãnh ngọt lịm, thơm lừng thông qua mô hình "cây xoài nhà tôi". Khách hàng có thể mua trọn 1 cây xoài được chào bán và thường xuyên thăm viếng "đứa con tinh thần" trực tiếp hoặc từ những hình ảnh, thông tin người trồng gửi. Để từ những hình ảnh cập nhật liên tục đó người mua online hiểu hơn về vị ngọt và cả vị đắng trong sự cực khổ của người nông dân.

“Nông dân 4.0” ở Đồng Tháp - Ảnh 2.

Cây xoài nhà tôi - một mô hình “độc” giúp nông dân xích lại gần hơn với khách hàng - Ảnh NGỌC TÀI

Các mối quan hệ giao lưu, gắn kết dù là trên môi trường mạng, nhưng đã kéo người tiêu dùng và người sản xuất lại gần nhau hơn, giúp người nông dân nâng cao ý thức làm nông nghiệp sạch và an toàn. Với nhiều anh "hai xoài" xài smartphone, sử dụng Internet phục vụ sản xuất, tìm hiểu thế giới bên ngoài, nâng cao giá trị nông sản là một niềm vui không hề nhỏ.

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ rằng, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức với nông nghiệp VN. Theo ông, việc phải làm là giúp nông dân tiếp cận và có thể làm chủ được tri thức. Cho nông dân học cách làm hay, tăng hiệu quả... thì vai trò của Nhà nước là cung cấp được càng nhiều dữ liệu thông tin càng tốt để qua đó người nông dân tự quyết định.

"Ở Việt Nam, hầu như từ xưa đến giờ là chúng ta quyết định thay cho nông dân. Trong khi thế giới, như nước Úc, họ tạo điều kiện để kích hoạt người nông dân tiếp cận được kho tàng tri thức, nhất là khoa học công nghệ trên lĩnh vực nông nghiệp", ông Hoan phân tích. Vị Bí thư không giấu niềm vui khi khoe rằng, nhiều nông dân đã gửi email cho ông để trao đổi chuyện nuôi trồng, chuyện đưa sản phẩm ra thị trường…

NGỌC TÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên